Covid-19, lạm phát cao đang đe dọa khả năng phục hồi bền vững
Báo cáo dự báo, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm sâu từ ước tính 5,5% năm 2021 xuống 4,1% năm 2022 và 3,2% vào năm 2023 khi các nhu cầu trước đây bị dồn nén giảm đi và các chính sách hỗ trợ tài khóa và tiền tệ sẽ thu hẹp lại trên toàn thế giới.
Ảnh minh họa |
Trong đó, tốc độ tăng trưởng các nền kinh tế tiên tiến dự kiến sẽ giảm từ 5% năm 2021 xuống còn 3,8% vào năm 2022 và 2,3% vào năm 2023. Dù dự báo tăng trưởng giảm xuống nhưng nếu có được các tốc độ tăng trưởng này thì đến năm 2023, dự báo tất cả các nền kinh tế tiên tiến có thể khôi phục sản xuất hoàn toàn với sản lượng và đầu tư về mức trước như trước đại dịch. Với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, tăng trưởng dự kiến sẽ giảm từ 6,3% năm 2021 xuống 4,6% năm 2022 và 4,4% năm 2023. Sản xuất ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dự kiến sẽ vẫn thấp hơn 4% so với mức trước đại dịch.
Ông David Malpass, Chủ tịch Nhóm WB nhận định: “Nền kinh tế thế giới đang cùng lúc phải đối phó với đại dịch Covid-19, lạm phát và sự bất định của chính sách, trong khi chi tiêu công và chính sách tiền tệ đang trong bối cảnh chưa có tiền lệ. Bất bình đẳng gia tăng và những thách thức về vấn đề an ninh sẽ gây ra ảnh hưởng tiêu cực đối với các nước đang phát triển. Để hỗ trợ các quốc gia tăng trưởng trong điều kiện thuận lợi cần quốc tế phải hành động đồng bộ và có các biện pháp ứng phó chính sách quốc gia toàn diện”.
Theo báo cáo, tốc độ lây lan nhanh của biến thể Omicron cho thấy đại dịch có khả năng sẽ tiếp tục làm gián đoạn hoạt động kinh tế trong thời gian tới. Tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc cũng được dự báo giảm tốc đáng kể, ảnh hưởng đến cầu bên ngoài của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Báo cáo lưu ý, đến thời điểm chính phủ các nước đang phát triển không còn dư địa chính sách để hỗ trợ kinh tế (nếu cần), thì các làn sóng dịch Covid-19 mới, những điểm nghẽn cố hữu trong chuỗi cung ứng, áp lực lạm phát và tình trạng bất ổn về tài chính leo thang có thể làm gia tăng nguy cơ “hạ cánh cứng” ở các nền kinh tế này.