Thách thức nào đối với chính sách tiền tệ 2018
Trao đổi kinh nghiệm về hiện đại hóa khuôn khổ chính sách tiền tệ | |
Năm 2018, thách thức lớn nhất là tỷ giá, lãi suất | |
10 dấu ấn ngành Ngân hàng 2017 |
Vẫn phải đề phòng tỷ giá
Không phủ nhận cơ chế chính sách tiền tệ (CSTT) đã thích ứng với diễn biến phức tạp của thị trường tài chính tốt hơn như động thái FED tăng lãi suất thêm 0,25% từ 1,5% lên 1,75% cũng là mức cao nhất kể từ năm 2008 nhưng tỷ giá của Việt Nam vẫn duy trì sự ổn định, thị trường ngoại tệ thanh khoản tốt… Nhiều chuyên gia cho rằng, những thay đổi chính sách liên tục của các nền kinh tế lớn, nhất là Mỹ cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với điều hành CSTT trong năm 2018. Đó là tỷ giá và lãi suất.
Nguồn cung ngoại tệ trong nước dồi dào đang là điểm tựa khá vững hỗ trợ cho tỷ giá |
Phân tích từng biến số, với tỷ giá, một trong những nhân tố thường hay gây sức ép lên tỷ giá đó là động thái điều chỉnh tăng lãi suất của FED. Nhưng hơn 1 năm nay, “uy lực” của chính sách này dần mất thiêng đối với Việt Nam khi tỷ giá vẫn giữ ổn định. Nguyên do được một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định là do động thái này đã được dự báo từ trước. Và quan trọng hơn, điều hành tỷ giá của NHNN ngày càng linh hoạt, cùng với nguồn cung ngoại tệ trong nước dồi dào đang là điểm tựa khá vững hỗ trợ cho tỷ giá.
Trong trường hợp xảy ra cú sốc tài chính như hai đợt “đỏ lửa” của TTCK Việt Nam do tác động từ TTCK Mỹ, thì theo TS. Võ Trí Thành khó có thể nói trước được điều gì. Tất cả cú sốc đều gây khó cho tỷ giá. Như TTCK suy giảm làm dịch chuyển dòng vốn đầu tư của NĐT nước ngoài kéo theo đó là ngoại tệ đảo chiều ảnh hưởng đến tỷ giá. Khi có “chiến tranh” thương mại thường các nước dùng tỷ giá làm biện pháp đảm bảo cạnh tranh như chúng ta đã thấy. Không loại trừ khả năng FED tăng lãi suất nhiều hơn so với dự kiến trong năm 2018, đồng USD có thể tăng giá trở lại. Nếu các nước áp dụng biện pháp này chắc chắn tạo áp lực lên tỷ giá.
“Trong trường hợp trên xảy ra, nếu chúng ta vẫn duy trì một tỷ giá hối đoái neo vào USD như hiện nay thì có thể VND tăng giá so với các đồng tiền khác. Điều này lại gây khó cho xuất khẩu của Việt Nam. Đây là vấn đề mà NHNN sẽ phải tính toán nhiều hơn trong bối cảnh lãi suất USD tăng và đồng USD tăng giá”, vị chuyên gia trên lưu ý thêm.
Cảnh giác, đề phòng là cần thiết, nhưng với những yếu tố hỗ trợ tỷ giá đang được dự báo khá tích cực như thanh khoản ngoại tệ dồi dào, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng, một số chuyên gia cho rằng, dù FED tăng lãi suất nhiều hơn so với dự tính, phương thức điều hành ngày càng linh hoạt, tỷ giá năm nay cũng sẽ không tăng quá 2%. “Trừ khi có cú sốc quá lớn, tỷ giá của Việt Nam vẫn có thể giữ ổn định một cách tương đối theo nghĩa mức độ mất giá trong phạm vi khá hẹp”, TS. Võ Trí Thành đưa ra dự báo và khuyến nghị NHNN nên đưa ra nhiều kịch bản trong đó tính kỹ kinh tế bên ngoài để tăng cường khả năng ứng phó, chịu đựng các cú sốc.
