Báo chí trong vòng xoáy kinh tế thị trường
Báo chí - Doanh nghiệp đồng hành vì sự nghiệp phát triển bền vững Tháo vòng "kim cô" cho kinh tế báo chí |
Ông Lê Trần Nguyên Huy - Quyền tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận:
Đa dạng nguồn thu để báo chí tăng sức "chiếm lĩnh" trận địa thông tin
Năm 2022 và nhất là năm 2023 vừa qua, khi tăng trưởng giảm sút, doanh nghiệp ngày càng rơi vào vòng xoáy khó khăn, doanh thu quảng cáo của các cơ quan báo chí giảm gần như theo chiều thẳng đứng. Do đó, làm thế nào để kiến tạo được nguồn thu, làm thế nào để đảm bảo được kinh tế báo chí cho tòa soạn là nỗi trăn trở thường trực lớn nhất, bài toán hóc búa đang cấp thiết cần lời giải nhất hiện nay của tất cả lãnh đạo các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí đang tự chủ hoàn toàn về tài chính.
Nhiều năm qua, nguồn thu của tòa soạn đến từ các hợp đồng truyền thông hợp tác đăng tải thông tin trên báo giấy và báo điện tử, từ việc tổ chức sự kiện… Tuy nhiên, doanh thu từ quảng cáo của doanh nghiệp vẫn là chủ yếu. Trong khi đó, việc doanh nghiệp vật lộn với sự sống còn cũng đã khiến mảng doanh thu từ quảng cáo của các cơ quan báo chí sụt giảm khá lớn, buộc các cơ quan báo chí phải chọn giải pháp “thắt lưng buộc bụng, liệu cơm gắp mắm” để đảm bảo hoạt động tòa soạn, duy trì đời sống cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên.
Từ thực tế kinh tế báo chí hiện nay, tôi cho rằng đa dạng nguồn thu thời điểm này không chỉ còn là hướng đi tất yếu, mà là buộc phải đi, thậm chí tìm hướng để đi nhanh, hiệu quả. Nhưng nói bao giờ cũng dễ hơn làm. Đa dạng nguồn thu bằng cách nào là câu hỏi đã được đặt ra từ lâu nhưng cho tới nay vẫn đang là câu hỏi lớn, thường trực với tất cả các tòa soạn.
Để công tác truyền thông chính sách được thuận lợi hơn, một số ý kiến đề xuất cơ quan quản lý làm rõ cơ chế đặt hàng và giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí, song song với đó cần có cơ chế ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với cơ quan báo chí, không nên áp dụng chính sách tài chính chung đối với doanh nghiệp cho các cơ quan báo chí.
Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí mong muốn chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các hoạt động báo chí khác (ngoài báo in) sẽ được sớm thông qua, giúp giảm “áp lực” về thuế trong bối cảnh doanh thu sụt giảm, gặp nhiều khó khăn, để các tòa soạn có thêm nguồn lực đầu tư cho công nghệ, nội dung... Nếu giải quyết được vấn đề này, báo chí kiến tạo được nguồn thu trên nền tảng số cũng sẽ đồng nghĩa với việc chiếm lĩnh được trận địa thông tin trên thế giới số, thể hiện rõ vị thế dòng chủ lưu ấy.
TS. Lê Văn Hỷ - Tổng Biên tập Tạp chí Vietnam Logistics Review:
Cần đề cao tính minh bạch và xây dựng lòng tin với công chúng
Từ bình diện nghề nghiệp của mình, tôi cho rằng hoạt động báo chí hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức. Đó là các vấn đề như suy giảm doanh thu quảng cáo, phải cạnh tranh khốc liệt với mạng xã hội và các nền tảng số…
Thực trạng này, không chỉ “khó” riêng với báo chí Việt Nam mà với cả đời sống và hoạt động báo chí thế giới cũng vậy. Nhiều tổ chức báo chí đã phải cắt giảm nhân sự, hàng trăm nhà báo bị mất việc trong năm qua.
Trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng trong báo chí ngày càng nhiều, từ việc tạo ra nội dung đến hỗ trợ phóng viên trong quá trình thu thập thông tin và phân tích dữ liệu. Nhưng ở chiều ngược lại, vấn đề này cũng đặt ra nhiều câu hỏi về đạo đức nghề nghiệp và quyền sở hữu trí tuệ, cũng như nguy cơ việc làm của các nhà báo…
Một vấn đề lớn khác là sự lan tràn các thông tin sai lệch với mức độ ngày càng nghiêm trọng, vô hình trung đã tác động làm mất niềm tin của người đọc dành cho báo chí. Phần đông các nhà báo đều cho rằng tin giả (tin không đúng sự thật) đang trở thành vấn nạn nghiêm trọng, mà hiện nay các tổ chức báo chí ở Việt Nam cũng như nước ngoài cũng chưa có các giải pháp hay hướng dẫn cụ thể nào để xử lý một cách hiệu quả.
