Cải cách hành chính: Một trụ cột nâng cao chất lượng quản lý của NHNN
Hiệu ứng từ một hành trình chủ động cải cách không ngừng | |
Tạo bứt phá trong cải cách hành chính | |
Ba trụ cột cải cách hành chính ngành Ngân hàng |
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ cũng như xuất phát từ chính quan điểm cải cách thực chất của Thống đốc NHNN, từ ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 35, NHNN đã ban hành Quyết định số 1355 về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020.
Tiếp theo đó, từ năm 2016 đến nay, NHNN liên tục ban hành các kế hoạch bổ sung nhiệm vụ mới theo các Nghị quyết hàng năm của Chính phủ, mà gần đây nhất là Nghị quyết số 02. Các chương trình hành động không chỉ đề ra các nhiệm vụ cụ thể mà còn phân công đơn vị chủ trì triển khai thực hiện với yêu cầu về thời hạn và sản phẩm mục tiêu trong từng giai đoạn.
“Điều này thể hiện trách nhiệm của NHNN đối với các TCTD, của TCTD đối với doanh nghiệp, người dân và cũng chính là trách nhiệm chung của cả ngành Ngân hàng đối với toàn xã hội”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh Cải cách hành chính trong ngành Ngân hàng, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao Chỉ số Tiếp cận tín dụng, tiếp tục triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ.
Tương tác lợi ích 3 trong 1
Chánh Văn phòng NHNN Phạm Đức Ấn cho biết, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng có tính then chốt để nâng cao hiệu quả, chất lượng trong việc tổ chức thực hiện chức năng quản lý của NHNN và nhiệm vụ của ngành Ngân hàng, trong những năm qua công tác cải cách hành chính được NHNN triển khai có hiệu quả trên cả 6 lĩnh vực.
NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2019/NĐ-CP và Thông tư số 17/2018/TT-NHNN của NHNN về cắt giảm, đơn giản hóa 31% các điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng. NHNN cũng đã ban hành Thông tư 24/2018/TT-NHN cắt giảm 20% chế độ báo cáo định kỳ cho các tổ chức tín dụng.
Toàn bộ các thủ tục hành chính của NHNN đã được thực hiện theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 đảm bảo yêu cầu công khai minh bạch và tạo điều kiện cho tổ chức cá nhân giám sát quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Việc tiếp nhận, xử lý, quản lý văn bản của NHNN được thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử; việc gửi, nhận văn bản giữa NHNN với các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện qua trục liên thông quốc gia bằng văn bản điện tử thay thế cho nhiều loại văn bản giấy; hệ thống truyền hình trực tuyến đã phục vụ tích cực cho hoạt động điều hành, đào tạo, tập huấn… góp phần nâng cao hiệu quả công việc, cắt giảm đáng kể giấy tờ, chi phí đi lại, hội họp.
Với đặc thù là một ngành thực hiện dịch vụ phục vụ người dân, NHNN nhiều năm qua cũng đã đặt ra yêu cầu cải cách, đổi mới đối với hệ thống các TCTD. Cùng với nhu cầu thiết thân tạo dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, hệ thống các TCTD đã chủ động rà soát, cắt giảm, bãi bỏ nhiều thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vay vốn và sử dụng các dịch vụ.
Năm 2018, hệ thống các TCTD đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý; đồng thời cung cấp gần 100 chương trình, sản phẩm tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với nguồn vốn ưu đãi, trong đó có 15 chương trình áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Cùng với đó là việc chủ động rà soát tổng thể về phí, giá dịch vụ và giảm nhiều loại phí, trong đó có nhiều dịch vụ miễn phí hoàn toàn.
Các ngân hàng tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ, hệ thống Core Banking để hoàn thiện các dịch vụ e.Banking và đã cung cấp nhiều sản phẩm online mới, hiện đại, tiện dụng đáp ứng yêu cầu về thương mại điện tử của doanh nghiệp. Các quy trình cung cấp dịch vụ, biểu phí, lãi suất được công bố công khai và cập nhật liên tục trên trang tin điện tử của ngân hàng, các phần mềm tiện ích sử dụng trên điện thoại được cung cấp giúp khách hàng tra cứu thông tin, trao đổi về chất lượng, giá cả dịch vụ…
Đã có trên 420 cuộc gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và doanh nghiệp được tổ chức trên toàn quốc; các ngân hàng đã cho vay mới hơn 50.000 doanh nghiệp; thực hiện gia hạn nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất gần 60.000 tỷ đồng đối với các khoản vay cũ của hơn 3.300 doanh nghiệp.