Lo nhất lãi suất
Biến số lo ngại nhất được chuyên gia chỉ ra là lãi suất. Yếu tố tạo áp lực lên biến số này lớn nhất chính là lạm phát. Dự báo sức ép lạm phát 2018 nhiều hơn 2017. Dự báo trên hoàn toàn có cơ sở khi chỉ số CPI bình quân hai tháng đầu năm 2018 đã tăng 2,9%. Ngay phiên họp thường kỳ tháng 2/2018, Thủ tướng Chính phủ cũng đã cảnh báo đến các thành viên Chính phủ về tình hình giá cả thế giới có nhiều biến động và không thể lơ là nhiệm vụ kiềm chế lạm phát trong năm 2018.
Có cái nhìn lạc quan hơn nhưng TS. Võ Trí Thành vẫn cho rằng, không thể chủ quan vì vẫn có những rủi ro nhất định từ cả trong và ngoài nước. Chẳng hạn ở trong nước giá thực phẩm tăng, một số dịch vụ Nhà nước kiểm soát như y tế vẫn còn nhiều tỉnh chưa tăng. Hay việc điều chỉnh giá điện cũng sẽ tác động mạnh đến chi phí DN… Ở phía bên ngoài lãnh thổ, giá cả hàng hóa thế giới cũng có nhiều cái bất định. “Nếu chiến tranh thương mại xảy ra, nhiều nước dùng công cụ tỷ giá để tăng cường cạnh tranh sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá. Mất giá đồng tiền cũng có thể kéo theo lạm phát”, vị chuyên gia này lưu ý thêm yếu tố tác động biến số lạm phát.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ ông Nguyễn Tú Anh đồng tình áp lực lạm phát đến từ cả lạm phát cầu kéo và lạm phát tài sản. Lạm phát do cầu kéo có thể từ dòng tiền nước ngoài đổ mạnh vào Việt Nam hay kinh tế thế giới phục hồi mạnh kéo theo cầu một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như gạo, trái cây, thực phẩm… như vậy giá trong nước nhiều khả năng tăng. “Giá cổ phiếu, trái phiếu tăng mạnh. Do đó, nếu có điều chỉnh lớn trên TTCK có thể gây ra cú sốc đối với hệ thống”, ông Tú Anh phân tích yếu tố gây ra lạm phát tài sản.
Ngoài yếu tố sức ép lạm phát, theo một thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng, lãi suất USD có xu hướng tăng hơn mà mục tiêu ưu tiên hàng đầu của CSTT là ổn định kinh tế vĩ mô nên phải quan tâm rất nhiều đến giá trị đồng VND. Theo hướng này, NH phải giữ chênh lệch lãi suất ở mức độ hợp lý để thu hút người dân gửi tiết kiệm VND. Do vậy, nếu không giảm được lãi suất đầu vào thì khả năng giảm thêm lãi suất đầu ra trong năm 2018 khó khăn hơn. Vấn đề nữa, bên cạnh NH hoạt động tốt, vẫn còn có những NH gặp khó khăn. Có tình trạng một số NH lãi suất huy động cùng một kỳ hạn nhưng chênh nhau đến 2%. Đó là chênh lệch quá lớn trên thị trường.
Trước những diễn biến khó lường của thị trường tài chính quốc tế cũng như ở trong nước, ông Tú Anh cho biết, NHNN tiếp tục thực hiện CSTT thận trọng, chủ động ứng phó với biến động thị trường. Theo đó, NHNN kiểm soát tốt cung tiền để hạn chế áp lực lạm phát, thực hiện mua bán ngoại tệ kỳ hạn để giảm biến động về cung tiền và tỷ giá. NHNN phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để có phản ứng chính sách kịp thời như lịch trình điều chỉnh giá, giải ngân của Kho bạc Nhà nước, đầu tư công.
“Thận trọng tạo dư địa điều chỉnh trước các biến động khó lường của thị trường hàng hoá và tài chính dịch vụ”, ông Tú Anh cho biết thêm định hướng chính sách của NHNN trong thời gian tới.