Muốn phát triển, phải chuyên nghiệp
Ảnh minh họa |
Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển ở Việt Nam, mô hình tài chính vi mô (TCVM) đã có những đóng góp tích cực cho hoạt động cho vay ở nhiều vùng nông thôn trong cả nước. Khách hàng của TCVM giờ không chỉ là cá nhân mà gồm cả DN siêu nhỏ.
Theo báo cáo của Ban Công tác TCVM (NHNN), nguồn vốn cho vay của các chương trình, dự án TCVM đã đến với khoảng 32% – 54% hộ nghèo tại các địa phương, trên 90% người nghèo vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh nhỏ có thu nhập tăng lên rõ rệt, có thêm việc làm và cơ cấu sản xuất của địa phương thay đổi đáng kể.
Hiện NHNN mới chỉ cấp phép và quản lý cho 3 tổ chức TCVM là Tổ chức TCVM Tình thương (TYM), Tổ chức TCVM M7 và Tổ chức TCVM Thanh Hóa. Nhưng thực tế hiện đang có hàng trăm dự án TCVM đang được triển khai và rất nhiều quỹ được thành lập để cung cấp các sản phẩm TCVM. Sự hình thành của các tổ chức, các quỹ TCVM hầu như được bắt đầu từ một dự án của các tổ chức phi Chính phủ.
Đơn cử như Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh Quảng Bình thành lập cuối năm 2012 với 27,4 tỷ đồng từ các Dự án Phi chính phủ nước ngoài đã bàn giao cho UBND tỉnh bao gồm: Dự án NAPA của Tổ chức SNV, Dự án Hợp tác Hoa Kỳ (CPI), Dự án Khởi đầu mới của Quỹ Unilever và Hợp phần Tín dụng nông thôn của Dự án PCGN (IFAD 2).
Thực tế nhu cầu vay vốn ở các vùng nông thôn là rất lớn, do đó việc mở rộng phát triển các lĩnh vực này là cần thiết. Tuy nhiên, sự phát triển mở rộng hoạt động phải được thực hiện trong khuôn khổ pháp lý để tránh rủi ro.
Bà Nguyễn Thị Thương Hà – Vụ Quản lý cấp phép các TCTD và hoạt động NH (Cơ quan Thanh tra giám sát NH - NHNN) cho biết, thực hiện Quyết định 2195/QĐ-TTg của Thủ tướng phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống TCVM tại Việt Nam đến năm 2020 đến nay, NHNN đã xây dựng môi trường pháp lý phù hợp với đặc thù hoạt động của tổ chức TCVM.
NHNN khuyến khích các chương trình, dự án có hoạt động TCVM chuyển đổi thành tổ chức TCVM chính thức; Nâng cao năng lực hoàn thiện cơ cấu tổ chức, quản trị, điều hành đảm bảo hoạt động hiệu quả, an toàn, bền vững…
Thời gian qua, NHNN đã phối hợp đơn vị liên quan thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, hướng dẫn bằng văn bản hoặc làm việc trực tiếp với các tổ chức TCVM, chương trình, dự án TCVM để hoàn thiện cơ cấu tổ chức, quản trị, điều hành và xây dựng cơ chế kiểm soát, kiểm toán nội bộ hiệu quả, đảm bảo an toàn bền vững.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ các Dự án hỗ trợ kỹ thuật do các Tổ chức quốc tế tài trợ, NHNN luôn dành một số hợp phần để hỗ trợ cho các tổ chức TCVM, chương trình, dự án TCVM thông qua: tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm hoặc các khóa đào tạo.
Cùng với đó là các buổi tọa đàm để định hướng các chương trình, dự án TCVM hoạt động, quản lý và có bộ máy quản trị, điều hành hướng theo các quy định như các tổ chức TCVM, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi các chương trình, dự án TCVM thành tổ chức TCVM.
Để các tổ chức TCVM hoạt động an toàn, mới đây Dự thảo Thông tư quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức TCVM. Cụ thể, về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu Dự thảo Thông tư dự kiến, tổ chức TCVM phải duy trì tỷ lệ tối thiểu 10% giữa vốn tự có so với tổng tài sản “Có” rủi ro.
Theo thông tin từ Vụ Quản lý cấp phép các TCTD và hoạt động NH, từ nay đến năm 2020, NHNN tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện môi trường pháp lý đồng bộ, cho phép đa dạng hóa loại hình tổ chức hoạt động và mở rộng sản phẩm dịch vụ TCVM...
Việc NHNN tăng cường quản lý, kiểm soát đồng thời khuyến khích hoạt động TCVM chuẩn hóa nghiệp vụ sẽ khiến các quỹ TCVM hiện nay phải hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nâng cao quản trị điều hành để chuyển đổi thành tổ chức TCVM trong thời gian tới.