Thể chế mới phải được thực thi quyết liệt
“Người ta nói rằng chúng ta không nên so sánh với chính mình với 30 năm trước mà cần so sánh với các nước bên cạnh cùng điều kiện như chúng ta cách đây 30 năm, họ thế nào, ta thế nào và sau 30 năm ra sao, còn chúng ta như thế nào”. Đây là lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh với một số nhà báo trong buổi gặp mặt đầu năm mới.
Năm 2015 đánh dấu quá trình hội nhập của Việt Nam sâu rộng, đòi hỏi chất lượng thể chế, nguồn nhân lực cần được nâng cao |
Đổi thay là so với chính mình
Nguyễn Tường Lân - một kỹ sư người Việt hiện đang làm việc ở Pháp, Tết vừa rồi trở về Việt Nam sau 3 năm và anh khá ngỡ ngàng trước diện mạo đất nước. Anh tâm sự rằng, ở nước ngoài liên tục đón nhận những thông tin về sự phát triển của đất nước, nhưng có về nước anh mới thấy sự thay đổi lớn từ diện mạo đất nước đến đời sống nhân dân và cả văn minh giao tiếp. Thế nhưng, anh nói: vẫn xa với ngay Malaysia, Thailand, và Singapore.
Chỉ ba tháng xa Việt Nam, khi quay lại từ Australia, chị Ngọc Trang cảm nhận: “Không ngờ đấy, giao thông khác hẳn, đường rộng, đẹp, đi nhanh hơn, nhiều tuyến đường mới thật. Tắc đường nghe nói giảm nhiều lắm”. Nhưng chị cũng vẫn phải thừa nhận rằng, nhìn nhiều mặt thì Việt Nam còn cách khá xa khu vực.
Một vài người nước ngoài làm việc ở Việt Nam nhiều năm cũng cho rằng, gần đây Chính phủ đã có những định hướng mới rất đúng cho đất nước, đó chính là điều thu hút các nhà đầu tư vẫn hướng đến Việt Nam. Nhưng điểm yếu của Việt Nam là định hướng chiến lược thay đổi mô hình phát triển mới thì đúng, nhưng: “Nếu tôi là người Việt Nam, là lãnh đạo Việt Nam tôi cũng sẽ thấy băn khoăn với việc xác định động lực tăng trưởng và năng lực cạnh tranh”.
Theo ý người nước ngoài này, với cách đầu tư như hiện nay, khoa học công nghệ kém thì khó cạnh tranh, thể chế kém thì kìm hãm sự phát triển.
Quay trở lại câu chuyện của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh với các nhà báo, trả lời vấn đề các nhà báo và xã hội quan tâm, Bộ trưởng nói: “Ai cũng nhớ Việt Nam từ một nước thiếu đói đã trở thành nước xuất khẩu gạo mà chỉ do những thay đổi thể chế sau khi có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị”.
Bởi vẫn níu kéo lợi ích cục bộ
Theo ông Vinh, qua tổng kết cho thấy, nhu cầu phải tìm ra những mô hình tăng trưởng phù hợp, tái cấu trúc nền kinh tế phù hợp với những điều kiện hiện tại của Việt Nam. Nếu ta không làm được như vậy thì Việt Nam cũng giống như rất nhiều nước đã mắc phải là sẽ đối mặt với nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Trong môi trường hội nhập và cạnh tranh khốc liệt của thế giới mà Việt Nam không phát triển nhanh hơn được mà chỉ luẩn quẩn ở mức hiện tại với những động lực tăng trưởng hiện nay đang dựa vào tài nguyên, trong khi lao động giá rẻ không còn là lợi thế nữa thậm chí không còn có nguồn đó nữa thì sẽ không duy trì được mức tăng trưởng hiện nay mà nguy cơ giảm đi.
“Đây là một đòi hỏi, là quy luật không phải chỉ riêng cho đối với Việt Nam mà còn cho tất cả các nước trong tiến trình phát triển của mình. Điều quan trọng nhất mà chúng ta phải nhận thức ra và phải thống nhất để hành động”, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.
Các chuyên gia, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các quốc gia là đối tác đầu tư vào Việt Nam ở châu Âu, Mỹ, Pháp và cả các nước Hàn Quốc, Nhật Bản đều mong chờ sự thay đổi này và họ đã nhiều lần chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam. Bà Victoria Kwakwa – Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP đứng thứ 2 trên thế giới trong 20 năm qua và Việt Nam đang chuẩn bị cho kế hoạch phát triển 5 năm tới và Đại hội Đảng sắp diễn ra.
“Đây là cơ hội đặc biệt, các nhà lãnh đạo Việt Nam cần tận dụng để cải cách thể chế mạnh hơn, nâng cao năng suất hơn, tăng trưởng tốt hơn… Việt Nam đã có khởi đầu tốt cho một gói cải cách thể chế. Nhưng Việt Nam cần thể hiện quyết tâm trong việc thực hiện, cần có tổng kết để có bài học cho sự đổi mới lần này”, bà Victoria Kwakwa bày tỏ kỳ vọng.
Cũng trong buổi gặp đầu năm, khả năng “thực thi – thực hiện” được các nhà báo nhắc lại với Bộ trưởng Vinh. Và không thể né tránh một phần thực tế này, Bộ trưởng nói: “Việt Nam phải đối mặt với thực tiễn đang tồn tại là quy định của luật thì tốt, nhưng vẫn còn có những con người không tâm huyết thực thi và cũng có cả những người lợi dụng kẽ hở luật để đặt điều kiện, để làm khó DN. Thực thi pháp luật ở Việt Nam vẫn đang là một vấn đề”.
Vì thế, ông Vinh cho rằng, bên cạnh nỗ lực cải thiện thể chế thì cũng cần phải thay đổi nhiều cách nghĩ, cách làm trong bộ máy. Đấy là điều cần thay đổi và Việt Nam cần phải làm rất nhiều nữa.
Tâm tư trên của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng được các chuyên gia kinh tế và chính sách như TS. Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và TS. Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách nói với phóng viên TBNH - cũng trong những ngày đầu năm mới Ất Mùi 2015: Đừng ngoái cổ nhìn quá khứ, cũng đừng tự nhìn định hướng tương lai, hãy nhìn so sánh ngang và cần có thêm nhiều tư lệnh ngành nữa như những tư lệnh ngành Ngân hàng và Giao thông hiện nay - những người có tầm xây dựng chiến lược, nhưng cũng không quản ngại “phản ứng phụ”, sẵn sàng quyết liệt chỉ đạo trong hành động.