Kết nối ngân hàng-doanh nghiệp: Tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc về tín dụng
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng |
Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đang tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, giúp các doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng |
Trên 1.500 buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp
Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp được xem như sáng kiến của ngành Ngân hàng cùng phối hợp với chính quyền địa phương trong bối cảnh các doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng từ cuối năm 2013 đầu năm 2014 và đến nay chương trình đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ.
Theo ông Trần Văn Tần - Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), nhờ sự quan tâm, phối hợp của cấp ủy chính quyền địa phương các cấp, từ năm 2014 đến nay trên toàn quốc, ngành Ngân hàng đã tổ chức trên 1.500 buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, qua đó tháo gỡ khó khăn cho gần 195.000 doanh nghiệp, với tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay mới đạt gần 2.500.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 9-11%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn. Các nhà quản lý cũng như giới doanh nghiệp đều khẳng định, với chương trình kết nối này các doanh nghiệp và ngân hàng hiểu nhau hơn, chia sẻ khó khăn để cùng phát triển.
Đơn cử như tại Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Tuấn Minh - hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh và xuất khẩu hàng nông sản, có doanh thu 20 triệu USD mỗi năm và tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở khu vực Hà Nội. Theo lãnh đạo của doanh nghiệp này, có được những kết quả kinh doanh như vậy không thể không nhắc tới sự hỗ trợ đắc lực của các ngân hàng trong việc kết nối, cấp vốn vay để doanh nghiệp có cơ hội vượt khó, vươn lên phát triển.
"Có thể nói, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động thu gom, sản xuất và kinh doanh xuất khẩu của công ty chúng tôi. Đó là một trong những yếu tố đảm bảo cho việc thực hiện thành công các chiến lược kinh doanh cũng như quyết định sự phát triển của doanh nghiệp trong suốt 10 năm qua", Lãnh đạo công ty Tuấn Minh chia sẻ.
Trong các cuộc tiếp xúc, kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng có sự tham gia hỗ trợ tích cực của hiệp hội doanh nghiệp từ trung ương tới địa phương. Ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho biết: với vai trò là tổ chức đại diện cấp quốc gia của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội đã tích cực giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay của ngân hàng để mở rộng kinh doanh, sản xuất.
Đơn cử như việc ký kết thỏa thuận hợp tác với BIDV, nhằm giải quyết vấn đề về vốn cho doanh nghiệp, thông qua triển khai các chương trình cấp tín dụng, dịch vụ đối với DNNVV, trong đó hàng năm BIDV sẽ dành nguồn vốn tín dụng 10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho các DNNVV là hội viên của Hiệp hội và do Hiệp hội giới thiệu, đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định pháp luật và quy định nội bộ của BIDV trong từng thời kỳ; Ký kết Thỏa thuận hợp tác khung với LienVietPostBank, mục đích phối hợp triển khai các giải pháp hỗ trợ tài chính toàn diện cho đối tượng là hội viên của VINASME: Hợp tác chiến lược Chương trình hỗ trợ toàn diện cho DNNVV với Công ty Cổ phần tái cấu trúc doanh nghiệp Việt Nam (Verco) và sẽ tổ chức Diễn đàn vốn cho DNNVV.
Tập trung cải cách thủ tục cho vay vốn của doanh nghiệp
Thừa nhận khả năng tài chính của các doanh nghiệp hiện còn hạn chế, ông Nguyễn Văn Thân cho rằng, một bài toán khó hiện nay là do DNNVV không có tài sản bảo đảm hợp pháp hoặc không đủ uy tín để vay tín chấp (do thông tin chưa minh bạch, một số DNNVV thường xử lý số liệu trước khi gửi hồ sơ vay đến ngân hàng. Chính điều này đã gây khó khăn cho các ngân hàng trong việc sử dụng các chỉ tiêu tài chính để chấm điểm và xếp hạng tín dụng) hoặc không có khả năng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, hay không có dự án khả thi để các NHTM xem xét cho vay.
Vì vậy, để vay được vốn của các NHTM, Hiệp hội DNNVV có thể tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp về mặt thủ tục, bao gồm cả về tài sản thế chấp để doanh nghiệp có đủ điều kiện.
"Vấn đề ở đây là làm sao ngân hàng và doanh nghiệp gặp nhau về để tháo gỡ khó khăn trong vấn đề này, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, các NHTM cũng cần có chính sách cụ thể hơn để nguồn vốn đến gần hơn với các DNNVV cần chọn lọc những DN có tiềm năng để thiết kế lại điều kiện cho vay, chấp nhận một phần rủi ro với doanh nghiệp", ông Thân mong các ngân hàng chia sẻ.
Theo định hướng chỉ đạo của NHNN, thời gian tới, cơ quan này tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố trong việc triển khai các chương trình cho vay; tích cực triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng với chính quyền địa phương trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trọng quan hệ tín dụng với ngân hàng.
Tại Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại Hà Nội mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, hiện các ngân hàng cũng phải cạnh tranh nên việc lựa chọn và tìm đến với nhau và quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp là bình đẳng, thị trường chứ không phải quan hệ theo kế hoạch như trước đây.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, với các lĩnh vực ưu tiên ngành Ngân hàng hoàn toàn có đủ vốn cho DN vay. Các điều kiện cho vay cũng luôn được điều chỉnh; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, trong đó chú trọng cải cách thủ tục cho vay vốn của doanh nghiệp, giảm bớt hồ sơ, thủ tục cho vay để giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn.