Kỳ vọng từ thị trường chứng khoán phái sinh
Thị trường chứng khoán phái sinh đã sẵn sàng | |
Hướng dẫn hoạt động giao dịch, thanh toán chứng khoán phái sinh | |
Thêm 4 chi nhánh NH nước ngoài được kinh doanh sản phẩm phái sinh lãi suất |
Ngày 10/11, tại hội thảo “Quản lý rủi ro trên thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết: “Đây là hội thảo đầu tiên HNX triển khai thị trường chứng khoán phái sinh. Mục tiêu của hội thảo là hoàn thiện cơ cấu thị trường chứng khoán và tạo sản phẩm mới cho các nhà đầu tư trên thị trường cũng như tạo chất xúc tác, cung cấp cho thị trường những công cụ để phòng ngừa rủi ro”.
Thị trường chứng khoán phái sinh tiềm ẩn nhiều rủi ro
Bà Lan cho biết “Thị trường chứng khoán phái sinh mặc dù cung cấp cho thị trường những công cụ để phòng ngừa rủi ro nhưng thị trường này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Do đó, hội thảo được tổ chức để giúp các thành viên thị trường, nhà đầu tư hiểu và nắm rõ được kiến thức về thị trường chứng khoán phái sinh, từ đó có những biện pháp phòng ngừa rủi ro để hướng tới xây dựng một thị trường chứng khoán phái sinh bền vững. Hội thảo được HNX kết hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam tổ chức với sự tham gia của các công ty chứng khoán và nhà nghiên cứu để có được bức tranh tổng thể về thị trường này nhìn ở góc độ rủi ro”.
Công ty chứng khoán đang chuẩn bị tham gia thị trường mới với tư cách là thành viên giao dịch |
Đồng ý với bà Lan, ông Đặng Tàn An Trang, Phó chánh văn phòng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, khi thị trường chứng khoán phát triển đến một mức độ nào đó bắt buộc phải phát triển thị trường chứng khoán phái sinh. Do đó quản lý rủi ro thị trường chứng khoán phái sinh là nội dung quan trọng để phát triển thị trường chứng khoán bền vững và an toàn.
Để quản lý thị trường chứng khoán phái sinh, ông Trang đưa ra nguyên tắc bảo vệ nhà đầu tư với việc bảo vệ tài sản khách hàng tách bạch việc quản lý tiền và chứng khoán, không sử dụng thực hiện các nghĩa vụ thanh toán của thành viên, giảm thiểu khả năng đổ vỡ khi đặt ra yêu cầu về an toàn vốn, ký quỹ…; Nguyên tắc thị trường vận hành công bằng hiệu quả, minh bạch bảo đảm hiệu quả về chi phí, tính liên tục của giá trên thị trường, quá trình xác lập giá phản ánh đầy đủ…; Giảm rủi ro hệ thống bằng việc giám sát thường xuyên an toàn vốn, quy trình hệ thống quản trị rủi ro thanh toán bù trừ hiệu quả…
Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCP chứng khoán TP. HCM cho biết, các công ty chứng khoán đang chuẩn bị tham gia thị trường mới với tư cách là thành viên giao dịch. Các công việc bao gồm thiết kế sản phẩm, phát triển khách hàng, thiết kế các quy trình vận hành và chuẩn bị hệ thống giao dịch và quản trị rủi ro…
Điều kiện để kinh doanh chứng khoán phái sinh
Theo ông Trang, muốn kinh doanh chứng khoán phái sinh phải đáp ứng các điều kiện theo Nghị định số 42 về chứng khoán phái sinh và Thông tư số 11 hướng dẫn nghị định này.
Theo đó, đối với môi giới chứng khoán phái sinh, tổ chức kinh doanh chứng khoán phải được cấp phép đầy đủ về nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán (Điều 60 Luật Chứng khoán); được chấp thuận hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh.
Bên cạnh đó, công ty chứng khoán còn phải hội đủ các điều kiện: vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ 800 tỷ đồng trở lên; không lỗ trong 2 năm gần nhất; tỷ lệ vốn khả dụng tối thiểu 220% trong 12 tháng gần nhất; báo cáo tài chính được kiểm toán chấp thuận; không ở trong quá trình hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản, kiểm toán, kiểm soát đặc biệt.
Kế đến, để tự doanh chứng khoán phái sinh các công ty chứng khoán phải được cấp phép đầy đủ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán (Điều 60 Luật Chứng khoán). Ngoài ra, các công ty chứng khoán còn phải hội đủ các điều kiện sau: vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ 600 tỷ đồng trở lên; không lỗ trong 2 năm gần nhất; tỷ lệ vốn khả dụng tối thiểu 220% trong 12 tháng gần nhất; Báo cáo tài chính được kiểm toán chấp thuận; không ở trong quá trình hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản, kiểm toán, kiểm soát đặc biệt.
Để được tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh, các công ty chứng khoán phải là công ty quản lý quỹ hoặc công ty chứng khoán được cấp phép đầy đủ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán (Điều 60 Luật Chứng khoán); Vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn pháp định; Đáp ứng điều kiện về tình hình tài chính, nhân sự, công nghệ; Không ở trong quá trình hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản, kiểm toán, kiểm soát đặc biệt…
Cuối cùng điều kiện để kinh doanh chứng khoán phái sinh đó là công ty chứng khoán chỉ được đầu tư sau khi được chấp thuận đăng ký hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh. Công ty quản lý quỹ không được đầu tư chứng khoán phái sinh từ nguồn vốn của mình; chỉ được đầu tư chứng khoán phái sinh từ nguồn vốn ủy thác, vốn của quỹ đầu tư có điều khoản cho phép.
Tổ chức tín dụng được kinh doanh chứng khoán phái sinh theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và hướng dẫn của NHNN. DN bảo hiểm, tập đoàn kinh tế Nhà nước, tổng công ty Nhà nước, DN 100% vốn Nhà nước cũng được đầu tư chứng khoán phái sinh sau khi cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền quyết định.
Bà Lan khẳng định cuối tháng 12/2016, Ủy ban Chứng khoán và Bộ Tài Chính sẽ báo cáo Chính phủ việc chuẩn bị thị trường này, nếu tốt sẽ cho vận hành thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam vào quý I hoặc quý II/2017.