Ngân hàng vẫn trông vào thu dịch vụ
Tăng trưởng không đáng kể
Các NH đang cạnh tranh phát hành thẻ thanh toán nội địa và quốc tế, phát hành tín dụng thư (L/C), thanh toán quốc tế, dịch vụ chuyển tiền nhanh cho DN, cá nhân để vực dậy lợi nhuận. Tuy nhiên, qua quan sát, ngoại trừ một số dịch vụ cho DN buộc phải trả phí như tín dụng thư, thanh toán, chuyển tiền… thì khối khách hàng cá nhân vẫn đang từ chối dịch vụ mất phí mà NH cung cấp.
Chị Phạm Hồng Tươi, một chủ hiệu trên đường Nguyễn Trãi (Q.1, TP.HCM) cho biết, cửa hàng có đặt máy POS nhưng thường thông báo với khách là máy đang hỏng, chờ sửa. Lý do chị Tươi không quẹt thẻ cho khách hàng vì sợ mất phí giảm đi một phần lợi nhuận, trong khi hàng nhập về bán có thể bị rủi ro tỷ giá. Nếu khách hàng vẫn có nhu cầu quẹt thẻ thì phải chịu khoản phí tương đương 2% - 3%, tùy loại thẻ khách sử dụng.
Đối với người tiêu dùng, trong 10 người được hỏi thì có đến 6 người cảm thấy không mặn mà vì phí và lãi suất. Kết quả là nhiều người tiêu dùng và cửa hàng bán lẻ đều chưa mặn mà với việc sử dụng dịch vụ thẻ.
Nhiều chủ tài khoản thẻ vẫn sử dụng để rút tiền mặt thay vì thanh toán trực tiếp |
Điều này cũng giải thích phần nào lý do vì sao 3 năm qua, mặc dù các NH chuyển đổi sang mô hình tăng thu dịch vụ nhưng kết quả chưa đạt như kỳ vọng của thị trường. Báo cáo tài chính của các NHTM, lãi từ dịch vụ có tăng so với trước, nhưng vẫn chưa có nhiều đóng góp lớn.
Đơn cử, Vietcombank, thu nhập lãi thuần 9 tháng năm 2015 đạt gần 11.016 tỷ đồng, trong khi lãi từ hoạt động dịch vụ đạt gần 1.394 tỷ đồng. Cùng thời điểm, lãi từ dịch vụ của BIDV khoảng 1.600 tỷ đồng, còn thu nhập lãi thuần đạt hơn 13.700 tỷ đồng. Tương tự VietinBank thu lãi từ dịch vụ chỉ hơn 1.000 tỷ trong tổng nguồn thu là 14.500 tỷ đồng.
Ở khối NHTMCP, xét về tỷ lệ có nguồn thu dịch vụ cao hơn hẳn khối NHTM lớn có vốn Nhà nước, song nếu so với khoản đầu tư và kỳ vọng thì chưa đạt. Trong đó, Sacombank có lãi từ dịch vụ 820 tỷ đồng, MB thu gần 442 tỷ đồng, Techcombank đạt 788 tỷ đồng… Nhiều NHTMCP khác có mức thu nhập lãi thuần khoảng trên dưới 2.000 tỷ đồng, lãi từ dịch vụ chỉ khoảng 100-200 tỷ đồng.
Giải pháp nào tăng thu?
Dù tăng trưởng chậm, nhưng trong bối cảnh nguồn thu từ tín dụng tiếp tục thu hẹp, các NH vẫn phải kiên trì theo định hướng tăng thu từ dịch vụ. Theo một lãnh đạo ACB, NH luôn xác định tỷ trọng lợi nhuận thu từ tín dụng chỉ ở mức 50-55%, phần còn lại thu từ dịch vụ. Trong vài năm gần đây, người dân chưa sử dụng dịch vụ NH ngoài ngại phí, còn do tập quán tiền mặt chưa thể thay đổi ngày một ngày hai.
Đồng quan điểm, một phó tổng giám đốc phụ trách mảng công nghệ của VietinBank cho biết, thu phí là đòi hỏi đối với bất cứ NH nào khi kinh doanh dịch vụ. Sẽ không có bất kỳ dịch vụ nào miễn phí bởi các NH đã bỏ ra những khoản đầu tư lớn để phát triển dịch vụ NH hiện đại. Nếu chỉ xét nguồn thu các dịch vụ riêng lẻ thì nhiều khoản đầu tư cho dịch vụ đang lỗ.
Để khắc phục điều này, các NH chọn giải pháp nâng cấp chất lượng và tiện ích thay vì chọn cách giảm phí. Riêng VietinBank sẽ đưa ra những gói sản phẩm dịch vụ, tạo tiện ích cho khách hàng khuyến khích người tiêu dùng sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Lãnh đạo Sacombank nói rằng, NH đang đồng bộ điều chỉnh hàng loạt mức phí dịch vụ dành cho khối khách hàng DN. Đồng thời, sẽ sử dụng những giải pháp mới hơn khuyến khích người tiêu dùng DN và cá nhân ưu tiên sử dụng dịch vụ. Chẳng hạn, việc thu thuế điện tử đối với DN là một giải pháp mới mà các NH áp dụng tăng tiện ích cho họ. Ngoài ra, các NH chọn hướng đầu tư mở rộng thêm công nghệ dành cho dịch vụ chuyển tiền, cấp tín dụng thư bảo lãnh...
Đối với khách hàng cá nhân, sẽ hợp tác liên kết với các DN, chi trả lương qua thẻ cho người lao động. Khi việc quản lý tài chính qua tài khoản NH, người tiêu dùng sẽ hạn chế sử dụng tiền mặt để hưởng tiện ích… Bên cạnh đó, các NHTM sẽ tăng số lượng máy POS tại các cửa hàng, giúp cửa hàng tăng thêm tiện ích để thu hút khách hàng.
“Việc cửa hàng trả phí dịch vụ này cho NH là nhằm giảm các rủi ro và chi phí như tiền giả, công kiểm đếm, chi phí quản lý tiền mặt… Đây là lợi ích mà các chủ cửa hàng phải thấy được để sử dụng dịch vụ. Khách hàng có cơ hội mua sắm thêm hàng hoá, dịch vụ khi thu nhập của họ chưa đủ hay họ chưa đến ngày lĩnh lương có thể sử dụng thẻ tín dụng mua hàng trước trả tiền sau. Sử dụng dịch vụ thẻ có lợi cho các bên chứ không phải chỉ một mình NH hưởng lợi”, vị lãnh đạo Sacombank chia sẻ.
Qua tìm hiểu, phần lớn các NH đều có chiến lược mới mẻ trong việc tăng thu dịch vụ từ năm 2016. Một số lãnh đạo NH cho biết, NH có thể miễn phí hoặc giảm mức phí quẹt thẻ phù hợp theo doanh số bán hàng để việc thanh toán không dùng tiền mặt được phổ biến rộng rãi hơn. Hiện chính sách thẻ tín dụng đang áp dụng miễn lãi trong 45 ngày khi thanh toán hoặc NH phát hành thẻ có thể kéo dài thời gian đến 55 ngày.
Rõ ràng mối quan hệ phát hành và sử dụng thẻ NH trong việc thanh toán không dùng tiền mặt cho việc mua bán hàng hoá, dịch vụ đều có lợi. Phía phát hành thẻ thu lãi suất, phí chuyển tiền, phí bảo lãnh, tính phí rút tiền mặt… Thế nhưng, để làm được điều đó, trước hết các nhà phát hành thẻ phải tăng thêm lợi ích cho người sử dụng dịch vụ.