Ngành Ngân hàng đồng hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội ở Phú Yên
Năm 2024, nền kinh tế ở nhiều địa phương tại miền Trung, trong đó có Phú Yên còn gặp nhiều khó khăn, khi doanh nghiệp, người dân thu hẹp sản xuất, xu hướng hạn chế vay vốn ngân hàng, đầu tư cầm chừng,… điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn.
Tuy nhiên, trong năm qua hệ thống ngân hàng trên địa bàn nỗ lực hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả, nhiều chỉ tiêu đặt ra trong năm đều đạt kế hoạch với kết quả nổi bật trên một số lĩnh vực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cung cấp đầy đủ, kịp thời, đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là dịch vụ ngân hàng điện tử đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn Phú Yên.
Bà Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên phát biểu tại buổi gặp mặt ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh. |
Mới đây, trong buổi gặp mặt ngành Ngân hàng trên địa bàn nhân dịp khoá sổ kết thúc niên độ tài chính năm 2024, bà Cao Thị Hòa An, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, năm qua tình hình kinh tế - xã hội của địa phương đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong những thành công đó, có sự đóng góp rất lớn của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên ngành Ngân hàng trên địa bàn. Bà Cao Thị Hòa An cũng mong muốn trong năm 2025 ngành Ngân hàng Phú Yên tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, đoàn kết, hoàn thành tốt kế hoạch đề ra trong năm 2025, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trên thực tế, trong năm qua ngành Ngân hàng Phú Yên đã thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng vốn cho nền kinh tế với mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2024 liên tục giảm so với năm trước, bình quân giảm từ 0,1% - 2,0%, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn ngân hàng thuận lợi, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng…
Ông Hoàng Linh, Giám đốc NHNN chi nhánh Phú Yên phát biểu tại buổi gặp mặt ngành Ngân hàng trên địa bàn nhân dịp khóa sổ kết thúc niên độ tài chính năm 2024. |
Ông Hoàng Linh, Giám đốc NHNN chi nhánh Phú Yên cho biết, trong năm qua ngành Ngân hàng trên địa bàn đã tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với nhiều hình thức phù hợp. Quy mô hoạt động ngân hàng tăng dần qua các năm, trong năm 2024 dư nợ ước đạt 55.220 tỷ đồng, tăng khoảng 11% so với cuối năm 2023; huy động vốn ước đạt 47.253 tỷ đồng, tăng 13% so với cuối năm 2023. Đặc biệt, chất lượng nợ trên địa bàn luôn được kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ xấu luôn ở mức thấp dưới 1%. Tín dụng tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình, chính sách tín dụng trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ở địa phương.
Ngành Ngân hàng Phú Yên đã thực hiện tốt nhiệm vụ cung ứng vốn cho nền kinh tế với mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2024 liên tục giảm so với năm trước. |
Các TCTD trên địa bàn chủ động chỉ đạo triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chương trình, chính sách tín dụng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Ngành trên địa bàn nhằm hỗ trợ lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, đẩy mạnh khả năng tiếp cận vốn tín dụng và hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Trong đó, đến ngày 30/11/2024, Chương trình tín dụng 60.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với doanh số cho vay lũy kế từ đầu chương trình đạt khoảng 897,43 tỷ đồng cho 108 lượt khách hàng, dư nợ cho vay khoảng 217,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các NHTM luôn đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh bằng cách áp dụng biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục được vay mới, tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ tính đến ngày 30/11/2024 khoảng 132,54 tỷ đồng.
Ngành Ngân hàng trên địa bàn Phú Yên đã tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với nhiều hình thức phù hợp. |
Tập trung đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả công tác chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Kết quả thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tiếp tục phát triển ổn định, an toàn và hiệu quả, nhiều lĩnh vực như điện, nước, dịch vụ công thực hiện đạt gần 100%, các chi nhánh NHTM miễn phí dịch vụ đối với các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và đơn vị chi trả tiền bảo trợ xã hội. Đến 30/11/2024, tổng giá trị thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh giao dịch đạt 555.518 tỷ đồng với 78.160.435 lượt giao dịch, tăng 56,08% về giá trị và 98,14% về lượt giao dịch so với cùng kỳ năm trước.
Mạng lưới hoạt động ngân hàng ở Phú Yên ngày càng được mở rộng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa... |
Đến nay, mạng lưới hoạt động ngân hàng ở Phú Yên ngày càng được mở rộng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thuận lợi và dễ dàng trong việc tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Hiện nay, trên địa bàn có 21 TCTD (4 Chi nhánh NHTM Nhà nước, 1 ngân hàng Chính sách xã hội, 12 chi nhánh NHTM cổ phần và 4 quỹ tín dụng nhân dân)...
Bên cạnh thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, ngành Ngân hàng trên địa bàn luôn đồng hành cùng với địa phương trong các chương trình hoạt động an sinh xã hội, góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Năm 2024, ngành ngân hàng Phú Yên đã đóng góp hỗ trợ cho công tác an sinh xã hội địa phương khoảng 17,9 tỷ đồng.