Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội: Linh hoạt để tối ưu hóa mục tiêu
Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Chương trình) được Chính phủ ban hành từ tháng 1/2022 và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình đến nay đã qua 1/3 thời gian thực hiện chương trình, nhưng số giải ngân thực chỉ khoảng 13,5% kinh phí chương trình được giải ngân.
Nguyên nhân được PGS-TS. Bùi Quang Tuấn và Nhóm nghiên cứu của Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra từ kết quả khảo sát tại 2 tỉnh Hải Phòng và Bắc Giang là do chương trình triển khai dàn trải, chưa sát với nhu cầu thực tế và đặc thù địa phương, phân bổ vốn còn chậm.
Ảnh minh họa |
Khảo sát chỉ ra với tỉnh ít bị ảnh hưởng, lại có tiềm lực kinh tế và có chương trình phục hồi riêng trước khi có Nghị quyết 11 như Hải Phòng cho thấy tác động của chương trình không lớn. Một số nội dung trong chương trình tại Hải Phòng là không thực sự cần thiết như cho vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chương trình “Sóng và máy tính cho em” cũng không được triển khai khi học sinh đã trở lại học trực tiếp và trước đó Hải Phòng nhiều tổ chức và doanh nghiệp cung cấp miễn phí máy tính học tập cho đối tượng học sinh, sinh viên nghèo không có đủ điều kiện.
Hay như gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động rất phù hợp và cần thiết với Bắc Giang, song với Hải Phòng không phải là địa phương chịu nhiều thiệt hại do đại dịch Covid-19, ít lao động thuê trọ nên nhu cầu nhận hỗ trợ thấp. Bên cạnh đó rào cản triển khai được ghi nhận ở cả 2 tỉnh là doanh nghiệp và chủ trọ không thực sự mặn mà khi phải dành thêm thời gian và công sức để triển khai thủ tục nhận hỗ trợ khi người thuê nhà mới được hưởng lợi. Khảo sát tại Hải Phòng còn cho thấy, phạm vi bao phủ của gói hỗ trợ này khá hạn chế và không hướng đúng vào đối tượng lao động nghèo dễ bị tổn thương bởi đại dịch.
Với gói cho vay dành cho cá nhân, hộ gia đình mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, kết quả phỏng vấn sâu cho thấy, điểm khó khăn nhất trong triển khai gói tín dụng ưu đãi này không phải là nguồn kinh phí mà là rào cản về thể chế. Để đủ tiêu chuẩn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, người đi vay phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của Nghị định 100/2015/NĐ-CP và Luật Nhà ở 2014; phải thuộc diện thu nhập thấp, tức là phải có ngưỡng thu nhập không phải chịu áp thuế thu nhập cá nhân.
"Điều này dẫn đến mâu thuẫn giữa đối tượng được hỗ trợ với khả năng chi trả. Những đối tượng thu nhập dưới mức nộp thuế thu nhập cá nhân khó đáp ứng được khả năng trả nợ, việc áp dụng ngưỡng thu nhập như vậy đã loại bỏ một lượng lớn nhu cầu chính đáng của người lao động có khả năng trả nợ tốt. Điều này không chỉ đúng ở Hải Phòng - nơi mức sống của người dân tương đối cao so với mặt bằng chung và lương trung bình của công nhân tại các khu công nghiệp từ 10-12 triệu đồng/tháng mà còn có thể là tình trạng chung trên cả nước", nhóm nghiên cứu chỉ ra.
Hơn thế, khảo sát ở Bắc Giang cho thấy người lao động trong các khu công nghiệp thường có xu hướng dịch chuyển giữa các công ty và đối với họ, nhà ở xã hội không thực sự phù hợp bởi tính cố định của nó.
Khảo sát cũng chỉ ra tính chất dàn trải của chương trình trong khi nguồn lực có hạn đã làm giảm tính hiệu quả về phục hồi kinh tế - xã hội của từng địa phương nói riêng và của cả nước nói chung. Như gói đầu tư về cơ sở hạ tầng, do kinh phí hạn hẹp nên trong 3 nhóm đối tượng đề xuất lên trung ương là hạ tầng giao thông, trợ giúp xã hội và cơ sở y tế, Hải Phòng chỉ được chấp thuận dự án trợ giúp xã hội và cơ sở y tế. Hạ tầng giao thông được Hải Phòng quan tâm nhất, nhưng lại không được trung ương phê duyệt.
Hay như Bắc Giang đề xuất vốn cho 6 dự án bao gồm 4 dự án mới và 2 dự án đã triển khai đang cần giải ngân vốn nhanh để đẩy nhanh tiến độ, nhưng chỉ được phê duyệt duy nhất dự án xây mới Trường cao đẳng nghề công nghệ Việt - Hàn.
Nghiên cứu cũng cho thấy Chương trình phục hồi kinh tế sẽ phát huy hiệu quả cao hơn nếu chuyển nguồn những nội dung cho vay có tỷ lệ giải ngân thấp sang các nội dung cho vay có tỷ lệ giải ngân cao. Như gói cho vay hỗ trợ tạo việc làm được giải ngân hết chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2022 cho toàn bộ mức dự toán của năm 2022; trong khi gói cho vay thuê, thuê mua nhà ở xã hội có tốc độ giải ngân rất thấp chỉ 27,8% nhưng lại được phân bổ 15.000 tỷ đồng.
Những thực tế này, PGS-TS. Bùi Quang Tuấn và Nhóm nghiên cứu của Viện Kinh tế Việt Nam đề xuất cần tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh Chương trình trong quá trình thực thi nhằm đạt được các mục tiêu đề ra một cách hiệu quả với sức lan tỏa lớn.