Cần định hướng bền vững cho cây quế
Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ 3 theo sản lượng trên toàn thế giới, sau Indonesia và Trung Quốc. Với diện tích hơn 150.000 ha, trồng quế hiện đang là sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu vùng xa. Còn theo báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), tổng sản lượng quế của Việt Nam năm 2019 đạt 41.408 tấn, chiếm 17% sản lượng toàn cầu.
Theo ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai, hiện nay tỉnh có 42.000ha quế; trong đó, có 3.500ha quế được chứng nhận hữu cơ. Thị trường quế của Lào Cai tương đối ổn định, đã được xuất trực tiếp sang 9 nước. Tuy nhiên, sản phẩm chủ yếu là quế vỏ nguyên liệu và tinh dầu có giá trị thấp. Lào Cai đặt mục tiêu phát triển ngành hàng quế đến năm 2030 có quy mô khoảng 60.000ha; trong đó, có khoảng 30.000-35.000ha quế được cấp chứng chỉ hữu cơ. Tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng chứng chỉ quế hữu cơ trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2025.
Lào Cai đặt mục tiêu phát triển ngành hàng quế đến năm 2030 có quy mô khoảng 60.000ha |
Theo đại diện Tổng cục Lâm nghiệp, quế là một loại lâm sản ngoài gỗ hiện nhu cầu thị trường quốc tế ngày một gia tăng. Diện tích trồng quế ở Việt Nam cũng đang mở rộng và phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Diện tích quế không chỉ phát triển ở một số địa phương như Lào Cai, Yên Bái mà đã mở rộng ra Phú Thọ, Quảng Ninh, Lạng Sơn và một số tỉnh Bắc Trung Bộ. Hiện nhu cầu về quế tăng nhanh hơn mức tăng nguồn cung toàn cầu, ước tính từ 8 - 12%. Sự mất cân đối giữa cung và cầu đã khiến giá quế ngày càng tăng, nhất là từ năm 2016 đến nay. Thực trạng này có thể dẫn đến việc chuyển đổi phát triển quế ồ ạt tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Quế Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần sản xuất và xuất khẩu Việt Nam (VINASAMEX) chia sẻ, bà con nông dân hiện vẫn trồng trọt, canh tác theo tập quán cũ chưa chú trọng đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất dẫn đến chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường cao cấp là chưa cao. Có tới 70% giống quế, hồi do người dân tự sản xuất theo kinh nghiệm, chất lượng giống không đảm bảo.
Bên cạnh đó, hiện Việt Nam có trên 600 công ty hoạt động trong lĩnh vực gia vị. Tuy nhiên, đa phần trong số đó là các công ty thương mại, chỉ quan tâm đến việc mua bán mà không quan tâm đến việc xây dựng mối liên kết với người nông dân trồng nguyên liệu. Các công ty hợp tác với nông dân theo chuỗi giá trị rất ít. Do đó, người nông dân thường gặp tình trạng giá cả bấp bênh, được mùa mất giá tương tự các sản phẩm nông sản khác. Đa số các DN trong ngành quế, hồi có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực tài chính cũng như khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Hơn nữa, chưa có cơ chế chính sách đặc thù thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm quế, hồi xuất khẩu, ông Nguyễn Quế Anh cho biết thêm.
Cùng với đó, hiện hoạt động thu mua, chế biến và xuất khẩu quế giữa các DN trong nước và nước ngoài đang gia tăng mạnh. Nếu không có những định hướng quản lý và phát triển ngành quế một cách chiến lược, kịp thời và bền vững thì có thể sẽ đưa đến những lúng túng cho các cơ quan quản lý ở địa phương, có thể sẽ đưa đến hậu quả và tác động tiêu cực cho người dân trồng quế .
Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, quế là một loại lâm sản ngoài gỗ hiện có nhu cầu trên thị trường quốc tế ngày một gia tăng. Tại Việt Nam, diện tích trồng quế cũng đang mở rộng và phát triển mạnh mẽ. Do vậy, nếu không có những định hướng kịp thời, sẽ có nguy cơ đối mặt với những vấn đề phát triển không bền vững.
Ông Võ Kim Cương, đại diện Nhóm nghiên cứu Dự án Great cho rằng, cần tập trung sản xuất nguyên liệu có giá trị cao, có chứng nhận, theo chuẩn kỹ thuật quốc tế, chất lượng đảm bảo, ổn định. Bên cạnh đó, cần kiểm soát chuỗi cung ứng cũng như nâng cao sản lượng xuất khẩu đi EU, Bắc Mỹ.