Có thể nói, báo chí nói chung và báo chí ở Việt Nam nói riêng hiện nay không chỉ chịu ảnh hưởng bởi “vòng xoáy” của kinh tế thị trường, mà nói rộng hơn là hoạt động này đang chịu tác động bởi những thay đổi của thời đại về khoa học công nghệ và nhu cầu thông tin, giải trí của con người.
Theo tôi, để vượt qua những thách thức này, các tổ chức báo chí cần nhanh chóng thích nghi, đổi mới mô hình kinh doanh và phương thức hoạt động của mình. Cần chú trọng đến việc đa dạng hóa nguồn thu; tăng cường tương tác và kết nối với độc giả; tận dụng công nghệ, đào tạo và phát triển nhân lực báo chí từ tư duy đến nghiệp vụ; đề cao tính minh bạch và xây dựng lòng tin đối với công chúng.
Ông Nguyễn Chí Thành - Phó Tổng biên tập Tạp chí Hải quan:
Các cơ quan chủ quản cần quan tâm đầu tư cho báo chí
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện cả nước có 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí, 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình. Trong khối báo chí có 25% số đơn vị được ngân sách Nhà nước đảm bảo, 39% số đơn vị tự chủ hoàn toàn và 36% số đơn vị tự chủ một phần. Tuy nhiên, phần lớn cơ quan báo chí đang sụt giảm về nguồn thu, nhất là các đài truyền hình và cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính.
Hiện nay, hoạt động kinh tế của các cơ quan báo chí vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn thu từ quảng cáo. Thế nhưng thực tế khó khăn là khoảng 70% doanh thu quảng cáo của báo chí chính thống hiện đã bị dịch chuyển sang các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Google…
Bên cạnh đó kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn do đứt gãy hệ thống cung ứng và sức mua giảm… đã tác động kép đến hoạt động của doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp cũng đã cắt giảm mạnh mẽ phần tài chính dành cho quảng cáo, truyền thông.
Vì thế, để trụ vững, các cơ quan báo chí, đặc biệt là báo ngành, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển nội dung, sản phẩm báo chí chất lượng tốt, cần phải thực hiện chuyển đổi số nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin của công chúng. Ngoài ra, cần mạnh dạn thực hiện đa dạng hóa các hoạt động kinh tế báo chí, như tổ chức hội thảo, tọa đàm, diễn đàn về các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội đang được dư luận quan tâm...
Bên cạnh đó, các cơ quan chủ quản cũng cần quan tâm đầu tư cho báo chí trong phát triển cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, có như vậy báo chí mới bớt khó khăn và hoạt động hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Văn Minh - Tổng Biên tập Báo Công Thương:
Chính phủ cần nghiên cứu tổng thể về kinh tế báo chí
Trong bối cảnh hiện nay, báo chí cần tích cực chuyển đổi số trong khai thác nguồn thu từ các nền tảng trực tuyến xuyên biên giới, tăng giá trị gia tăng, hướng đến sự phát triển bền vững. Mỗi cơ quan báo chí cần thành lập tổ công tác chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo để dẫn dắt phát triển; hợp tác liên kết trong hoạt động báo chí, phấn đấu khai thác nguồn thu từ quảng cáo trực tuyến xuyên biên giới… Điều này sẽ giúp tăng khả năng tự chủ kinh tế, bên cạnh đó xây dựng hệ sinh thái nền tảng mạng xã hội sớm đạt tích xanh nhằm thu hút hàng triệu lượt theo dõi để lan toả thông tin định hướng trên không gian mạng.
Để thực hiện mục tiêu trên, các cơ quan báo chí mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của lãnh đạo đối với khối báo chí truyền thông, tháo gỡ khó khăn về truyền thông chính sách và một số vấn đề về thủ tục tài chính; phê duyệt, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và biểu giá truyền thông phù hợp với thực tế, làm cơ sở để báo chí tham gia các dự án, đề án truyền thông chính sách hiệu quả theo quy định của Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông; tăng cường cơ chế lãnh đạo bộ giao nhiệm vụ truyền thông chính sách trực tiếp và đầu tư hạ tầng hiện đại với những dự án đủ mạnh; cho phép báo hợp tác phát triển để thu hút nguồn lực xã hội hóa từ những doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ có tiềm lực và kinh nghiệm tốt; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bộ quan tâm, hỗ trợ và ưu tiên các dự án truyền thông chính sách đối với các cơ quan báo chí truyền thông trực thuộc bộ, ngành; hỗ trợ ngân sách đối với các viên chức, người lao động biệt phái hoặc kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ truyền thông cho bộ.
Việc phát triển kinh tế báo chí không chỉ cần nhìn từ một vài trường hợp cụ thể, từ riêng một lĩnh vực hay loại hình riêng biệt mà cần được nhìn nhận ở quy mô tổng thể, chiến lược và toàn diện của hệ thống báo chí quốc gia, gắn với bối cảnh phát triển kinh tế số mạnh mẽ hiện nay.