Đại lý thanh toán bao phủ dịch vụ tài chính
Thanh toán không dùng tiền mặt: Khuyến khích đổi mới sáng tạo | |
Không thể đứng một mình bán dịch vụ tài chính |
Ảnh minh họa |
Bên cạnh các câu chuyện liên quan đến pháp lý về tiền điện tử; về quản lý các hoạt động chuyển tiền xuyên biên giới; cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán và đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thanh toán… thì điểm nổi bật của Dự thảo Nghị định mới này là đã dành trọn Mục 3 của Chương III để quy định về hoạt động đại lý thanh toán. Với 5 Điều, 22 Khoản quy định chi tiết, cụ thể, có thể nói đây là lần đầu tiên mô hình ngân hàng đại lý (agent-banking) được NHNN luật hóa và dự kiến sẽ mở rộng triển khai.
Thực tế, ngay khi xây dựng nội dung Dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, Ban soạn thảo đã nhận thức rất rõ nhu cầu pháp lý đối với hoạt động đại lý thanh toán. Theo đó NHNN cho biết, đến thời điểm hiện nay, các văn bản pháp lý chưa có quy định về việc các ngân hàng có thể giao đại lý cho các ngân hàng khác hoặc các tổ chức không phải là TCTD để thực hiện một phần công đoạn, quy trình của dịch vụ thanh toán.
Kinh nghiệm quốc tế từ các quốc gia như Malaysia, Kenya, Ấn Độ... cho thấy, mô hình ngân hàng đại lý (agent-banking) “mang lại rất nhiều tiện ích cho các bên liên quan”. Hoạt động của các đại lý có thể hỗ trợ các NHTM cung ứng các dịch vụ như: nhận tiền mặt, hỗ trợ khách hàng rút tiền mặt, chuyển khoản; nhận các khoản thanh toán nợ, thanh toán hóa đơn, tham gia vào một phần thu thập thông tin khách hàng phục vụ triển khai các sản phẩm dịch vụ tài chính.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Vụ Thanh toán, mặc dù thời gian qua, các pháp lý về hoạt động đại lý thanh toán chưa được luật hóa, tuy nhiên NHNN cũng đã cho phép thí điểm 3 mô hình ngân hàng đại lý. Đó là các mô hình thí điểm giữa Vietcombank với Công ty cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến (M_Sevice) đơn vị chủ sở hữu ví điện tử MoMo; mô hình phối hợp giữa MB với Viettel và mô hình phối hợp giữa PG Bank phối hợp với Petrolimex.
Theo Vụ Thanh toán, những mô hình này đã mang lại kết quả rất tích cực, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho thị trường Việt Nam. Việc quy định về hoạt động đại lý thanh toán trong thời điểm hiện nay sẽ giúp các NHTM tăng cường tiếp cận, gia tăng lượng khách hàng mà không cần phải mở rộng mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch. Các nhà băng cũng sẽ cung ứng được các dịch vụ tài chính cơ bản cho khách hàng tại vùng sâu, vùng xa với chi phí thấp đồng thời giảm đáng kể thời gian đi lại của khách hàng.
Chính vì vậy, để cụ thể hóa những quy định pháp lý cho mô hình đại lý thanh toán, NHNN đã đưa vào Dự thảo Nghị định các điều khoản rất cụ thể về nguyên tắc thực hiện mô hình đại lý thanh toán, nghiệp vụ đại lý thanh toán, hợp đồng và trách nhiệm của các bên khi triển khai mở rộng các mô hình này.
Trong khi đó, theo Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định việc bổ sung các quy định về đại lý thanh toán đã được tham khảo, căn cứ vào những văn bản pháp lý cụ thể, như Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Điều 106, 107 Luật Các TCTD. Cho đến hiện tại, với những ghi nhận kết quả tích cực từ các mô hình thí điểm ngân hàng đại lý có thể nói, việc bổ sung hành lang pháp lý về hoạt động đại lý thanh toán vào Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt là cần thiết và kịp thời, tạo được sự đồng thuận cao từ hệ thống TCTD.
Vì thế, có thể kỳ vọng, khi văn bản này được Chính phủ ban hành, các NHTM có thể có điều kiện mở rộng các mô hình đại lý thanh toán để nối dài khả năng cung ứng các sản phẩm dịch vụ tài chính đến các khu vực, địa bàn mà hiện nay các chi nhánh, phòng giao dịch chưa thể vươn tới.