Cần “gỡ khó” cho doanh nghiệp dược
Doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức
Thời gian gần đây, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam tăng lên và trình độ dân trí càng cao. Vì thế, mức độ sẵn sàng chi trả cho chăm sóc sức khỏe và dịch vụ y tế cũng tăng lên. Đây là những yếu tố chính dẫn đến sự phát triển của ngành dược phẩm Việt Nam. Song, hiện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dược vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức...
Theo Bộ Y tế, Việt Nam hiện có khoảng 51 doanh nghiệp dược có vốn đầu tư nước ngoài, khoảng 228 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn WHO GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO), 12 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn GMP cao như EU, PICs... Con số này cho thấy công nghiệp dược Việt Nam thực sự đã có bước tiến khá dài.
Các doanh nghiệp dược có nhiều đóng góp trong việc sản xuất, cung ứng thuốc, phục vụ cho công tác khám chữa bệnh |
Riêng tại địa bàn TP. Đà Nẵng, hiện có gần 100 doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm và 2 cơ sở sản xuất thuốc được Bộ Y tế công nhận đạt đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc WHO-GMP là Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương 3 và Công ty cổ phần Dược Danapha. Trong đó, Công ty cổ phần Dược Danapha xây dựng một thương hiệu trong lĩnh vực dược phẩm, không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thị trường quốc tế…
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, làm ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dược, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, Bộ Y tế tổ vừa chức hội nghị Đối thoại doanh nghiệp năm 2023 tại TP. Đà Nẵng.
Tại hội nghị, các đại biểu trao đổi các cơ chế ưu đãi về giá và số lượng đối với thuốc chuyển giao công nghệ; quy định xử phạt khi cơ sở y tế hoặc nhà thầu không thực hiện đúng việc thực hiện tối thiểu giá trị hợp đồng. Thống nhất tài liệu công bố kết quả lựa chọn nhà thầu, có báo cáo đánh giá chi tiết sản phẩm dự thầu. Số hóa thủ tục thanh toán giữa nhà thầu, cơ sở y tế công lập và kho bạc nhà nước cũng như thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Cùng đó, các đại biểu cùng cho rằng cần bổ sung cụ thể hơn về danh mục thuốc hiếm, thuốc hạn chế nguồn cung, quy định về hoạt động thương mại điện tử đối với mặt hàng thuốc... Các doanh nghiệp cũng đưa ra các kiến nghị để cải thiện hơn nữa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước. Nhiều nội dung được tập trung thảo luận như quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược, trách nhiệm chuyên môn của cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo quản chung cho cả hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước.
Nhiều doanh nghiệp đề xuất Bộ Y tế trình Quốc hội và Chính phủ trong lúc chờ sửa đổi Luật Dược 2016, cho phép hiệu lực Giấy đăng ký lưu hành thuốc hết hạn trước ngày 31/12/2024 tiếp tục được gia hạn đến khi Luật Dược mới có hiệu lực. Việc gia hạn này thực hiện 1 lần sau khi cấp mới 5 năm theo hình thức quản lý của các quốc gia có quy trình quản lý thuốc chặt chẽ như EMA - Cơ quan quản lý thuốc châu Âu. Một số doanh nghiệp đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Y tế xem xét báo cáo Chính phủ có chính sách ưu đãi thuế cho những loại nguyên liệu, bao bì dùng trong dược phẩm mà doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được để áp thuế nhập khẩu bằng 0%, nhằm giảm giá thành thuốc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội phát triển.
Trên quan điểm của chỉnh quyền địa phương, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng cho hay, ngành dược TP. Đà Nẵng có nhiều đóng góp trong việc sản xuất, cung ứng thuốc, phục vụ cho công tác khám chữa bệnh; bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe cho người dân và đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng.
Còn nhiều tồn tại cần tháo gỡ
Ông Minh cho rằng, thực tế, ngành dược tại Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn. Mặc dù, thị trường dược phẩm Việt Nam đang trên đà tăng trưởng lạc quan. Ngành Dược là ngành hứa hẹn trong tương lai tuy nhiên vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức cần có cách tiếp cận mới, thu hút nguồn lực và công nghệ để góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ của người dân, nhất là sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Cần tháo gỡ khó khăn vướng mắc, làm cơ sở để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. |
Điển hình như, trong đại dịch Covid-19 bộc lộ rõ sự lúng túng của doanh nghiệp trong nước khi chuỗi cung ứng thuốc từ các nước bị đứt gãy, mang lại những khó khăn lớn cho ngành dược phẩm. Nhưng chính trong thách thức, vẫn xuất hiện những điểm sáng mà các doanh nghiệp có thể tận dụng để thúc đẩy sự phát triển nội tại…
Theo Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, hội nghị Đối thoại doanh nghiệp năm 2023 lần này sẽ thảo luận để tạo ra hành lang pháp lý tháo gỡ khó khăn vướng mắc, làm cơ sở để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Bộ Y tế ghi nhận sự đóng góp hết sức quan trọng trong thời gian qua của doanh nghiệp dược trong việc nghiên cứu, sản xuất thuốc. Đặc biệt là vắc-xin phục vụ công tác phòng và điều trị bệnh, nhất là phòng, chống đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân…
Ông Tuyên cũng nhìn nhận, vẫn còn một số tồn tại trong công tác cải cách thủ tục hành chính, một số khó khăn, bất cập cho doanh nghiệp dược trong việc triển khai áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật do chưa kịp thời được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn… Vì vậy, những ý kiến tâm huyết tại cuộc đối thoại lần này sẽ là cơ sở quan trọng để Bộ Y tế nghiên cứu, xem xét nhằm đưa ra những giải pháp cụ thể để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Theo ông Tuyên cho hay, thời gian qua, Bộ Y tế đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải quyết các điểm nghẽn, xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hiện Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thành dự thảo Luật Dược (sửa đổi), dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 54/2017/NĐ-CP. Trong đó, tập trung các vấn đề vướng mắc trong Luật Dược, Luật Đấu thầu, Luật Bảo hiểm y tế; bổ sung cơ chế, quy định đảm bảo theo định hướng của Nghị quyết 20 của Đảng “đa dạng hóa các gói bảo hiểm y tế, tăng cường liên kết, hợp tác giữa bảo hiểm y tế xã hội và bảo hiểm y tế thương mại”.
Cùng đó, tăng cường tiếp cận của người dân đối với các thuốc phát minh, xem xét đồng thời việc cấp phép lưu hành thuốc và đưa vào danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả. Bổ sung quy định về việc miễn thuế đối với thuốc dùng trong chương trình hỗ trợ thuốc miễn phí cho bệnh nhân, để đảm bảo nguồn cung thuốc liên tục và ổn định…