DN chưa mặn mà với phòng ngừa rủi ro tỷ giá
Phân tán rủi ro bằng đa dạng hóa đồng tiền
Việc NHNN đưa ra thông điệp chính sách điều hành tỷ giá ngay từ đầu năm làm cho các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu (XNK) bớt lo lắng hơn về khả năng biến động của tỷ giá. Tuy nhiên, vẫn có DN nhận thức rằng, việc phòng ngừa rủi ro tỷ giá là rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động.
Nhiều DN lựa chọn giải pháp đa dạng hoá đồng tiền thanh toán để tránh rủi ro về tỷ giá
Trao đổi với phóng viên TBNH, ông Lee Eun Hong, Tổng giám đốc CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công cho hay, mặc dù vẫn tin vào chính sách ổn định tỷ giá USD/VND, nhưng trên thực tế DN cũng phải có phương án cụ thể để phòng ngừa những rủi ro phát sinh. Bởi, đối với các DN XNK, có đến 80% giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu đều tính bằng USD trong hợp đồng ký kết với các đối tác.
Một lãnh đạo DN XNK cho biết, họ vẫn phải sử dụng công cụ phòng tránh rủi ro. Bởi, thời gian thanh toán của đối tác có khi lên đến vài tháng. Nếu giá ngoại tệ giảm vào ngày đối tác thanh toán, chắc chắn tác động đến lợi nhuận của DN. Do đó, nếu DN ký hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn với NH có thể giảm thiểu rủi ro khi thanh toán. Đây là công cụ phái sinh khá phổ biến đang được các NH cung cấp cho DN.
Hiện nay, các NHTM đang cung cấp một số sản phẩm phái sinh, tùy theo nhu cầu DN có thể lựa chọn cho mình công cụ bảo hiểm rủi ro tỷ giá: giao dịch kỳ hạn (Forward), giao dịch quyền chọn (Option) hay hợp đồng tương lai (Future). Ví dụ, với dịch vụ “Option”, DN có thể mua quyền chọn bán ngoại tệ với tỷ giá xác định, trong khoảng thời gian nhất định để bảo vệ nguồn vốn và các khoản phải thu của mình. Hoặc, DN mua quyền chọn mua ngoại tệ với tỷ giá xác định, trong khoảng thời gian nhất định để phòng ngừa rủi ro từ những biến động mạnh về tỷ giá đối với các khoản phải trả trong tương lai.
Nhưng cũng đã có một số DN chọn cách thức hạn chế rủi ro tỷ giá khác, đó là đa dạng hóa đồng tiền thanh toán. Nếu như trước đây, đa số DN chỉ chọn USD là đồng tiền thanh toán ghi trong hợp đồng, thì nay đã có nhiều DN sử dụng các ngoại tệ khác như EUR, GBP, JPY, AUD, CNY… ngay từ khi đàm phán với đối tác. Tùy vào thị trường, từng thời điểm, công ty có biện pháp điều hành và quản trị biến động tỷ giá cho DN mình nhằm tránh rủi ro, nâng cao lợi thế cạnh tranh và tăng lợi nhuận. Thậm chí, để hạn chế những rủi ro nhất định, một số DN còn tổ chức riêng một phòng ban chuyên phân tích biến động giá trên thị trường tài chính.
Tôi không lo, vì tôi là DN lớn!?
Theo đánh giá của một lãnh đạo NH nước ngoài tại Việt Nam, tỷ lệ DN đang sử dụng công cụ phái sinh phòng tránh rủi ro tỷ giá vẫn chiếm con số khá khiêm tốn. Ông cho biết: “Trước đây, khi NHNN chưa có thông điệp định hướng điều hành tỷ giá thì các DN cũng không sử dụng công cụ phái sinh phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Nên tôi cho rằng, chính bản thân các DN ở Việt Nam cũng chưa quan tâm và coi phòng ngừa rủi ro tỷ giá là nghiệp vụ bắt buộc trong quản trị DN”.
