Vốn ngoại trong trung gian thanh toán
Nước ngoài ồ ạt rót vốn
Trong bối cảnh hoạt động dịch vụ trung gian thanh toán ngày càng phát triển và thu hút giới đầu tư cả trong và ngoài nước, trong hồ sơ đề nghị xây dựng nghị định thay thế các nghị định hiện hành về thanh toán không dùng tiền mặt đang được lấy ý kiến đóng góp, NHNN đề nghị cần phải ban hành các quy định cho nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Nhiều tập đoàn thương mại điện tử lớn thế giới đã đầu tư vào lĩnh vực trung gian thanh toán tại Việt Nam |
Theo thống kê của NHNN tính đến thời điểm cuối quý I/2018 cả nước có 27 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán đã được NHNN cấp phép hoạt động. Điều đáng quan tâm là yếu tố nước ngoài ở các tổ chức trung gian thanh toán phi ngân hàng ngày càng nhiều và tỷ lệ vốn nước ngoài ở từng đơn vị cũng đang ngày càng lớn và có xu hướng gia tăng. Theo ghi nhận của phóng viên Thời báo Ngân hàng, các đơn vị trung gian thanh toán như: VNPT Epay, VinaPay, Payoo, Mpos.vn, 1Pay… đều đang có tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài ở mức trên 50% vốn điều lệ.
Trong vòng 3 năm nay có hàng chục thương vụ thâu tóm lớn của các tập đoàn nước ngoài đối với các tổ chức trung gian thanh toán phi ngân hàng tại Việt Nam. Đơn cử như Tập đoàn UTC Investment của Hàn Quốc đã chi hơn 540 tỷ đồng - tương đương hơn 23 triệu USD, thâu tóm 65% cổ phần VNPT Epay, Công ty Credit China Fintech Holdings Limited - Hồng Kông đã chi gần 300 tỷ đồng - tương đương 13 triệu USD, sở hữu 51% vốn của Amigo Technologies. Các đơn vị khác như Payoo, Ngân lượng, 1Pay cũng lần lượt bị các tập đoàn nước ngoài là NTT Data (Nhật Bản), MOL Global (Malaysia) và True Money (Thái Lan) mua lại trong các thương vụ thâu tóm trị giá hàng chục triệu USD.
Việc các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt rót vốn vào các tổ chức trung gian thanh toán ở góc độ thị trường là hoàn toàn dễ hiểu, bởi tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận từ hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hiện nay đang rất mạnh. Tuy nhiên, ở góc độ quản lý, những rủi ro tiềm ẩn từ sức nóng đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực trung gian thanh toán cũng cần phải khuyến cáo. Bởi cho đến hiện tại, những quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014 tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài đối với các TCTD phi ngân hàng đang được thực hiện theo quy định của công ty đại chúng là không quá 49%. Với tỷ lệ này thì đã khá nhiều tổ chức trung gian thanh toán phi ngân hàng vượt qua ngưỡng cho phép của pháp luật.
Giới hạn room ngoại là cần thiết
Tại tờ trình đề nghị xây dựng nghị định của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, NHNN đề xuất 2 phương án. Thứ nhất là, không hạn chế tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức trung gian thanh toán. Tùy thuộc vào tiềm lực kinh doanh của từng doanh nghiệp để tự quyết định vấn đề này. Thứ hai là, chấp thuận chủ trương tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nhưng có quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ.
Trong đó, NHNN cũng đề xuất chấp thuận chủ trương tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nhưng có quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ. Bởi hoạt động thanh toán là hoạt động kinh doanh có điều kiện, liên quan trực tiếp đến sự ổn định và an toàn trong chính sách tiền tệ quốc gia. “Để tránh sự thao túng của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như để đảm bảo chủ quyền quốc gia trong hoạt động ngân hàng tài chính thì cần thiết quy định tỷ lệ tham gia góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài”, Ban soạn thảo nghị định của NHNN đưa ra trong tờ trình.
Đồng tình quan điểm trên của NHNN, TS-LS. Bùi Quang Tín cho rằng, việc mất thị phần trên sân nhà ở mảng trung gian thanh toán là có thể đặt ra nếu không có những giới hạn cụ thể về tỷ lệ góp vốn đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán. Theo ông, các vụ việc chuyển ngân lậu, thanh toán trái phép xảy ra ở một số tổ chức thanh toán có yếu tố nước ngoài thời gian vừa qua cho thấy, việc kiểm tra, giám sát với các cổng trung gian thanh toán là cực kỳ quan trọng. Nếu không có những quy định điều kiện chặt chẽ để kiểm soát thị trường thì sự đầu tư ồ ạt của hàng loạt các tập đoàn nước ngoài lớn sẽ tiếp tục gia tăng ở mảng thanh toán tại Việt Nam. Lúc này các rủi ro về chuyển tiền lậu, thanh toán trái phép, rửa tiền sẽ diễn biến càng phức tạp và khó quản lý.
Trên thực tế cho thấy, hiện nay hoạt động đầu tư vào lĩnh vực trung gian thanh toán có sức hút mạnh mẽ đối với các mô hình kinh tế chia sẻ. Chẳng hạn, Tập đoàn Uber vào cuối năm 2017 đã có hợp tác chiến lược với ví điện tử MoMo. Sau khi mảng kinh doanh của Uber tại Việt Nam được bán cho Grab, Tập đoàn Grab đã tiến một bước sâu hơn, thâu tóm toàn bộ phần vốn của Access Venture SPV Ltd tại ví điện tử Moca để khép kín từ quy trình kết nối vận tải đến kết nối thanh toán.
Ở một tập đoàn khác là tình hình cũng diễn ra tương tự. Sau khi mua lại 82% cổ phần Foody.vn, Công ty Garena - một công ty con của Tencent - đã nhanh chóng có các hợp tác chiến lược với Shopee và cổng thanh toán trực tuyến AirPay. Ghi nhận cho thấy hiện nay mỗi tháng riêng trang thương mại Shopee đã có khoảng 2,7 - 3,6 triệu đơn hàng.
Điều này đồng nghĩa các ứng dụng thanh toán của WeChat Pay của Tencent và Grab sẽ thâm nhập vào Việt Nam qua kênh thương mại điện tử và không ngần ngại mở rộng sang lĩnh vực tài chính sau khi đã “chắc chân” tại thị trường Việt Nam. “Với tiềm lực tài chính lớn, các tập đoàn này hoàn toàn có thể bù lỗ, thậm chí không thu phí tất cả các dịch vụ về thanh toán trong 2 - 3 năm đầu tiên. Khi đó, hoạt động thanh toán tại Việt Nam sẽ ra sao?”, một lãnh đạo VietinBank nhận định.