Đại biểu Quốc hội hiến kế để vượt qua đại dịch
Giãn cách nhưng không tách rời và cực đoan
Thảo luận tại hội trường, đang số đa số các đại biểu đều tán thành với nội dung trong Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021.
Trong đó,đánh giá cao kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021, nhất là việc thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19. Mức tăng trưởng 5,64% của 6 tháng đầu năm là cao so với kinh tế khu vực và trên thế giới, trong khi kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát thấp, các cán cân vĩ mô được đảm bảo.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều hạn chế, khó khăn còn tồn tại hiện nay, như việc phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công đến nay chưa hết, chi đầu tư phát triển đạt thấp mới bằng 28,1% kế hoạch; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 29,02% kế hoạch; năng lực và sức chống chọi của doanh nghiệp còn yếu, môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài, tăng trưởng xuất nhập khẩu dựa nhiều vào đầu tư nước ngoài; số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng so với cùng kỳ; một bộ phần người dân còn gặp khó khăn trong việc làm và đời sống…
Về nguyên nhân của các hạn chế, yếu kém theo các đại biểu, bên cạnh yếu tố khách quan như dịch bệnh, thì nhiều vấn đề còn do sự chủ quan, lơ là, tắc trách hay sự yếu kém về năng lực, trách nhiệm nên rất kỳ vọng tới đây sẽ được giải quyết một cách căn cơ, triệt để.
Đặc biệt, các đại biểu đề cập nhiều đến thách thức bùng phát dịch bệnh ngày càng phức tạp hiện nay và do đó cần có các chính sách, giải pháp quyết liệt hơn nhưng trên cơ sáng tạo, khoa học và nhất quán.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn), việc Chính phủ thời gian qua đã quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch nhưng không áp dụng biện pháp thái quá, cực đoan là phù hợp, hiệu quả. Nhiều địa phương cũng đã có những cách làm rất sáng tạo, khoa học trên cơ sở nắm chắc tình hình và đánh giá chính xác nguy cơ xâm nhập lây lan của dịch, từ đó đưa ra những biện pháp phù hợp, góp phần hạn chế tối đa ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân.
Tuy nhiên cũng xuất hiện văn bản, biện pháp của một số địa phương gây tranh cãi, áp dụng các biện pháp thái quá gây khó khăn cho người dân, hoạt động của doanh nghiệp. Đơn cử, có địa phương không cho xe chở nông sản đi qua mặc dù có giấy xác nhận an toàn dịch. Nhiều doanh nghiệp phản ánh xe hàng được thông chốt kiểm soát dịch qua nhiều tỉnh nhưng đến tỉnh cuối cùng cần giao hàng thì xe lại phải quay đầu ra vì mỗi tỉnh mỗi quy định.
“Cả nước như một cơ thể sống, quan hệ tuần hoàn chặt chẽ, không thể vì những chỗ bị bệnh mà cắt rời hết tất cả. Vấn đề đặt ra là làm sao cách ly mà không tách rời, không làm đứt gãy nền kinh tế”, đại biểu Thủy nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Thường trực Ủy ban Tư pháp. Ảnh: Giang Huy |
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) trong phát biểu thảo luận chiều 25/7 đề xuất, để thực hiện mục tiêu kép cần bổ sung thêm nội dung tăng cường phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan, địa phương trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, các bên liên quan nên áp dụng nguyên tắc “công nhận lẫn nhau” và công khai thông tin về các biện pháp phòng dịch, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.
Sở dĩ cần đưa thêm vào nội dung này, theo đại biểu Hiếu là vì bối cảnh dịch bệnh ở các địa phương khác nhau nên các biện pháp phòng, chống dịch cũng rất khác nhau. “Trong một số hoàn cảnh, đây là biện pháp cần thiết nhưng nếu có sự khác biệt giữa các địa phương về các biện pháp phòng, chống dịch sẽ dẫn đến ùn tắc về việc lưu thông hàng hóa”, đại biểu nói. “Vì vậy, các địa phương cần giảm tối đa các điều kiện, biện pháp khác biệt không cần thiết, qua đó sẽ giúp tăng cường lưu thông, vận chuyển hàng hóa”.
Đại biểu Phan Đức Hiếu |
Nếu thất bại trước dịch bệnh sẽ thất bại toàn diện
Đại biểu Trần Văn Lâm, đoàn Bắc Giang - nơi hơn 1 tháng trước đây là tâm điểm của dịch bệnh, hoàn toàn thống nhất với các giải pháp mà Chính phủ đề ra cho những tháng cuối năm. Trong đó đại biểu này cho rằng ưu tiên trước hết hiện này là phải khống chế dịch bệnh càng nhanh càng tốt. Còn nếu nấn ná, chậm một ngày là khó khăn và thiệt hại tăng theo cấp số nhân.
“Nếu thất bại trước dịch bệnh thì sẽ thất bại toàn diện”, vì đại biểu nhấn mạnh và cho rằng, vượt qua được thì mới có cơ hội làm được các việc khác. Song song với đó, cần tiếp tục kiên trì mục tiêu ổn định vĩ mô và đẩy mạnh tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế vì đây sẽ là nhưng nền tảng để thực hiện các chính sách, giải pháp thúc đẩy và bảo vệ thành quả tăng trưởng nhanh, bền vững trong tương lai.
Trong khi đó cho rằng cuộc chiến với đại dịch Covid-19 còn nhiều cam go, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề xuất Chính phủ cần xây dựng, cập nhật các kịch bản về dịch bệnh và dựa vào các kịch bản này xây dựng các chỉ tiêu, kịch bản cho sản xuất, cho phát triển kinh tế một cách hiệu quả, bền vững. Trong đó trước mắt cần tập trung mạnh ưu tiên nguồn lực để chống dịch và phải giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm đời sống nhân dân.
“Cần đặc biệt triển khai thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K+vắc-xin trong chống dịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chẩn đoán, khám chữa bệnh và thực hiện các hoạt động chỉ đạo khác về y tế; tổ chức các bệnh viện dã chiến với các tầng, tháp hiệu quả, khả thi trong điều trị dịch bệnh; tăng cường hơn nữa các hoạt động hội họp trực tuyến để bảo đảm giãn cách, giảm thiểu lây lan dịch bệnh…”, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề xuất.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí |
Trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh ngày càng phức tạp hiện nay, tất cả ý kiến thảo luận của các đại biểu đưa ra trong sáng và chiều nay đều bảy tỏ sự ủng hộ cao về việc đưanội dung về phòng, chống dịch Covid -19 vào Nghị quyết kỳ họp thứ nhất của Quốc hội Khóa XV để có cơ sở pháp lý vững chắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) lưu ý một số điểm cần xác định cụ thể. Theo đó, nội dung này có phạm vi điều chỉnh chỉ áp dụng đối với các biện pháp phòng, chống COVID; cần khống chế thời hạn nhất định; cần xác định cụ thể trách nhiệm, đặc biệt là có biện pháp để không lợi dụng chính sách trục lợi và gây thất thoát cho ngân sách nhà nước.