Không thể đứng một mình bán dịch vụ tài chính
Áp dụng Fintech hay bị bỏ lại phía sau: 4 lời khuyên cho ngành dịch vụ tài chính | |
Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính |
Thị trường mới manh nha một liên kết ví điện tử MoMo với hệ thống bán lẻ xăng dầu PVOIL |
Hiện TrueMoney tại Việt Nam đang muốn xây dựng một nền tảng tài chính mang đến cho người dùng trong hệ sinh thái một trải nghiệm tài chính liền mạch, an toàn, thuận tiện, mọi lúc mọi nơi nhờ sự hỗ trợ của CP Group. TrueMoney không giấu diếm mục tiêu chiến lược trong hệ sinh thái này để phát triển các giải pháp tài chính mới và số hóa các trải nghiệm tài chính trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.
Lý giải cho điều này ông Neil Van Heerden - Giám đốc chiến lược Kinh doanh quốc tế của TrueMoney cho rằng, thời điểm hiện nay tại Việt Nam, thanh toán không dùng tiền mặt đang có những lợi thế phát triển mạnh mẽ nhờ cơ cấu dân số trẻ, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và tầng lớp trung lưu ngày một gia tăng. Sự bùng nổ về thương mại điện tử và sự xuất hiện của các công ty dịch vụ công nghệ ngày càng nhiều đóng vai trò đòn bẩy trong việc phát triển các giải pháp thanh toán không tiền mặt.
TrueMoney, một ví điện tử vào loại lớn nhất ở Thái Lan, đi vào Việt Nam khi CP Group đã đến Việt Nam đầu tư rất lớn trong mảng sản xuất chăn nuôi. Không chỉ vậy, gần đây Tập đoàn CP này còn hiện diện khắp các cửa hàng phân phối hàng hóa với danh nghĩa một nhà đầu tư nước ngoài đang tham gia cổ phần vào các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam. Sự gắn kết giữa một nhà sản xuất và phân phối hàng hóa như Tập đoàn CP với một công ty công nghệ tài chính (fintech) khi vào Việt Nam đầu tư để cho thấy sự hợp tác giữa bán hàng hóa với thanh toán không dùng tiền mặt rất chặt chẽ.
Thực tế hợp tác của các cặp đôi doanh nghiệp cung ứng và phân phối hàng hóa với fintech như trường hợp của CP Group và TrueMoney ở nước ngoài đã rất nhiều. Nhưng đến nay thị trường thanh toán vẫn vắng bóng những liên kết hợp tác đủ lớn để chi phối thị trường và áp đặt phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Ngay cả các TCTD cũng không thể cứ đứng một mình chỉ để cung cấp dịch vụ tài chính, mà không có liên kết với đối tác trong thời buổi kinh tế chia sẻ đang phát triển như vũ bão.
Tuy nhiên có một thực tế là các TCTD hiện nay có tâm lý e ngại nếu liên kết đầu tư ra một hệ sinh thái sợ mất khách hàng truyền thống, nên cứ rụt rè và giữ lấy một nhóm khách hàng truyền thống chăm bẵm, ngại mở rộng hợp tác liên kết với đối tác.
Ông Hoàng Việt Cường - Phó tổng giám đốc Nam A Bank thẳng thắn chia sẻ về thực tế ngân hàng hợp tác với fintech những năm qua. Các công ty fintech có thế mạnh dùng công nghệ mang sản phẩm dịch vụ đến với khách hàng rất nhanh chóng và chính xác tới từng nhóm khách hàng cụ thể. Nhưng ông Cường cũng cho rằng không phải fintech nào cũng đồng đều về trình độ công nghệ và nhóm khách hàng phù hợp với dịch vụ của ngân hàng.
Cũng cần nói thêm rằng, quy định hiện hành luật pháp Việt Nam không cho phép các công ty fintech đầu tư trực tiếp nước ngoài mà phải thông qua một pháp nhân Việt Nam, theo đó những công ty fintech thời gian qua chủ yếu thực hiện góp vốn hoặc đầu tư vào thông qua các đợt kêu gọi vốn của các fintech Việt. Trên cơ sở đó, họ mang công nghệ tài chính từ nước ngoài vào tham gia thị trường Việt Nam với danh nghĩa góp vốn đầu tư bằng thiết bị vào các TCTD.
Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cho rằng, trong thời buổi kinh tế chia sẻ, các TCTD buộc phải chọn cho mình những đối tác phù hợp với định hướng đầu tư và nhóm khách hàng của mỗi TCTD để hợp tác. Chẳng hạn, ngân hàng hợp tác với viễn thông cung cấp đường truyền mạng vận hành hệ thống máy ATM. Theo đó, trong mỗi giao dịch chuyển tiền điện tử nếu nhà mạng làm không tốt ngân hàng có quyền cắt hợp tác và vẫn có thể công bố với khách hàng sử dụng dịch vụ ATM sẽ đổi đối tác cung cấp đường truyền khác để giao dịch tài chính tốt hơn.