Trả lời cho câu hỏi vì sao các DN chưa thấy sự cần thiết phải sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá?, Phó tổng giám đốc Maritime Bank – ông Trần Xuân Quảng cho rằng, vẫn còn không ít DN thích phỏng đoán mức độ biến động tỷ giá trong ngắn hạn. Họ tính toán với mức điều chỉnh tỷ giá tối đa mà NHNN đã công bố, so sánh với độ chênh lệch giữa lãi suất huy động USD và VND để đưa ra quyết định có hay không sử dụng phòng ngừa rủi ro tỷ giá. “Thực ra, các DN không muốn mất thêm chi phí vì họ cho rằng, biến động tỷ giá trong tầm kiểm soát của mình”, ông Quảng cho biết thêm.
Việc các DN, nhất là DNNN, chưa coi nghiệp vụ phòng tránh rủi ro tỷ giá quan trọng một phần là do cơ chế chính sách. Theo lý giải của lãnh đạo một NHTM: Bản thân các DN này cũng không chịu áp lực phải thực hiện phòng tránh rủi ro tỷ giá. Hiện nay, các DN nếu bị lỗ do không phòng tránh rủi ro tỷ giá thì không ai quy kết trách nhiệm của người đứng đầu quản trị DN. Ví dụ: Một DN có khoản phải trả bằng đồng ngoại tệ khác. Nhưng do chưa có quy định phải định giá lại giá trị hợp đồng đó nên nhiều khi DN không thấy có nhu cầu phải làm ngay mà khi nào đến hạn thanh toán họ mới làm.
“Việc chưa có quy định hướng dẫn nào về phòng chống rủi ro tỷ giá nên quy trách nhiệm cho ai là quyết định rất khó đối với chủ sở hữu DNNN khi vấp phải vấn đề này. Và như thế sẽ làm giảm áp lực buộc người điều hành DN phải sử dụng công cụ bảo hiểm tỷ giá” – lãnh đạo NHTM trên nói.
Còn theo quan điểm của ông Quảng, các DN có thể chỉ cần cân đối, tùy sức chịu đựng cũng như quy mô hoạt động của mình để đưa ra quyết định mua công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, có thể là 30% hoặc 50% chứ không nhất thiết phải mua toàn bộ 100% công cụ phòng tránh rủi ro nhằm đảm bảo bài toán kinh tế hiệu quả cho DN.
Việt Nam không phải trường hợp ngoại lệ khi DN chưa mặn mà sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, nhưng các chuyên gia đều đồng quan điểm là không nên để tình trạng này kéo dài mãi. Đến lúc nào đó, nhất là kinh tế thế giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, NHNN có thể nới biên độ hoặc điều chỉnh tỷ giá tương đối thường xuyên hơn, chắc chắn DN phải tăng cường sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá để tránh thiệt hại.
Dù sao thì thà bỏ ra khoản chi phí nhỏ để an tâm còn hơn hứng chịu rủi ro mà có thể gây những thiệt hại lớn cho DN.
Ông Nguyễn Văn Tân - Tổng Giám đốc CTCP Cao su Phước Hòa Chúng tôi luôn sử dụng những công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Công ty dễ dàng chọn lựa được đồng tiền ký kết hợp đồng từng thời điểm sao cho có lợi nhất, dự báo xu hướng giá hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm giúp DN chọn đúng thời điểm chốt giá hợp đồng mang tính lợi nhuận cao nhất. Hơn nữa, trong bối cảnh cung ngoại tệ thường nhỏ hơn cầu về ngoại tệ, nên thời gian qua công ty luôn ký hợp đồng kỳ hạn hoặc hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi với ngân hàng. Ví dụ, với những hợp đồng kỳ hạn, nếu thị trường ngoại hối ổn định thì DN sẽ bán quyền chọn sẽ có lợi hơn. Ngược lại, nếu thị trường ngoại hối có biến động thì sử dụng giao dịch giao ngay và giao dịch kỳ hạn sẽ có lợi hơn sử dụng quyền chọn. |
Nhóm PV