Đã uống rượu bia thì không lái xe
Từ ngày 1/1/2020, đã uống rượu, bia thì… đi xe đạp cũng bị phạt! Đó là một trong nhiều quy định của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Trong số 13 hành vi bị nghiêm cấm, được quy định tại Điều 5 của Luật, đáng chú ý có Khoản 6: “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Quy định này đồng nghĩa chỉ người đi bộ mới được uống rượu, bia. Mọi hành vi đi xe ra đường sau khi uống rượu, bia đều bị cấm triệt để, áp dụng với cả các phương tiện giao thông cơ giới (ôtô, máy kéo, xe máy, xe máy điện, môtô… lẫn phương tiện giao thông thô sơ (xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo…).
Theo đó, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 đã cấm tuyệt đối người điều khiển xe uống rượu bia tạo nhận rõ ràng, giúp nhận thức sẽ khác đi, từ đó ứng xử cũng khác đi nếu vẫn uống và không lái xe nữa mà đi chung xe, taxi, xe ôm, hay dặn người nhà, bạn bè đến đón về.
Ảnh minh họa |
Thậm chí, Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thay thế Nghị định số 46/2016 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2020) còn chỉ rõ mức xử phạt đối với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400-600 ngàn đồng. Đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 22-24 tháng. Với nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), sẽ bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở, trong khi Nghị định 46/2016 trước đó quy định xử phạt chỉ từ 16 - 18 triệu đồng và tước GPLX 4 - 6 tháng.
Ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chia sẻ, quy định mạnh tay này được kỳ vọng sẽ hạn chế tối đa những vụ tai nạn giao thông thương tâm do “ma men”, đảm bảo an toàn cho chính những người uống rượu, bia và cả những người tham gia giao thông khác. Để không vi phạm luật thì cách chấp hành tích cực nhất là phải xác định rõ "đã uống rượu bia thì không lái xe". Bên cạnh một số quy định như: trách nhiệm của cha mẹ phải ngăn chặn, không để trẻ em dưới 18 tuổi tiếp cận rượu bia; cơ sở bán rượu bia cho người sử dụng tại chỗ phải thông tin phù hợp về quy định đã uống rượu bia không lái xe đối với khách hàng; kết nối phương tiện giao thông công cộng đưa khách hàng về sau khi uống rượu bia.
Bởi vui mà an toàn mới là hay. Chẳng ai muốn nhậu với nhau hôm nay mai lại đi đám tang bạn mình do tai nạn giao thông. Sinh mạng con người là trên hết nên cần có giải pháp để giảm thiểu thiệt hại về sinh mạng con người.
Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia từ khi có hiệu lực nhận được nhiều ý kiến đồng thuận từ người dân, đặc biệt trong bối cảnh Tết Nguyên đán đang đến rất gần và đây cũng là dịp có nhiều lễ hội - cơ hội sử dụng rượu bia tăng cao. Hiện Bộ Công an đã chỉ đạo CSGT ra quân đợt cao điểm xử lý vi phạm từ ngày 15/12/2019, trong đó chú trọng xử lý vi phạm nồng độ cồn. Đây là chủ trương rất thuận lòng dân trong giai đoạn hiện nay. Bộ Công an sẽ làm đều tay và xác định sẽ duy trì lâu dài. Số 1 trong các nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông của năm 2020 là xử lý vi phạm nồng độ cồn, ông Hùng cho biết thêm.