Hỗ trợ tăng trưởng: Ngân hàng nặng gánh
Tăng trưởng tín dụng: Áp lực đè nặng | |
Khai mở động lực cho tăng trưởng | |
Chất và lượng tín dụng phải luôn song hành |
Nếu tín dụng tăng quá cao…
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay ở mức 6,7%, Chính phủ vừa đưa ra hàng loạt nhiệm vụ, trong đó với ngành NH phải đảm bảo tăng trưởng tín dụng “phục vụ” cho mục tiêu này.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, Chính phủ nhận định, quý I GDP tăng trưởng 5,15% và quý II đạt tăng trưởng 6,17 %. Như vậy 6 tháng đầu năm mới đạt 5,73% do đó 6 tháng còn lại GDP phải có tốc độ tăng trên 7% để có mục tiêu chung của cả năm 2017 là tăng trưởng 6,7%. Muốn vậy tất cả các bộ, ngành, lĩnh vực đều phải có giải pháp tích cực.
Với ngành NH, tín dụng đang tăng trưởng cao nhất cùng kỳ của 6 năm gần đây với mức tăng 8,92% so với tháng 12/2016 (cùng kỳ của năm 2016 tăng 8,02%). Lãi suất cho vay của các NH cũng liên tục được điều chỉnh giảm giúp người dân, DN phát triển sản xuất, kinh doanh hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đẩy thêm vốn vào nền kinh tế giúp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh tăng trưởng |
Trên cơ sở các chỉ tiêu, mục tiêu về kinh tế - xã hội của năm 2017 được Quốc hội thông qua, NHNN đã xây dựng mục tiêu định hướng năm nay tăng trưởng tín dụng khoảng 18 - 20%. Mức tăng này được các chuyên gia cho rằng khá hợp lý để đảm bảo nhiệm vụ hàng đầu của NHNN là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - NH, nếu đúng theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng mà NHNN đặt ra từ đầu năm thì từ nay đến cuối năm, theo ước tính mỗi tháng có khoảng 130 nghìn tỷ đồng đưa ra nền kinh tế, đây là một con số khá lớn rồi. Do vậy, nếu chúng ta đẩy tín dụng cao hơn nữa, lên mức 21% - 22% chẳng hạn thì lượng tín dụng đổ vào nền kinh tế lại càng lớn hơn.
Xét ở góc độ nào đó thì việc đẩy mạnh hơn nữa tăng trưởng tín dụng sẽ kèm theo cả tác động tích cực và những thách thức đi kèm. Đẩy thêm một lượng vốn nữa vào nền kinh tế sẽ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh tăng trưởng và những lĩnh vực sản xuất ưu tiên cũng được hưởng lợi từ dòng tín dụng này. Nhưng thách thức không nhỏ với điều hành chính sách tiền tệ khi dòng tín dụng đẩy ra nền kinh tế lớn hơn sẽ tạo cơ hội cho lạm phát tăng trở lại, nhất là kỳ vọng lạm phát cao sẽ hình thành càng khó khăn trong kiểm soát của NHNN.
Bên cạnh đó, tín dụng tăng mạnh hơn thường kéo theo sự khó kiểm soát và lo ngại một số thị trường sẽ lâm vào tình trạng bong bóng, đặc biệt là thị trường bất động sản, chứng khoán. Do vậy, đối với cho vay sản xuất kinh doanh, thông thường các DN phải có phương án hoạt động, tình hình sức khỏe tốt, phải có tài sản thế chấp thì mới vay NH được.
“Không cẩn thận tín dụng tăng cao quá chúng ta sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nếu vốn tín dụng không đến đúng địa chỉ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu lưu ý.
Hài hòa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nếu tín dụng năm nay tăng trên 20% thì đây là mức tăng cao nhất trong khoảng 5-6 năm qua. Và việc đẩy tín dụng cao quá còn có hệ lụy dẫn tới việc dễ dàng đưa các NH vào tình trạng chấp nhận rủi ro cao để cho vay. Điều hành chính sách tín dụng nếu không thận trọng sẽ không chỉ tác động tới vĩ mô, kiểm soát lạm phát năm nay mà còn các năm tới, nhất là với thị trường nhiều bong bóng như bất động sản.
Lãnh đạo một NHTM cho biết, cho vay thì dễ bởi nhu cầu vay vốn của DN và người dân là rất lớn nhưng cho vay đảm bảo chất lượng tín dụng mới là quan trọng. Ví dụ, như với chương trình cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang triển khai, NH luôn sẵn sàng vốn nhưng quan trọng là dự án phải hiệu quả mới có thể cho vay.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - NH trong một tính toán, nghiên cứu tại 52 nước thu nhập trung bình thấp, trong đó có Việt Nam cho thấy, tín dụng tăng trưởng được 10% thì GDP cũng chỉ tăng thêm khoảng 0,5%. Điều này cho thấy, không phải cứ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng thì tăng trưởng kinh tế cũng tăng theo với một tỷ lệ lớn. Chưa kể ở Việt Nam, hiện tín dụng NH chiếm khoảng 58% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Nếu như muốn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hiệu quả, 42% từ các nguồn vốn còn lại cũng phải phát huy hiệu quả mới đạt được mục tiêu đề ra.
Đặc biệt là gần đây, nhiều ý kiến cho rằng phải đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư công. TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đưa vốn vào nền kinh tế cần phải cả từ hệ thống các TCTD và nguồn vốn đầu tư của Chính phủ mới có thể giúp nền kinh tế phát triển. Và có vẻ như trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang gặp khó khăn trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư do vốn đối ứng chưa có, năng lực của nhà đầu tư thấp… chưa tạo sự tin cậy khiến việc giải ngân vốn chậm như nhiều người ví von “có tiền nhưng không tiêu được”.
Tuy nhiên, lãnh đạo một vụ chức năng của NHNN cho biết, quan điểm chỉ đạo điều hành chính sách tiền tệ nói chung và tín dụng nói riêng của NHNN vẫn sẽ bám sát chỉ đạo của Chính phủ để có các động thái điều hành linh hoạt hài hòa mục tiêu mà Chính phủ yêu cầu nhằm đạt mục tiêu GDP 6,7%, nhưng vẫn phải đặt nhiệm vụ hàng đầu là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. “Sự linh hoạt ở đây là sẽ tùy theo diễn biến kinh tế vĩ mô để đưa vốn ra nền kinh tế hợp lý, có nghĩa rằng, diễn biến lạm phát thời gian tới phải thấp thì tín dụng mới có thể tăng hơn so với mục tiêu”, vị lãnh đạo trên nhấn mạnh.