Trung gian thanh toán: “Mở” có kiểm soát
Vốn ngoại trong trung gian thanh toán | |
NHNN yêu cầu đảm bảo an toàn hoạt động trung gian thanh toán |
Công ty TNHH Grab (Grab) và CTCP công nghệ và dịch vụ Moca (Moca) vừa công bố hợp tác chiến lược nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trên nền tảng Grab tại Việt Nam gồm thanh toán hoá đơn, nạp tiền điện thoại di động, thanh toán tại các cửa hàng bán lẻ…
Cái bắt tay của Grab và Moca chỉ là một trong nhiều trường hợp khi DN ngoại tham gia vào thị trường thanh toán điện tử Việt Nam thông qua góp vốn, mua lại đơn vị trong nước hoặc hợp tác với nhau thời gian gần đây. Có thể nhắc tới như việc Ngân Lượng bán 50% cổ phần cho MOL Access Portal (MOL) - công ty thanh toán trực tuyến có trụ sở ở Malaysia, Công ty Truyền thông VMG bán 62,25% cổ phần sở hữu tại VNPT Epay cho Tập đoàn UTC Investment (Hàn Quốc). Hay việc NTT Data (Nhật Bản) mua 64% vốn của Payoo, Tập đoàn TrueMoney (Thái Lan) mua 90% vốn CTCP 1Pay, CTCP M_Service (sở hữu ví điện tử MoMo) nhận 2 khoản đầu tư từ Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng đầu tư toàn cầu Goldman Sachs với tổng trị giá 28 triệu USD…
Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với việc góp vốn của nhà đầu tư ngoại vào tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán |
Phải thừa nhận rằng việc các DN ngoại lấn sân vào thị trường thanh toán điện tử Việt Nam sẽ giúp mở rộng mạng lưới thanh toán tại Việt Nam, thúc đẩy TTKDTM, khách hàng cũng được hưởng những tiện ích với sự đa dạng trong sản phẩm, dịch vụ cung cấp…
Theo chia sẻ của chuyên gia, đối với các DN cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán ở Việt Nam, đa phần đều là các công ty khởi nghiệp về công nghệ tài chính, nên nhu cầu vốn cực lớn. Thu hút vốn nước ngoài sẽ giúp các DN nội có thêm nguồn lực tài chính, tận dụng được những công nghệ tân tiến của nước ngoài…
Tuy nhiên, sự tham gia của các nhà đầu tư ngoại không những tạo áp lực cạnh tranh về giá, mang lại lợi ích nhất định cho người tiêu dùng, nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro khó kiểm soát như rửa tiền, thanh toán chui, trốn thuế… Bởi thế, việc hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý đối với việc góp vốn của nhà đầu tư ngoại là vô cùng cần thiết.
Khung pháp lý với lĩnh vực trung gian thanh toán nói chung, các tổ chức không phải ngân hàng cung ứng dịch vụ này nói riêng hiện đang được quy định tại Nghị định 101/2012/NĐ-CP về TTKDTM và Nghị định 80/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101. NHNN đã có tờ trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 101.
Theo NHNN, cần thiết phải bổ sung quy định liên quan đến chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán. Bởi việc hướng dẫn cụ thể điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán do tổ chức không phải là ngân hàng tham gia cung ứng hoặc đưa quan điểm rõ ràng của cơ quan quản lý chuyên ngành về lĩnh vực này là cần thiết để tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức nắm bắt và thực hiện.
Hiện chưa có quy định về điều kiện của nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực trung gian thanh toán nên các cơ quan đăng ký đầu tư đã chấp thuận đề nghị của một số tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài với các tỷ lệ khác nhau, chủ yếu dựa trên đề xuất của đơn vị này. Do vậy, giới chuyên gia cũng nhận định cần thiết phải có quy định cụ thể về tỷ lệ đối với nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào lĩnh vực này để đảm bảo tính minh bạch, giúp DN thuận lợi hơn trong quá trình triển khai thực hiện.
Hoạt động trung gian thanh toán là hoạt động liên quan tới hoạt động ngân hàng, tác động trực tiếp tới quyền lợi của người tham gia dịch vụ. Hoạt động này cũng ảnh hưởng tới an ninh, an toàn trong chính sách tiền tệ quốc gia. Vì thế cơ quan quản lý cần có chính sách phù hợp, trong đó có vấn đề quy định tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.
Để cụ thể hơn giải pháp quản lý cho vấn đề này, NHNN cũng đưa ra hai phương án: Thứ nhất, không hạn chế tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức trung gian thanh toán, tuỳ thuộc vào tiềm lực kinh doanh của từng DN để tự quyết định vấn đề này. Thứ hai, chấp thuận chủ trương tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nhưng có quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ.
Trong đó, cơ quan quản lý nghiêng về phương án có quy định điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài cụ thể về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ, bởi: Thứ nhất đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, liên quan đến hoạt động ngân hàng và thị trường tài chính, ảnh hưởng đến sự ổn định và an toàn trong chính sách tiền tệ của quốc gia. Do đó, để tránh sự thao túng của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như để đảm bảo chủ quyền quốc gia trong hoạt động ngân hàng tài chính thì cần thiết quy định tỷ lệ tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, nhằm kiến tạo một môi trường kinh doanh phục vụ vì lợi ích quốc gia và tạo điều kiện để cộng đồng DN trong nước nắm bắt được cơ hội trong hoạt động kinh doanh của mình.
Thứ ba, thực tế hiện nay, một số ngành, phân ngành cũng đã quy định tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài như: hoạt động ngân hàng cổ phần không quá 30%, tổ chức tín dụng phi ngân hàng thực hiện theo quy định của công ty đại chúng không quá 49%...
Ths. Lê Thị Phương Thảo, khoa Tài chính - Ngân hàng (ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng chia sẻ, rút kinh nghiệm từ bài học ở một số quốc gia, như Trung Quốc với sự đổ vỡ của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính số, đặc biệt là các công ty cho vay ngang hàng đã làm ảnh hưởng đến lợi ích của hàng triệu nhà đầu tư, gây bất ổn cho hệ thống tài chính và xã hội, “Việt Nam cần có chiến lược thận trọng để cân bằng sự cần thiết của thúc đẩy sáng tạo và tăng trưởng trong nền kinh tế”.
Theo bà Thảo, trước khi cho phép các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính và ngân hàng số được phát triển rộng rãi, Việt Nam cần xây dựng khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ cho hoạt động của các tổ chức này. Mục tiêu đặt ra khi xây dựng khuôn khổ pháp lý là đảm bảo ổn định tài chính, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, phòng chống rửa tiền. Đồng thời khuyến khích sự phát triển của tài chính và ngân hàng số để tăng cường tài chính toàn diện.
“Khuôn khổ pháp lý này đồng thời cũng phải đảm bảo tạo ra sân chơi bình đẳng giữa các định chế tài chính truyền thống như các ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm… với các công ty cung cấp dịch vụ tài chính số và ngân hàng số”, bà Thảo chia sẻ.