Tìm “bệ đỡ” từ thị trường trái phiếu
Ảnh minh họa |
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ trọng nợ vay nước ngoài và vay trong nước năm 2012 là 56,85% và 43,15%; còn năm 2013 là 49,94% và 50,06%. Như vậy xét về cơ cấu nợ công, trong những năm gần đây, tỷ lệ nợ nước ngoài giảm dần, từ 60% năm 2010 xuống 45% năm 2014, do các khoản vay mới chủ yếu là nợ trong nước. Xu hướng này cho thấy sự thay đổi của cơ cấu nợ công theo hướng giảm dần phụ thuộc vào nguồn vay nước ngoài và tăng vay trong nước, mặc dù tỷ lệ vay nước ngoài vẫn còn khá cao. Song theo các chuyên gia trong ngành, việc giảm mạnh nguồn vay nước ngoài như kỳ vọng bấy lâu nay là không thể giải quyết sớm trong “ngày một, ngày hai”.
Bộ Tài chính mới đây đã trình kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế giai đoạn 2016-2020 để hoán đổi nợ và trong dài hạn để đầu tư các dự án trọng điểm. Thực tế cho thấy việc phụ thuộc nguồn vốn quốc tế vẫn là xu hướng trong dài hạn, vay trong nước chưa chắc đã ít rủi ro hơn vay vốn quốc tế.
“Lý do là xét về góc độ rủi ro thì vay quốc tế có rủi ro tỷ giá, tiền đồng, trong khi vay trong nước thì ít nhiều đó là đồng tiền của mình, có thể huy động dễ dàng hơn”, một chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích. Tuy nhiên, vay trong nước lại có rủi ro khác là kỳ hạn vay ngắn, trong khi việc đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu thì đều cần đến nguồn vốn dài hạn. Song vị này cũng lưu ý, dù vay trong hay ngoài nước vẫn có rủi ro với ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy nhu cầu vay là có thật, song quan trọng là làm sao tăng hiệu quả của đầu tư công. Thứ hai là quản trị rủi ro liên quan đến bất ổn kinh tế vĩ mô, ngân sách, phát hành tiền, lạm phát, nợ công...
Bên cạnh đó, hiện nay giao diện của Việt Nam trên thị trường trái phiếu quốc tế đang có sự cải thiện tích cực. Điều này cho thấy triển vọng tốt nếu phát hành trái phiếu quốc tế để huy động vốn dài hạn. Cụ thể, theo số liệu của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, chỉ số bảo hiểm rủi ro vỡ nợ trái phiếu (CDS) gần đây đang giảm, chứng tỏ sức khoẻ của tài sản được bảo hiểm đã tốt lên và khả năng vỡ nợ thấp xuống. Thị trường đánh giá CDS là một công cụ rủi ro nhất trong các loại hợp đồng phái sinh vì vậy khi CDS càng giảm chứng tỏ sức khoẻ của tài sản được bảo hiểm đã tốt lên và khả năng vỡ nợ thấp xuống.
Các so sánh dữ liệu cho thấy rõ hơn điều này. Vào thời điểm tháng 9/2008 khi CDS Việt Nam lập kỷ lục là 770 điểm, lúc đó nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh các tài sản tại Việt Nam. Tuy nhiên qua thời gian, CDS đã ổn định. Theo dõi chỉ số CDS của Việt Nam gần như không tăng và vẫn ở vùng đáy, cho thấy cái nhìn tích cực của nhà đầu tư quốc tế vào kinh tế Việt Nam. Từ đầu năm đến nay CDS dao động quanh mức 250 điểm, duy trì xu hướng giảm nhẹ so với năm ngoái.
Một nguyên nhân khác khiến các chuyên gia nhận định về lâu dài, thị trường trái phiếu quốc tế vẫn là “bệ đỡ” về vốn cho Việt Nam. Đó là do thị trường trái phiếu trong nước sẽ mất thời gian dài mới có thể hoàn thiện. Đây là quá trình lâu dài và phức tạp, vì để phát triển thị trường trái phiếu trong nước, cả Chính phủ và DN đòi hỏi quá trình chuẩn bị rất cao. Cụ thể là cần chuẩn bị các vấn đề thanh toán, pháp lý, giao dịch, hình thành các tổ chức định mức tín nhiệm… Bên cạnh đó phải tạo ra thị trường trái phiếu Chính phủ đủ lớn, đủ thanh khoản để tạo đường cong lãi suất chuẩn cho thị trường. Như vậy phát hành trái phiếu phải đa dạng, nhiều kỳ hạn, giao dịch đủ cao.
Sau đó lại phải phát triển thị trường trái phiếu trên nền tảng đó, phải có các định chế tài chính đầu tư dài hạn, quỹ bảo hiểm, hưu trí phát triển. Trong khi hiện nay, phần lớn quỹ vào Việt Nam đang mang tính đầu cơ cao hơn là phát triển dài hạn. Rồi phải có các DN đủ uy tín, đủ phát triển, mới minh bạch thông tin và giao diện tốt với thị trường. Tiếp theo là tham gia thị trường trái phiếu bên ngoài, gắn với môi trường kinh tế vĩ mô đủ hấp dẫn, tin cậy, dần dần với quá trình mở cửa thị trường tài chính, tài khoản vốn, tạo ra đồng tiền chuyển đổi…
Vì những lý do đó, trước mắt thị trường vốn quốc tế vẫn là kênh huy động vốn đáng để cân nhắc. Song mặt khác để huy động vốn quốc tế một cách hiệu quả cũng không phải đơn giản. Việt Nam mới chập chững tiếp cận và chưa có giao dịch thường xuyên, do đó cách thức phát hành chưa đạt được hiệu quả và quy mô đủ lớn. Như vậy, đợt phát hành trái phiếu quốc tế thời gian tới không chỉ nhằm huy động vốn mà còn để “tập dượt” giao dịch với thị trường quốc tế một cách bài bản và thường xuyên hơn.