Luật Doanh nghiệp 2014: Tiến bộ hay thụt lùi vẫn chờ hướng dẫn
“Công tác tuyên truyền trong thời gian qua đã hồ hởi quá đà khi làm cho người dân và cả cộng đồng DN hiểu nhầm rằng Luật DN 2014 được thiết kế cởi mở đến mức đáng lo ngại”, Phó cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Anh Tuấn than thở.
Ông dẫn chứng: Nhiều người hiểu nhầm rằng, muốn thành lập DN chỉ cần đăng ký kinh doanh, không cần khai báo ngành nghề và khi chuyển đổi cũng tự do mà không cần khai báo.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, thực tế là Điều 25, Luật DN 2014 quy định trong điều lệ DN phải có nội dung về ngành nghề kinh doanh. Do đó, Luật chỉ quy định DN không phải ghi ngành nghề trên giấy chứng nhận, song vẫn phải đăng ký rõ ràng và khi chuyển đổi cũng phải thông báo tới cơ quan quản lý. “Nếu hiểu rằng ông đang bán phở mà ngay lập tức có thể chuyển sang buôn vàng thì hoàn toàn không phải”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Tinh thần đổi mới của Luật DN 2014 cần được thể hiện trong các văn bản hướng dẫn sẽ ban hành |
Giải thích của ông Tuấn nhằm phản hồi nhiều ý kiến lo ngại Luật DN 2014 đã có những quy định cải cách quá mức, trong khi trình độ nhận thức và hệ thống pháp luật điều chỉnh môi trường kinh doanh hiện nay vẫn chưa hoàn thiện. Song, theo ý kiến cơ quan đăng ký kinh doanh tại các địa phương và cộng đồng DN, luật sư thì những cải cách này không hoàn toàn ưu việt như kỳ vọng.
Hơn nữa, Luật ban hành vừa qua mới chỉ là bước khởi đầu, quy định cụ thể trong các Nghị định, Thông tư được ban hành theo Luật thời gian tới mới thực sự quyết định sự tiến bộ hay thụt lùi của Luật DN 2014.
Đại diện Phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh Hải Dương nêu một vấn đề gây phiền hà cho cả DN và cơ quan đăng ký kinh doanh, đó là áp mã ngành cho hơn 4.000 ngành nghề kinh doanh hiện nay. Vị này cho biết, việc áp mã ngành gây khó khăn rất lớn cho DN. Có trường hợp, cùng một ngành nghề áp 2 mã khác nhau, ngay cả cán bộ phòng đăng ký kinh doanh cũng bị nhẫm lẫn. Do đó, DN tự kê khai mà khi áp mã cũng không tránh khỏi sai sót.
“Mã ngành không thống nhất từ cấp trên khiến địa phương chúng tôi nhiều lúc cũng bị trách móc, vì các ngành luôn cho rằng chúng tôi không nắm được DN kinh doanh cái gì”, vị này bức xúc nói.
Vì vậy, góp ý cho Nghị định hướng dẫn thi hành Luật DN 2014, đại diện của nhiều phòng đăng ký kinh doanh các địa phương đề xuất, chỉ nên áp mã ngành đăng ký kinh doanh cho 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, còn lại các ngành nghề khác thì tùy DN khai báo theo đúng lĩnh vực hoạt động của mình. Đồng thời, việc áp mã này nên được chuyển giao về cho phòng đăng ký kinh doanh thực hiện, thay vì để DN tự làm như hiện nay.
Còn theo đại diện của Phòng Đăng ký kinh doanh tỉnh Nghệ An, quy định về việc “cởi trói” con dấu cho tới nay vẫn còn nhiều tranh cãi khác nhau. Vị này dẫn câu chuyện thực tế là khi tổ chức hội thảo phổ biến các quy định mới của Luật DN 2014 tại tỉnh, hơn 1500 DN khi nghe nói đến bỏ con dấu thì bày tỏ sự phấn khởi… Nhưng thời gian nghỉ giải lao giữa hội nghị lại thay nhau gặp riêng cán bộ để thổ lộ: “Con dấu quy định một mẫu còn nhầm, giờ cho tự do thế thì nó lừa em chết”.
Thông cảm với câu chuyện “cười ra nước mắt” trên, LS.Trương Thanh Đức cho rằng, nếu đã tự do hoá con dấu thì kèm theo đó cần thay đổi giá trị pháp lý của con dấu. Ông Đức đặt vấn đề: Khi đăng ký kinh doanh có chấp nhận là không cần phải đóng dấu không? Có thể bỏ dấu mà các văn bản vẫn hợp pháp không? Đồng thời, ông bày tỏ quan điểm: “Tôi nghĩ là cần làm và làm được”. Còn ngược lại, nếu quy định đăng ký kinh doanh vẫn phải đóng dấu thì tất cả cơ quan đoàn thể, các ngành các cấp, chính quyền vẫn tiếp tục coi trọng sự hiện diện của con dấu, như vậy sẽ không cải thiện gì so với hiện nay.
Bà Nguyễn Hồng Vân, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ đăng ký kinh doanh (Cục Quản lý đăng ký DN) cho biết, còn rất nhiều điều khoản chi tiết khác liên quan tới các nhóm vấn đề chính như đăng ký thành lập DN, nội dung đăng ký thay đổi, tổ chức lại, giải thể thu hồi DN, hộ kinh doanh, các quy định chuyển tiếp chưa cụ thể… Điều này đòi hỏi các Nghị định và Thông tư ban hành đồng bộ, kịp thời để hướng dẫn DN.
Theo LS. Đức, nếu muốn đổi mới phải sửa thêm các luật khác, hoặc ít nhất phải chấp nhận có Nghị định điều chỉnh Luật để chờ hoàn thiện hệ thống luật hiện nay. Bởi, theo thống kê của ông, khoảng 90% các văn bản hiện hành của các bộ, ngành khác nhau sẽ vô hiệu hoá các quy định tiến bộ của Luật, vì những điều khoản vênh nhau.
Những đóng góp này cho thấy, công việc của ban soạn thảo sẽ còn rất bề bộn, để Luật DN với kỳ vọng là một bộ luật tiến bộ, tạo mọi thuận lợi cho DN tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông Bùi Anh Tuấn cho biết, trước mắt ban soạn thảo sẽ ban hành 2 Nghị định hướng dẫn, hạn cuối là ngày 1/7/2015, song song với đó là hệ thống đăng ký DN sẽ phải xây dựng ngay. “Nếu không kịp thời thì hồ sơ đăng ký của các tỉnh sẽ ùn tắc ngay”, ông Tuấn lo ngại.