Dè dặt với chứng khoán phái sinh
Kỳ vọng từ thị trường chứng khoán phái sinh | |
Thị trường chứng khoán phái sinh đã sẵn sàng |
Từ 1/7/2016 Thông tư 11 của Bộ Tài chính về hướng dẫn Nghị định 42/2015 của Chính phủ đối với sản phẩm chứng khoán phái sinh (CKPS) và thị trường CKPS đã có hiệu lực với sản phẩm ban đầu là: hợp đồng giao sau chỉ số chứng khoán và hợp đồng giao sau trái phiếu Chính phủ. Tuy nhiên, việc triển khai các loại sản phẩm CKPS này đến nay vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều vừa ủng hộ vừa tỏ ra lo lắng, e ngại.
Vốn hóa thị trường sẽ tăng lên khi các sản phẩm phái sinh chứng khoán phát triển |
Rằng hay thì thật là hay
Mặc dù rất đồng tình với việc phát triển các sản phẩm CKPS và thừa nhận rằng khi mở ra các loại sản phẩm phái sinh sẽ làm cho vốn hóa trên thị trường chứng khoán tăng mạnh; thêm vào đó, các nhà đầu tư cũng sẽ có được một công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả. Tuy nhiên, PGS-TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa Tài chính – Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, việc phát triển các sản phẩm CKPS tại Việt Nam hiện nay chứa đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Rủi ro thứ nhất có thể xảy đến là thị trường nhanh chóng phát sinh tình trạng đầu cơ, đánh bạc với kỳ vọng. Thực tế đã chứng minh trường hợp này, khi vào thời điểm 2006 nhiều đại lý và DN thu gom xuất khẩu cà phê tại Tây Nguyên đã thua lỗ hàng triệu USD khi tham gia kinh doanh hợp đồng giao sau trên sàn London.
Ban đầu các đại lý, DN cà phê chỉ mua hợp đồng phái sinh trên sàn giao dịch để hạn chế thua lỗ nếu giá cà phê giảm. Nhưng sau đó, họ tham gia vào các hợp đồng giao sau cà phê với quy mô lớn gấp nhiều lần sản lượng cà phê họ nắm giữ. Vì vậy lúc giá cà phê thế giới tăng lên, lợi nhuận thu được từ bán cà phê thực không đủ bù trừ cho khoản lỗ do các hợp đồng giao sau. Hàng loạt đại lý, DN cà phê thua lỗ dẫn tới hàng ngàn hộ dân trồng cà phê bị liên lụy dây chuyền.
Dẫn chứng một ví dụ khác là sàn giao dịch vàng (2006-2009), ông Bảo cho rằng một trong những rủi ro tiềm ẩn nữa khi triển khai các sản phẩm phái sinh đó là tình trạng nhiễu loạn và lộn xộn.
Theo ông Bảo, mặc dù trong suốt 4 năm sàn vàng được lập ra và kinh doanh nhưng hầu hết các nhà đầu tư đều không bận tâm đến các điều khoản giao dịch, các phương thức quản lý rủi ro và xử lý tranh chấp mà chỉ quan tâm duy nhất đến việc “đánh lên” hay “đánh xuống”.
Giá vàng giao dịch trên sàn từ chỗ phái sinh từ thị trường vàng vật chất trở thành xa rời, tách biệt với thị trường vàng, tạo ra hàng loạt những tiêu cực, xảo thuật tài chính làm méo mó thị trường. Từ đó tạo ra “diện mạo xấu xí” cho một sàn giao dịch hàng hóa phái sinh rất có tiềm năng, buộc Chính phủ và NHNN phải đóng cửa tất cả các sàn vàng vào năm 2009.
Thử nghiệm để hoàn thiện
Luật sư Nguyễn Kim Long (CTCK Sài Gòn) cho rằng, để xây dựng được pháp lý chặt chẽ trong hoạt động quản lý thị trường CKPS, các cơ quan Nhà nước cần xác định rõ sản phẩm phái sinh là sản phẩm mới để thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán hay là sản phẩm phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư, hay bao gồm cả hai mục tiêu trên. Theo ông Long, việc xác định rõ vấn đề này sẽ ảnh hưởng tới định hướng phát triển thị trường cũng như cung cấp kiến thức cho các thành viên thị trường để có thể hiểu rõ và phòng tránh các rủi ro.
Đồng tình quan điểm này, nhưng thận trọng hơn, ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK TP.HCM cho rằng, tính chất bền vững của thị trường phái sinh phải dựa vào thị trường cơ sở.
“Tại Thái Lan, hiện nay mỗi phiên giao dịch tại thị trường chứng khoán cơ sở có thanh khoản khoảng 1,5 tỷ USD. Với mức thanh khoản này, họ có nền tảng tương đối vững chắc để triển khai các sản phẩm phái sinh. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện nay thanh khoản mỗi phiên giao dịch chứng khoán cơ sở mới chỉ khoảng 150 triệu USD. Do vậy, cùng với việc hoàn thiện pháp lý cho CKPS thì cũng phải thúc đẩy thanh khoản trên các sàn chứng khoản cơ sở để tạo nền tảng”- ông Giang nói.
Lấy kinh nghiệm từ việc phát triển thị trường CKPS tại Trung Quốc, TS. Phùng Đức Nam (Khoa Tài chính – Đại học Kinh tế TP.HCM) cho rằng, khả năng tạo ra bong bóng sản phẩm phái sinh và những bê bối làm giá trên thị trường sẽ luôn xuất hiện sớm khi thanh khoản thị trường phái sinh được đẩy mạnh. Sự chồng chéo về quản lý sản phẩm phái sinh cũng tạo ra sự phức tạp trong giao dịch và khung pháp lý cho loại sản phẩm này.
Để phát triển thị trường CKPS tại Việt Nam, theo ông Nam trước hết cần thống nhất được một khung pháp lý chặt chẽ. Ở đó phải có những quy định hạn chế được tình trạng bong bóng phái sinh gây tổn hại đến nhà đầu tư. Đồng thời vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cũng cần được đặt nặng, bởi nguyên nhân dẫn tới nhiễu loạn thị trường CKPS thường xảy đến từ việc nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường nhưng không hiểu rõ hết bản chất sản phẩm và không lường được những rủi ro có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho rằng, dù còn khá mới mẻ nhưng việc phát triển thị trường CKPS vẫn cần thiết phải thực hiện.
Trước mắt đơn vị này đã hoàn thiện cơ bản hệ thống phần mềm giao dịch CKPS và cho chạy thử nghiệm với các thành viên thị trường và Trung tâm Lưu ký chứng khoán. Việc thiết kế hai sản phẩm CKPS đầu tiên là hợp đồng giao sau chỉ số và hợp đồng giao sau trái phiếu Chính phủ cũng đã hoàn tất và trình cấp có thẩm quyền xem xét. Dự kiến những chỉ số cổ phiếu ban đầu được lựa chọn là VN30 và HNX30 với quy mô hợp đồng khoảng 100 - 300 triệu đồng. Đối với hợp đồng giao sau trái phiếu Chính phủ, HNX sẽ chọn tài sản cơ sở là trái phiếu kỳ hạn 5 năm, quy mô hợp đồng đang thiết kế khoảng 1 - 10 tỷ đồng.
“Theo kế hoạch, từ năm 2017 sẽ áp dụng thử nghiệm trên 2 loại sản phẩm này, sau năm 2020 sẽ phát triển thêm các loại sản phẩm phái sinh khác dựa trên các tài sản cơ sở theo thông lệ quốc tế - ông Long cho biết.
Dự kiến những chỉ số cổ phiếu ban đầu được lựa chọn là VN30 và HNX30 với quy mô hợp đồng khoảng 100 - 300 triệu đồng. Đối với hợp đồng giao sau trái phiếu Chính phủ, HNX sẽ chọn tài sản cơ sở là trái phiếu kỳ hạn 5 năm, quy mô hợp đồng đang thiết kế khoảng 1 - 10 tỷ đồng. |