Gian nan kiểm đếm tiền lẻ
Chúng tôi đến Đền Mẫu (TP. Hưng Yên) dịp cuối tuần, chứng kiến hàng chục nhân viên NH đang ngồi kiểm đếm tiền lẻ ngay tại chùa. Tiền lẻ được đổ ra phủ đầy gian chủ yếu là các loại tiền mệnh giá nhỏ, trong đó rất nhiều tiền còn bị gấp lại với hình dạng khác nhau. Các nhân viên tất bật sắp xếp các loại tiền cùng mệnh giá thành từng bó, từng bó xếp chồng lên nhau thành hàng khá lớn.
Ông Nguyễn Trọng Ngà, Phó Ban quản lý Di tích đền Mẫu cho biết, trước đây, tiền công đức tại Đền mỗi năm chỉ vài trăm triệu đồng, mấy năm gần đây số lượng người đến lễ khá lớn và số tiền công đức mỗi năm cũng trên 1 tỷ đồng.
Nhân viên NH kiểm đếm tiền công đức tại Đền Mẫu |
Thông thường thì cứ đôi ba tháng, nhà Đền lại mở hòm công đức một lần và mời NH trên địa bàn vào kiểm đếm và gửi luôn tại NH. Chúng tôi phối hợp với các NH trong việc kiểm đếm tiền đã 5 - 6 năm nay và hiện nhà Đền đang luân phiên mời các NH như Agribank, VietinBank, BIDV… Mỗi khi NH được mời đến tiến hành kiểm đếm tiền công đức, thường có khoảng 10 người ngồi soạn và phân loại kiểm đếm tiền, nhà Đền chỉ cử 2 bảo vệ túc trực ở đó để giám sát.
Theo ông Ngà, người của nhà Đền không chuyên nghiệp trong việc đếm tiền nên sẽ rất vất vả về thời gian và công sức. Còn các nhân viên NH làm việc chuyên nghiệp, lại có cả máy đếm tiền nên thời gian được rút ngắn rất nhiều. Đáng lẽ NH làm chỉ mất 2 ngày, mình tự làm mất cả tuần mới xong vì toàn tiền lẻ. Vì thế nhà Đền giao hết nhiệm vụ đếm tiền cho NH, cuối ngày được bao nhiêu thì lập biên bản và chuyển tiền gửi NH. Tiền này dùng để xây dựng, tu bổ di tích theo phê duyệt của các cấp.
Anh Phạm Hải Tuấn, nhân viên Phòng giao dịch BIDV Phố Hiến (Hưng Yên) cho biết: Việc kiểm đếm tiền lẻ tại đây diễn ra từ sáng với rất nhiều nhân lực làm việc liên tục mà đến giờ - đã gần tối, nhưng lượng tiền lẻ vẫn còn khá nhiều. “Chắc phải mất vài ba ngày mới kiểm đếm xong toàn bộ số tiền lẻ” – anh nói giọng đầy vẻ mệt mỏi và với cái lắc đầu ngán ngẩm.
Theo anh Tuấn, kiểm đếm tiền lẻ đối với nhân viên NH là việc làm thường xuyên. Tuy nhiên, đếm tiền tại các chùa, di tích thì khá là vất vả bởi số lượng tiền lẻ rất lớn. Mỗi dịp NH vào kiểm đếm với số lượng lên đến vài trăm triệu đồng. Ngồi làm việc từ sáng đến tối ai cũng cảm thấy rã rời, vừa mỏi mắt, vừa đau lưng.
Cũng ngồi phân loại các loại tiền từ sáng, chị Hằng than thở: mỗi lần nhà chùa mời NH đến kiểm đếm tiền lẻ là Chi nhánh BIDV lại phải huy động khá nhiều nhân viên đến để phân loại, sắp xếp các loại tiền. Tiền từ hòm công đức đổ ra với đủ loại mệnh giá, trong đó chủ yếu là mệnh giá nhỏ như 500 đồng, 1 nghìn, 2 nghìn và 5 nghìn đồng. Tiền mệnh giá lớn như từ 50 nghìn đồng trở lên chiếm tỷ lệ ít. Với số lượng vài trăm triệu toàn tiền mệnh giá nhỏ có thể hình dung được khối lượng nhân viên phải ngồi kiểm đếm rất mất thời gian.
Đầu tiên, các cán bộ NH phải phân loại tiền cùng mệnh giá thành từng bó rồi dùng máy đếm tiền để đếm. Tuy nhiên, để máy đếm tiền chính xác thì các tờ tiền phải phẳng phiu. Trong khi đó tiền người dân bỏ vào hòm công đức thường bị gấp lại nên nhân viên vừa phải phân loại, vừa phải dùng tay vuốt ra cho phẳng. Bên cạnh đó, cũng không ít tờ tiền bị rách, chúng tôi phải để riêng ra, khi nào tìm thấy mảnh còn lại sẽ dán lại, đây thực sự là công việc không phải dễ dàng, chị Hằng tâm sự.
Có thể nói, dịp đầu năm số người đi lễ chùa nhiều nên tiền công đức cũng khá lớn. Trong đó, tình trạng sử dụng tiền lẻ đi lễ chùa vẫn còn phổ biến với lượng tiền lẻ chiếm trên 70% tiền công đức. Các NH đã phải huy động nhiều nhân viên đến thực hiện kiểm đếm tại chỗ và về hạch toán tiền gửi cho đền, chùa. Theo nhiều nhân viên NH, mùa lễ hội cũng là thời điểm họ phải tất bật sớm tối với công việc kiểm đếm tiền lẻ tại các đền, chùa.
“Không những huy động nhiều nhân viên, NH còn phải huy động thêm máy đếm tiền hỗ trợ để công việc được thực hiện nhanh hơn”, bà Dương Bích Minh Thanh, Phó giám đốc Agribank Hưng Yên chia sẻ. Bà Thanh cho biết, NH đã làm việc với các đền, chùa trên địa bàn và thường cử người, xe chuyên dùng đến tận nơi để kiểm đếm và thu tiền. Từ trước đến nay, việc thu hồi tiền lẻ sau các kỳ lễ hội rất mất thời gian và công sức, nhiều khi có những loại tiền quá nhỏ thì NH và nhà chùa phải thống nhất dùng cách đếm xác suất rồi… cân.