Những kết quả nêu trên đã mang lại nhiều lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp, người dân mà còn mang lại nhiều lợi ích cho NHNN cũng như các TCTD. Người dân và doanh nghiệp được tiếp cận với thông tin về tài chính, ngân hàng nói chung và các quy trình, thủ tục, sản phẩm dịch vụ ngân hàng một cách minh bạch, rõ ràng, cụ thể và bình đẳng hơn. Đồng thời, kiến thức, thông tin về tiền tệ, ngân hàng được phổ cập, nâng cao.
Ngoài ra, người dân cũng được thụ hưởng những tiện ích từ các sản phẩm dịch vụ, ngân hàng hiện đại; tiết kiệm được chi phí đi lại, thời gian khi sử dụng dịch vụ ngân hàng và tiếp cận với nguồn vốn vay ngân hàng dễ dàng và nhanh chóng hơn. Thời gian chu chuyển vốn được rút ngắn, góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình phát triển sản xuất kinh doanh và vòng quay vốn của doanh nghiệp và người dân.
Đối với NHNN - cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, ngân hàng - kết quả cải cách hành chính đã giúp NHNN tổ chức thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành chuyên nghiệp, bài bản và hiệu quả hơn. Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh giúp giảm thiểu chi phí thời gian và nhân lực của NHNN trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, việc tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, ngân hàng giúp cho thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trở nên thông suốt hơn, tạo điều kiện cho NHNN điều hành chính sách tiền tệ hiệu quả hơn. Đồng thời, kết quả cải cách, đổi mới hoạt động của các TCTD cũng giúp NHNN có điều kiện thực hiện tốt hơn vai trò theo dõi, giám sát và quản lý nhà nước đối với hoạt động của hệ thống các TCTD.
Đối với các TCTD, áp lực phải cải cách thủ tục và cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng là động lực giúp các TCTD đổi mới toàn diện hoạt động của tổ chức mình theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch, công khai, giảm thiểu chi phí và lấy khách hàng làm trung tâm với nhiều sản phẩm, tiện ích hiện đại hướng tới thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Động lực này sẽ giúp các TCTD hoạt động ngày càng hiệu quả hơn và đẩy nhanh hơn quá trình cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 và những giai đoạn tiếp theo.
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến ở điểm cầu Hà Nội
Những nỗ lực cải cách hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia của NHNN đã được ghi nhận tại Báo cáo Môi trường kinh doanh 2019 của Ngân hàng Thế giới với Chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam hiện xếp hạng 32/190 (đạt 75/100 điểm), ngang bằng với Singapore và Malaysia, các nước đứng đầu trong nhóm ASEAN 4. Đồng thời, Chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam là 1 trong 2 chỉ số của Việt Nam đạt trung bình của ASEAN 4.
Mới đây nhất, NHNN đã được ghi nhận lần thứ 4 liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) các bộ, ngành. Tự hào trước những thành quả của Ngành, tuy nhiên, như Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, quan điểm chỉ đạo của Ban lãnh đạo NHNN đối với các đơn vị trong Ngành không vì đã đứng đầu Par-Index 4 năm thì công tác cải cách sẽ làm nhẹ nhàng hơn mà phải tiếp tục triển khai quyết liệt nhằm cải thiện môi trương kinh doanh. Trong đó, các đơn vị NHNN cần tập trung triển khai hỗ trợ mạnh mẽ cho các TCTD và cùng các TCTD hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là thực hiện tốt các dịch vụ thanh toán theo Nghị quyết 02.
