“Trọng tài” trong mỹ thuật - nhiếp ảnh
Theo họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, việc thành lập trung tâm dù chỉ mang tính chất định hướng và giúp họa sĩ cảm thấy tài sản của mình được đảm bảo nhưng sẽ có tác dụng, hiệu quả để ngăn chặn, xóa sổ vấn nạn tranh giả, sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh trái phép diễn ra phổ biến ở Việt Nam thời gian qua làm dư luận bức xúc.
Họa sĩ Thành Chương và bức tranh giả ký tên ông trong một triển lãm ở TP.HCM gần đây |
Thực tế, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam có Trung tâm giám định tác phẩm nghệ thuật do Nhà nước đứng ra thành lập, đối với nhiều quốc gia trên thế giới thì những trung tâm có chức năng, nhiệm vụ tương tự do tư nhân, tổ chức phi chính phủ đứng ra thực hiện.
“Khi vấn đề tranh giả, tranh nhái quá lớn, Cục Mỹ thuật đi vận động cơ quan này cơ quan khác làm nhưng đều bị từ chối. Ngay cả các họa sĩ có uy tín, khi tác phẩm bị vi phạm bản quyền, họ rất tích cực phản ánh lên truyền thông song được mời vào hội đồng thẩm định, không ai muốn làm” - họa sĩ Vi Kiến Thành chia sẻ.
Quy trình thực hiện giám định tác phẩm mỹ thuật - nhiếp ảnh của trung tâm được đánh giá rất chặt chẽ, gồm: tiếp nhận hồ sơ, trả lời hồ sơ (sau 7 ngày tiếp nhận), ký hợp đồng giám định, nhận tác phẩm cần giám định, trả lời kết quả giám định bằng văn bản sau 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận tác phẩm đề nghị giám định.
Đối với vụ việc phải sử dụng công nghệ, kỹ thuật của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an thì thời gian trả kết quả giám định sẽ được thỏa thuận giữa 2 bên theo hợp đồng giám định. Các thành viên trong trung tâm thực hiện công tác giám định tác phẩm gồm nhiều chuyên gia có uy tín và giỏi nghề, trong đó có họa sĩ Lương Xuân Đoàn, họa sĩ Nguyễn Thành Chương, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, nhà điêu khắc Vương Học Báo, nhà điêu khắc Lê Lạng Lương, nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Quốc Khánh…
Cùng với quy trình chặt chẽ, giới chuyên gia kể trên, nhiều người đánh giá khi trung tâm đứng ra làm “trọng tài” cho những vụ việc về tranh giả, “xài chùa” tác phẩm nhiếp ảnh thì những hành vi, cá nhân sai trái không thể phủ nhận cái sai của mình, đồng thời giúp nền mỹ thuật – nhiếp ảnh phát triển lành mạnh và thực chất.
Trên thực tế, việc ra đời của trung tâm từ nhu cầu bức thiết của đời sống mỹ thuật – nhiếp ảnh Việt những năm gần đây khi nhiều tác phẩm trong lĩnh vực này bị vi phạm bản quyền nghiêm trọng. Trong lĩnh vực nhiếp ảnh, nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định từng tố cơ sở XQ Đà Lạt công khai bày bán những sản phẩm “sao chép” từ các bức ảnh nude (khỏa thân) do ông nắm quyền sở hữu mà không hề hay biết.
Theo nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định, những tác phẩm nude của ông bị “xài chùa” hầu hết là những tác phẩm rất nổi tiếng trong đó, có bức ảnh ông chụp chính người vợ của mình. Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu cũng rất bức xúc khi bức ảnh “Cơn mưa rào” chụp 3 đứa trẻ chạy chơi dưới mưa bị “chôm” nhiều nhất. Từ việc được đưa vào sách “Tài liệu Dạy - Học vật lý 6” đến các trang web dạy tiếng Anh, thậm chí một trang mạng của nước ngoài sử dụng minh họa cho một bài hát.
Nhiếp ảnh gia Hoàng Hải lại cho biết một doanh nghiệp sử dụng hình ảnh của anh trong chương trình “Lễ hội áo dài - Nơi huyền thoại bắt đầu” trong khuôn khổ Festival Huế mà không có nửa lời xin phép. Ngoài ra, tác giả Dzũng Nguyễn với tác phẩm “Xuân đoàn tụ” bị nhiều đơn vị vô tư sử dụng khi in thành pano, áp phích khổ lớn để phục vụ cho mục đích quảng cáo, kinh doanh…
Trong lĩnh vực mỹ thuật, nhiều sự việc tranh nhái, tranh giả cũng từng làm dậy sóng dư luận. Theo họa sĩ Đào Hải Phong, nạn tranh nhái, tranh giả ở Việt Nam từ lâu đã “sôi động” và diễn ra công khai song các chủ sở hữu đành bất lực. Có tranh chép cả chữ ký, có tranh chỉ chép nửa vời rồi sau đó ký tên nhận mình tự vẽ. Có tranh nhái phong cách rồi ký tên họa sĩ bị nhái.
Điển hình, trong phiên đấu giá của Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn, bức tranh “Phố cũ” được giới thiệu là của Bùi Xuân Phái với chất liệu sơn dầu, kích thước 50x40cm có mức giá khởi điểm 8.000 USD bị họa sĩ Bùi Thanh Phương – con trai danh họa Bùi Xuân Phái tố là tranh “nhái”. Bởi, bức tranh này khá giống với bức Phố cũ xuất hiện trong phiên đấu giá của Sotheby’s (tại Singapore) và sau đó nhà Christie’s (Hồng Kông).
Cũng tại Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn, cách đây không lâu, bức tranh lụa “Con gái nhà văn Dương Thu Hương” có chữ ký “g Hương 95” cũng là tác phẩm bị làm giả, không phải của họa sĩ nổi tiếng Giáng Hương như lời rao đấu giá mà tác phẩm này “nhái” lại phiên bản gốc của họa sĩ trẻ Nguyễn Văn Đông.
Ngoài ra, họa sĩ Thành Chương từng rất bức xúc khi bức “Chân dung cô Kim Anh” của ông bị thay tên tác giả thành Tạ Tỵ để đưa vào triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu” tổ chức tại TP.HCM. Họa sĩ Lê Thiết Cương lại chua xót chia sẻ nhiều tác phẩm của mình và của rất nhiều đồng nghiệp bị sao chép bày bán đầy đường ở TP. HCM, Hà Nội.
Bởi “những điều trông thấy mà đau đớn lòng kể trên”, việc thành lập và chính thức đưa vào hoạt động một đơn vị như trung tâm kể trên đóng vai trò như một “trọng tài” trong các hoạt động liên quan, cho thấy sự nhạy cảm, tính tiên phong trong công tác quản lý, đáp ứng yêu cầu ngày càng bức thiết của xã hội về thị trường của lĩnh vực mỹ thuật và nhiếp ảnh.