Nghệ An: Vẫn “nóng” chuyện phá rừng
Rừng tiếp tục “chảy máu” | |
Nạn phá rừng lấy đất sản xuất |
Đất lâm nghiệp bị “cạo trọc”
Mặc dù, Chính phủ đã có chủ trương giao đóng cửa rừng, không khai thác gỗ tự nhiên đối với các địa phương trên cả nước, nhưng tình trạng phá rừng vẫn còn tồn tại. Nhiều diện tích rừng nhanh chóng bị “cạo trọc” rồi để đó khiến đất lâm nghiệp bị bỏ hoang, gây lãng phí tài nguyên quốc gia.
Nạn phá rừng trên địa bàn Nghệ An vẫn chưa hết “nóng” |
Hàng trăm ha đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng vẫn được chính quyền lách luật để đưa vào quy hoạch rừng nghèo rồi cho doanh nghiệp khai thác với cái mác “cải tạo rừng nghèo”… Thực tế này đang tồn tại trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong suốt thời gian qua, khiến dư luận bức xúc.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An thì chỉ trong vòng 3 năm (2014 - 2016), trên địa bàn đã có gần 5 nghìn ha đất nông nghiệp đã được chuyển đổi để phục vụ các dự án đầu tư, xây dựng. Riêng diện tích đất rừng phòng hộ 1.326ha, đất rừng đặc dụng 26ha được tỉnh Nghệ An lập hồ sơ quy hoạch trình các cấp, các ngành để chuyển đổi mục đích sử dụng.
Theo quy trình này thì từ năm 2014 đến hết năm 2016, Nghệ An đã tiến hành chuyển đổi thành công 243,42 ha rừng phòng hộ và 5,71 ha đất rừng đặc dụng. Các địa phương có số diện tích đất rừng chuyển đổi nhiều nhất tập trung ở huyện Nghĩa Đàn, Con Cuông, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Quế Phong…
Tuy nhiên, lợi dụng vào chủ trương quy hoạch chuyển đổi đất lâm nghiệp, trong những năm qua đã có hàng nghìn ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bị tàn phá một cách vô tội vạ.
Chưa kể, hàng trăm ha rừng tự nhiên, rừng đầu nguồn bị các dự án thuỷ điện nhấn chìm trên thượng nguồn các sông, suối ở Nghệ An. Thậm chí, lợi dụng vào việc xây dựng đường vành đai biên giới giữa Việt Nam - Lào, các đối tượng cũng đã chặt hạ nhiều m3 gỗ quý ngoài phạm vi cho phép rồi hợp thức hoá để tiêu thụ.
Liên quan đến vấn đề này, ông Võ Duy Việt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An đã thừa nhận những tồn tại, thiếu sót khi trình các cấp, ngành trong việc xin chủ trương chuyển đổi đất lâm nghiệp. Và, trách nhiệm liên đới trực tiếp từ cấp huyện, thị, thành trong việc xác định quy hoạch, kế hoạch đề xuất lên cấp tỉnh.
Xử lý nghiêm cán bộ vi phạm
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An thì chỉ tính riêng năm 2017, trên địa bàn đã phát hiện và bắt giữ 730 vụ vi phạm lâm luật, lâm sản; tịch thu 1235,83m3 gỗ tròn, xẻ các loại. Nhiều vụ phá rừng thuộc khu vực biên giới Việt Nam - Lào có tính chất, mức độ nghiêm trọng như: Na Ngoi, Nậm Càn của huyện Kỳ Sơn; Tam Hợp, Lưu Kiền của huyện Tương Dương; Nam Sơn, Bắc Sơn của huyện Quỳ Hợp… Để xảy ra tình trạng này, hàng loạt cán bộ liên quan đã bị ngành chức năng xử lý nhưng vẫn không hạn chế được tình trạng phá rừng xảy ra.
Tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 diễn ra vào tháng 6/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác kể cả các dự án được phê duyệt, trừ các dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh; không có chủ trương chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp.
Tuy nhiên, trên địa bàn Nghệ An vẫn còn tình trạng chính quyền “tiếp tay” cho nạn phá rừng dưới cái danh nghĩa là cải tạo, chuyển đổi mô hình… Chỉ tính riêng trong năm 2017, công an Nghệ An đã phát hiện 170 vụ phá rừng với gần 200 người tham gia, thu gần 500 m3 gỗ. Những địa bàn xảy ra nhiều vụ phá rừng là huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Tân Kỳ...
Qua đó, cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố hình sự 14 vụ, bắt gần 40 người về các tội vi phạm khai thác bảo vệ rừng; Hủy hoại rừng; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Gần nhất là vụ khởi tố hai cán bộ bảo vệ rừng tại huyện Tương Dương vì để xảy ra vụ chặt phá gần 190 cây pơ mu với khối lượng 300 m3.
Đặc biệt, cũng trong năm 2017, các cơ quan chức năng ở Nghệ An cũng đã tiến hành xử lý kỷ luật gần 50 cán bộ có liên quan đến các vụ phá rừng. Nổi cộm trong số đó là kỷ luật 2 phó chủ tịch xã, 2 cán bộ địa chính xã Châu Nga, Châu Hội của huyện Quỳ Châu; bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch xã Nậm Càn của huyện Kỳ Sơn; 2 bí thư xã Nam Sơn và Bắc Sơn… và 1 ủy viên ban Thường vụ huyện ủy Quỳ Hợp.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho rằng, nguyên nhân để xảy ra tình trạng phá rừng trực tiếp do kiểm lâm và biên phòng chưa làm tốt trách nhiệm của mình. Theo quy định của pháp luật thì trách nhiệm giữ rừng có 4 đơn vị gồm: ban quản lý rừng phòng hộ; kiểm lâm địa bàn; chủ tịch UBND các xã nơi có rừng và bộ đội biên phòng ở nơi có rừng.
Thế nhưng, các lực lượng này chưa làm tốt vai trò, phối hợp trách nhiệm của mình trong thời gian qua. Bởi vậy, phải kiên quyết xử lý cán bộ bao che, tiếp tay cho phá rừng là điều cần thiết mà các cơ quan chức năng ở Nghệ An cũng như nhiều địa phương khác phải triệt để thực hiện.