Việt Nam đứng đầu về xuất khẩu quế
Cần định hướng bền vững cho cây quế
|
Việt Nam xuất khẩu quế số 1 thế giới với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 300 triệu USD mỗi năm |
Thông tin trên được Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho biết tại Hội thảo quốc gia phát triển bền vững ngành quế Việt Nam ngày 15/11.
Ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ 3 trên toàn thế giới, chiếm 17% thị phần quế trên thế giới với kim ngạch xuất khẩu quế năm 2022 đạt khoảng 300 triệu USD.
Với diện tích khoảng 180.000 ha, trồng quế hiện đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu vùng xa, đồng thời đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của nhiều địa phương. Quế được dùng nhiều trong sản xuất và cuộc sống như làm gia vị, làm hương liệu, làm thuốc chữa bệnh; sử dụng để chế biến thức ăn, nuôi gia súc, gia cầm hoặc làm phân bón…
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, tính đến hết tháng 10/2023, Việt Nam xuất khẩu 74.744 tấn quế với giá trị 220,3 triệu USD, tăng 19,2% về lượng, nhưng giảm 1,3% về giá trị so cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu quế trung bình 10 tháng đạt 2.948 USD/tấn, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Thị trường nhập khẩu chính của quế Việt Nam là Ấn Độ, chiếm 43,9% thị phần; tiếp đến là Mỹ, Bangladesh…
Năm 2022, Việt Nam là nước đứng thứ 3 thế giới về sản lượng quế, chiếm 17% và là nước xuất khẩu quế số 1 trên thế giới với kim ngạch đạt 292,2 triệu USD. Hiện, một số doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy chế biến quế hiện đại, đặc biệt là một số doanh nghiệp FDI, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Mặc dù xuất khẩu đứng đầu thế giới, tuy nhiên hiện nay Việt Nam chưa có định hướng chiến lược ở cấp quốc gia; thiếu cơ chế để để nghiên cứu nhằm kịp thời phản hồi yêu cầu của thị trường; tồn dư hóa chất glyphosate (có trong thuốc trừ cỏ) và hoạt chất chlorpyrifos (có trong thuốc trừ sâu) và hàm lượng kim loại nặng trong sản phẩm quế còn cao; chất lượng cây giống còn bỏ ngỏ, chưa có nghiên cứu giống đầu dòng; chưa có một tổ chức làm đầu mối kết nối các tổ chức lại với nhau dẫn tới các chương trình hoạt động mang tính riêng lẻ. Chuỗi cung ứng cũng chưa được xây dựng hiệu quả, đặc biệt là việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã để kết nối với các doanh nghiệp.
Cùng với đó là vấn đề thiếu công nghệ và vốn để đầu tư chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm; năng lực kỹ thuật chuyên sâu của khuyến nông - lâm chưa đáp ứng yêu cầu thực tế; thiếu chuyên gia và tài liệu.