Đà Nẵng: Xây dựng cơ chế riêng cho công nghiệp bán dẫn
Triển vọng công nghiệp bán dẫn bên bờ sông Hàn Sẽ hình thành Silicon Beach tại Đà Nẵng Hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án công nghệ cao, bán dẫn và AI |
Công nghiệp bán dẫn và vi mạch đang đóng vai trò trọng yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực cuộc sống và kinh tế… Ở khu vực miền Trung, TP. Đà Nẵng với nguồn lực đảm bảo, tiềm năng phát triển vững mạnh và một môi trường kinh doanh thân thiện, đã và đang trở thành địa điểm lý tưởng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và vi mạch.
Đến nay, thành phố đã triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều bước đi quan trọng như, tổ chức các chuyến công tác đến Hoa Kỳ, Đài Loan (Trung Quốc); làm việc với các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ về thiết kế vi mạch, bán dẫn như: Synopsys, Nvidia, Marvell, Qualcomm, Intel…; thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo (DSAC), trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông.
Đặc biệt, hiện nay các cơ quan chức năng ở địa phương đang tập trung xây dựng và hoàn thiện dự thảo Đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn TP. Đà Nẵng”. Theo ông Lê Hoàng Phúc, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC), đề án gồm 3 phần: phần tổng quan bối cảnh xây dựng đề án, phần nội dung về mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp và phần tổ chức thực hiện.
Trong phần tổng quan, dự thảo phân tích bối cảnh quốc tế và xu hướng phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn trên thế giới. Trong đó, tập trung khái quát thực trạng của ngành, bối cảnh thiếu nguồn cung chip bán dẫn và xu hướng phát triển ngành của các quốc gia...
Trong phần nội dung đề án, dự thảo đề xuất mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể đến năm 2030; đồng thời khuyến nghị 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp để đạt được các mục tiêu đề ra, gồm: các giải pháp về cơ chế, chính sách đặc thù; phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn; phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn; phát triển và tiến tới làm chủ công nghệ vi mạch, bán dẫn; sở hữu trí tuệ; thu hút đầu tư; truyền thông; hỗ trợ triển khai.
Phần tổ chức thực hiện sẽ được xây dựng sau khi tiếp nhận các góp ý, đề xuất, cũng như xem xét các yếu tố liên quan…
Dự kiến, đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn TP. Đà Nẵng” sẽ được UBND thành phố ban hành vào giữa năm 2024. Đây là cơ sở quan trọng để thành phố triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, xây dựng các chính sách hỗ trợ, thu hút đặc thù, thúc đẩy phát triển ngành vi mạch bán dẫn Đà Nẵng, góp phần đưa thành phố tham gia vào chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn và công nghệ tương lai toàn cầu...
TP. Đà Nẵng với nguồn lực đảm bảo, tiềm năng phát triển vững mạnh và một môi trường kinh doanh thân thiện, đã và đang trở thành địa điểm lý tưởng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. |
Mới đây, tại tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia về đề án “Phát triển chip bán dẫn và vi mạch trên địa bàn TP. Đà Nẵng”, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho rằng: có 3 yếu tố quan trọng phát triển chip bán dẫn và vi mạch đó là: Hạ tầng, thể chế chính sách và con người.
Tuy có những thuận lợi, song Đà Nẵng vẫn cần cụ thể hóa, xác định rõ những mục tiêu ngắn hạn, dài hạn. Để phát triển ngành vi mạch bán dẫn không phải là nhiệm vụ, công việc của riêng một sở ngành mà cần sự tham gia của nhiều cơ quan, ban ngành nên cần có sự giám sát, đôn đốc trực tiếp của lãnh đạo thành phố nhằm đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đã đặt ra.
Trên thực tế, ngành vi mạch, bán dẫn bao gồm nhiều công đoạn như thiết kế, lắp ráp, kiểm thử và đóng gói… Mỗi công đoạn có yêu cầu, đặc điểm riêng. Khâu thiết kế chú trọng nhất vào nguồn lực con người, vậy nên đi kèm với mục tiêu về phát triển năng lực thiết kế chip bán dẫn trên địa bàn thì tập trung những cơ chế chính sách dành cho con người.
Nếu chỉ tập trung vào nhân lực ở Đà Nẵng thì sẽ không đủ, nên cần thu hút từ các tỉnh, thành phố khác hoặc Việt kiều. |
Đặc biệt, theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, để thu hút nhà đầu tư trong ngành vi mạch bán dẫn, bên cạnh việc đề xuất các chính sách với Trung ương thì chính TP. Đà Nẵng phải chủ động có những chính sách, cơ chế riêng về thuế thu nhập cá nhân, ưu đãi thuê đất, pháp lý về đất đai, visa bảo lãnh chuyên gia… Trong đó, thành phố cần đặc biệt chú trọng đến việc rút gọn thủ tục hành chính, tránh để doanh nghiệp phải đi đến quá nhiều nơi mới hoàn thiện được thủ tục đầu tư…
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Bảo Anh, nguyên Giám đốc cấp cao Synopsys Việt Nam, đối với một công ty công nghệ khi quyết định đầu tư vào đâu thì họ cũng sẽ quan tâm những vấn đề chính sau: nguồn nhân lực; hỗ trợ pháp lý và thuế; hỗ trợ về văn phòng, cơ sở hạ tầng.
Bởi vậy, nếu chỉ tập trung vào nhân lực ở Đà Nẵng thì sẽ không đủ, nên cần thu hút từ các tỉnh, thành phố khác hoặc Việt kiều. Ngoài nỗ lực của doanh nghiệp thì thành phố cần xây dựng hạ tầng, có chính sách hỗ trợ. Trong khi đó, về hạ tầng, thành phố cần có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành vi mạch, bán dẫn. Về vấn đề hỗ trợ pháp lý và thuế, nên có ưu đãi thuế và có cổng thông tin hỗ trợ, trung tâm hỗ trợ liên kết các đầu mối công việc của doanh nghiệp tại địa phương.