Đại học FPT coi thường pháp luật?
NHNN: Sử dụng Bitcoin làm phương tiện thanh toán sẽ bị phạt đến 200 triệu đồng | |
Một thách thức cho chính sách tiền tệ |
Anh Nguyễn Trí Dũng (Hoàn Kiếm) chia sẻ, “Đại học FPT đã quá coi thường pháp luật! Tiền ảo là đồng tiền chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận và cũng không nằm trong danh mục đồng tiền được phép chuyển đổi! Nói cách khác, tại Việt Nam nó là đồng tiền nằm ngoài pháp luật. Một trường đại học luôn dạy các sinh viên sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật lại có cách hành xử trái luật như thế liệu có “ổn” không? Bên cạnh đó, Đại học FPT nhận đồng Bitcoin, đại học X nhận đồng Gemcoin, đại học C nhận đồng Xcoin thì hệ thống tài chính, tiền tệ của Việt Nam có còn được tôn trọng? Rồi các trường đại học nhận tiền ảo, các công ty cũng “thí nghiệm” trả tiền ảo thì chúng ta quản lý thế nào? Đây là hành vi cần phải xử phạt và lên án để bảo vệ nền kinh tế nước ta!”.
Theo các quy định của pháp luật hiện hành, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam |
Trước đó, trong một thông báo trên mạng xã hội vào tối 26/10 của ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Trường Đại học FPT cho biết, trường "chấp nhận cho sinh viên nộp học phí bằng bitcoin, trước mắt áp dụng cho sinh viên ngoại".
Thế nhưng, thông báo mới nhất của NHNN khẳng định, theo các quy định của pháp luật hiện hành, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.
Còn theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.
Như vậy có thể thấy rõ việc “chấp nhận” hay “thử nghiệm” một đồng tiền ảo tại Việt Nam là điều chưa được pháp luật thừa nhận và hoàn toàn trái luật. “NHNN nói riêng và các cơ quan quản lý cần phải xử phạt nghiêm minh hành vi này để làm gương cho những đơn vị khác, có như thế mới bảo vệ được sự trong sáng của đồng tiền Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh đó cũng cần phải kiểm tra xem FPT có vi phạm các quy định về quản lý ngoại hối hay không, nếu có cũng cần phải xử phạt thật nghiêm minh”, chị Nguyễn Thu Hà (Đống Đa) nhấn mạnh.
Lý giải về việc thu học phí bằng bitcoin, ông Lê Trường Tùng cho biết “trường chấp nhận sinh viên nước ngoài sử dụng bitcoin như một phương tiện thanh toán học phí cho trường, bởi việc này sẽ tạo sự thuận tiện cho sinh viên ngoại quốc. Vì công tác quản lý tài chính của một số nước rất chặt chẽ về ngoại tệ nên việc đóng học phí với các em cũng là một trở ngại lớn. Đồng thời, trường kỳ vọng sẽ sử dụng bitcoin như một công cụ phục vụ mục đích nghiên cứu”.
Thế nhưng theo các chuyên gia thì Đại học FPT hoàn toàn có thể “nghiên cứu” tiền ảo theo nhiều góc cạnh khác nhau chứ không cần phải “thu học phí” bởi khi tiếp nhận nó thay học phí nó đã nghiễm nhiên trở thành một công cụ thanh toán. Ở đây Đại học FPT đã cố tình đánh tráo khái niệm để chấp nhận tiền ảo – hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam. Đây là hành vi phải xử lý nghiêm để bảo vệ đồng tiền Việt.
Có thể thấy đồng tiền ảo bitcoin đã xuất hiện khá lâu trên thị trường và được một số quốc gia thừa nhận. Thế nhưng cùng với tiền ảo bitcoin, hàng loạt đồng tiền ảo khác cũng xuất hiện và chưa có hồi kết. Đáng lưu ý hơn là nó chưa được bất kỳ một Ngân hàng Trung ương nào thừa nhận và cũng không được đảm bảo bằng giá trị hàng hóa, do đó đây là đồng tiền tiềm ẩn đầy rủi ro.
Trước những rủi ro tiềm ẩn ấy NHNN Việt Nam đã nhiều lần phát đi cảnh báo về các đồng tiền ảo, song có lẽ cảnh báo không thôi là chưa đủ mạnh, đã đến lúc các cơ quan chức năng phải có những biện pháp xử phạt mạnh tay hơn để tiền ảo đi vào “hồi kết”.