Khai mạc phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 4 ngày |
Chủ tịch Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Cụ thể, nhóm vấn đề thứ nhất, tiếp tục cho ý kiến các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) gồm: Cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; cho ý kiến về các dự án luật dự kiến trình Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 7, theo đó có 5 dự án luật là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên; dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn.
Về các nhóm vấn đề giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, dự kiến Chương trình giám sát năm 2025 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Xem xét kết quả giám sát của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”; Cho ý kiến bước đầu về dự thảo Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.
Nhóm vấn đề quan trọng quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Tờ trình về đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2023; Tờ trình số 112/TTr-CP ngày 28/3/2024 của Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước). Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 7.
Đối với các nội dung xem xét thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm: Xem xét báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội năm 2023; Cho ý kiến về Tờ trình số 01/TT-CTN ngày 01/3/2024 của Chủ tịch nước về việc ký Hiệp ước vay giữa nước CHXHCN Việt Nam và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) cho Dự án hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An; Xem xét Báo cáo số 71/BC-CP của Chính phủ về một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 08/2019/NĐ-CP ngày 23/01/2019 quy định một số chế độ đối với thành viên cơ quan Việt Nam ở nước ngoài; Cho ý kiến về việc tổ chức lại Trung tâm tin học thành Cục Công nghệ thông tin và dữ liệu kiểm toán thuộc Kiểm toán nhà nước; Xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3/2024.
Ngay sau đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp thảo luận Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Trình bày Tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, trong năm 2023, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với 16 dự án luật và thông qua 21 dự án, dự thảo.
Về tình hình thực hiện Chương trình năm 2024, theo Nghị quyết số 89/2023/QH15 của Quốc hội, các Nghị quyết điều chỉnh Chương trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong năm 2024, Chính phủ có nhiệm vụ phối hợp chỉnh lý và xây dựng mới, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 23 dự án, dự thảo. Tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 Quốc hội đã xem xét, thông qua 03 dự án, dự thảo. Do đó, năm 2024, Chính phủ còn phải phối hợp chỉnh lý, xây dựng mới, trình Quốc hội 20 dự án, dự thảo.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu rõ, Chính phủ tiếp tục xác định xây dựng, hoàn thiện pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm của năm; tiếp tục quán triệt, thể chế hóa kịp thời, chính xác, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tăng cường chỉ đạo các bộ, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Bên cạnh tổ chức các phiên họp Chính phủ thường kỳ, hàng tháng, Chính phủ đều tổ chức phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật, quy trình cho ý kiến các dự án luật được Chính phủ xem xét thận trọng, chặt chẽ hơn; các dự án khi trình đều được Thường trực Chính phủ xem xét, cho ý kiến rồi mới trình Chính phủ xem xét, thông qua bằng nghị quyết trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện còn một số đề nghị xây dựng luật Chính phủ trình nhưng chưa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận bổ sung vào Chương trình. Tồn tại, hạn chế này xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là từ nguyên nhân chủ quan, khi lập đề nghị xây dựng luật, cơ quan được giao chủ trì chưa lường trước được những khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là đối với một số dự án luật có nội dung khó, phức tạp, tác động lớn đến xã hội; chưa thực sự quan tâm đầu tư thời gian, nguồn lực thực hiện; tính dự báo chưa cao khi đề xuất các dự án, chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm của tổ chức pháp chế.
Về đề nghị của Chính phủ về chương trình năm 2025, điều chỉnh chương trình năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, nguyên tắc lập Đề nghị của Chính phủ là ưu tiên đề xuất các dự án nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; kịp thời thực hiện các Kết luận của Bộ Chính trị về việc tổng kết thực hiện các nghị quyết về tư pháp, pháp luật; các yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Chính phủ cũng ưu tiên đề xuất đưa các dự án nhằm: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; Chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Thực hiện các cam kết quốc tế; Bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp; Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật;…
Ngoài ra, Chính phủ đề nghị Chương trình phải đảm bảo tính khả thi, tránh dồn nhiều dự án vào năm 2024; coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, không đưa vào Chương trình những dự án thiếu hồ sơ hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng. Đặc biệt, năm 2025 là năm cuối nhiệm kỳ, do đó, việc xây dựng Chương trình cần đảm bảo các dự án được xem xét, cho ý kiến và thông qua trong năm 2025, hạn chế tối đa các dự án được xem xét, thông qua trong 02 nhiệm kỳ Quốc hội. Đồng thời, bảo đảm tính linh hoạt, tính đến khả năng trong năm 2024 sẽ tiếp tục có các đề xuất bổ sung một số dự án vào Chương trình theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…