Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Năm 2016 tăng trưởng ở mức 6,7-6,8%
Ảnh minh họa |
Tăng trưởng kinh tế tiếp tục cải thiện
Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, trong báo cáo phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12/2015 đã dự báo năm 2016 tăng trưởng kinh tế Việt Nam tiếp tục cải thiện nhưng với mức độ cải thiện thấp hơn năm 2015, đạt mức 6,7-6,8%.
Kinh tế vĩ mô có điều kiện tiếp tục duy trì ổn định với lạm phát trong khoảng 2-3%, tạo dư địa cho việc chủ động điều chỉnh giá hàng hóa và dịch vụ cơ bản cũng như tỷ giá. Tổng cầu 2016 có phần tăng khá hơn 2015, qua đó tác động đến lạm phát. Tuy nhiên, mức tăng không lớn và trong phạm vi kiểm soát, ngay cả khi tính đến tác động của tăng lương công chức trong năm 2016.
Ủy ban cũng dự báo năm 2016 kinh tế và thương mại thế giới phục hồi nhưng với không ít bất trắc và tăng trưởng kinh tế dự báo đạt mức 3,6%. Giá hàng hóa thế giới tiếp tục giảm nhưng với mức độ thấp hơn. Ngoại trừ Mỹ đã bắt đầu từng bước tăng lãi suất, hầu hết các nước tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng. Trong bối cảnh đó, đồng tiền nhiều nước trên thế giới đã mất giá so với USD và được dự báo tiếp tục xu hướng này trong thời gian tới.
Nhìn lại năm 2015, Ủy ban cũng nhận định kinh tế trong nước phục hồi khá mạnh, lạm phát duy trì ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm, tái cơ cấu kinh tế đạt những kết quả bước đầu, môi trường kinh doanh có sự cải thiện, hội nhập kinh tế quốc tế được đẩy mạnh, tình hình DN cải thiện.
Dư địa không nhiều
Dù nhận định tình hình DN được cải thiện nhưng Ủy ban cũng lưu ý rằng tình hình DN chưa hết khó khăn, nhất là DN trong nước trong khi dư địa cho hỗ trợ sản xuất, kinh doanh không còn nhiều.
Dư địa hỗ trợ không còn nhiều bởi chính sách tài khóa gặp khó khăn về cân đối ngân sách, chính sách tiền tệ chịu áp lực từ xu hướng tăng lãi suất. Lãi suất bắt đầu chịu sức ép do cầu về tín dụng tăng và lợi suất trái phiếu Chính phủ cũng có xu hướng tăng
Về phía tài khóa, cân đối ngân sách sẽ tiếp tục có khó khăn, áp lực nợ công tăng hạn chế khả năng giảm thuế cũng như tăng chi đầu tư của NSNN. Do giá dầu thế giới giảm mạnh trong năm 2015, NSNN thu từ dầu thô giảm 34% so với dự toán, trong khi vẫn phải duy trì chi đầu tư phát triển để đảm bảo tổng vốn đầu tư toàn xã hội cũng như chi đảm bảo an sinh xã hội. Do đó, bội chi NSNN năm 2015 vẫn ở mức 5% GDP và nợ công tăng từ 58% GDP năm 2014 lên dự kiến 61,3% GDP.
Tỷ giá chịu sức ép nhiều hơn
Dự báo năm 2016, cán cân thanh toán có một số thuận lợi, do kiều hối tăng và FDI cũng tăng. Dự báo vốn FDI giải ngân dự báo tăng từ 13,2 tỷ USD ước cho năm 2015 lên 13,5 tỷ USD trong năm 2016, vốn FDI đăng ký mới cũng tiếp tục tăng.
Vốn đầu tư nước ngoài trên TTCK dự kiến sẽ tăng do tỷ lệ sở hữu nước ngoài được nâng lên theo quy định của Nghị định 60/2015/NĐ-CP và hoạt động M&A được đẩy mạnh. Kiều hối ước đạt 13 tỷ USD trong năm 2015 và Ủy ban dự báo tăng lên 14 tỷ USD trong năm 2016. Bên cạnh đó, với kế hoạch phát hành 3 tỷ USD trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế của Chính phủ sẽ có thêm nguồn ngoại tệ.
Tuy nhiên cán cân thanh toán cũng gặp những nhân tố không thuận lợi. Đó là nhập siêu tăng khi nhập khẩu được dự báo tăng nhanh hơn so với năm 2015 và tăng nhanh hơn xuất khẩu bởi nhu cầu nhập khẩu máy móc thiết bị tăng theo đà phục hồi của sản xuất và tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh đó là xu hướng mất giá (so với đô-la Mỹ) của đồng tiền các nước ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh về giá của hàng xuất khẩu Việt Nam, nhất là xuất khẩu nông sản, tạo thêm sức ép đối với cán cân thương mại và tỷ giá.
Tổng hợp các yếu tố trên, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo năm 2016, có sức ép đối với tỷ giá, phần nào mạnh hơn 2015, đòi hỏi chính sách cần linh hoạt, thận trọng. Đồng thời chính sách tỷ giá nói riêng và chính sách tiền tệ nói chung cần được hỗ trợ đồng bộ bởi các chính sách khác như chính sách tài khóa, chính sách thương mại…
Theo Ủy ban, năm 2016 nên đặt mục tiêu tổng quát là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2015. Và chính sách ổn định kinh tế vẫn cần đề phòng các áp lực từ môi trường kinh tế thế giới đối với lãi suất và tỷ giá, cũng như áp lực từ gia tăng nợ công trong nước.