Còn dư địa cho cải cách
Nhấn mạnh chúng ta đã có hệ thống văn bản chỉ đạo kịp thời các nhiệm vụ Chính phủ đặt ra cũng như triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính mang tính đặc thù riêng của Ngành, Phó Thống đốc đã đặt ra 3 nhiệm vụ chung đối với toàn Ngành. Trong đó, việc triển khai có hiệu quả Quyết định 1355/QĐ-NHNN được xem là nền móng cho hoạt động cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN trong nhiệm kỳ này cũng như tạo nền tảng cho nhứng năm tới.
Và để triển khai hiệu quả hơn, hệ thống ngân hàng từ trung ương đến cơ sở cần rà soát, đánh giá lại việc triển khai những kết hoạch, chương trình hành động, chỉ ra nguyên nhân tồn tại để từ đó có những giải pháp điều chỉnh cho phù hợp.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, NHNN sẽ tạo điều kiện cho chính các TCTD có một môi trường kinh doanh tốt hơn, từ việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho đến việc phải giải quyết nhanh hơn những vướng mắc của NHTM. Đồng thời ,đồng hành cùng TCTD phối hợp làm tốt hỗ trợ DN, người dân trên tinh thần một ngành dịch vụ phục vụ người dân.
Về nhiệm vụ cụ thể, Phó Thống đốc nhấn mạnh một số nhóm nhiệm vụ quan trọng cần triển khai. Đó là nhóm giải pháp về chỉ đạo, điều hành, tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính với tiếp tục hoàn thiện các quy định, quy chế của NHNN để sửa đổi, bổ sung các quy định cụ thể về lề lối làm việc, thẩm quyền của thủ trưởng các đơn vị, về phân cấp, phân quyền quản lý, cơ chế phối hợp công tác, về đánh giá theo phương pháp lượng hóa chất lượng công việc của đơn vị, thủ trưởng đơn vị.
Nhóm thứ 2 là hoàn thiện về pháp luật cải cách hành chính và cải thiện điều kiện kinh doanh. Trong đó "đặc sản" của ngành Ngân hàng là chương trình kết nối Ngân hàng và Doanh nghiệp đã triển khai hiệu quả hơn nữa, giải quyết các khó khăn mang tính tổng thể, vùng miền và đến từng đối tượng. Đối với các đơn vị trên trung ương cần quyết liệt về việc xây dựng, ban hành văn bản, không để xảy ra tình trạng chậm trễ.
Nhóm nhiệm vụ thứ 3 mà ngành Ngân hàng cần tập trung đó chính là nâng cao chất lượng công chức, công vụ. Đây là nhiệm vụ NHNN sẽ triển khai mạnh mẽ và quyết liệt trong năm 2019 nhằm thực hiện Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, chương trình hành động về công chức, công vụ sẽ gắn với vị trí việc làm, với thu nhập.
Với các NHTM, dù là DN, lãnh đạo Ngành cũng đặt ra vấn đề này. Bởi như Phó Thống đốc phân tích, với nền kinh tế thị trường, quan hệ giữa ngân hàng và DN không còn phải là xin - cho, kẻ yếu - người mạnh mà là quan hệ cộng sinh. Để nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng năng lực cạnh tranh, các TCTD không chỉ cần giảm thiểu thủ tục hành chính, chi phí mà quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm của cán bộ.
Nhóm nhiệm vụ thứ 4 là hiện đại hóa nền hành chính, trong đó có vấn đề về công nghệ, hạ tầng, áp dụng ISO để hoạt động ngày càng hiệu quả, gắn với việc thực hiện Chính phủ điện tử...
Chỉ ra còn nhiều dư địa cải cách, Phó Thống đốc chỉ đạo các TCTD cần tiếp tục hỗ trợ DN và người dân với điểm mấu chốt là công khai, minh bạch, cải tiến quy trình, áp dụng công nghệ để gia tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ cho người dân nhưng không hạ thấp các điều kiện tín dụng. Việc triển khai thực hiện chính sách ưu tiên, ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ và của Ngành không chỉ đặt lên vai NHTM Nhà nước mà với cả các NHTMCP để thực hiện chính sách vì cộng đồng xã hội. Và để cái cách hành chính có hiệu quả, trong 8 tháng cuối năm, NHNN sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra công tác cải cách tại các địa phương và TCTD.