Thanh toán không dùng tiền mặt: Khuyến khích đổi mới sáng tạo
NHNN lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt | |
Chuyển thẻ từ sang chip: Quyết tâm vì sự phát triển của kinh tế số |
Để đảm bảo tính hợp lý, khả thi của văn bản, bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp, ngày 11/12, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo nghị định về TTKDTM.
Quang cảnh hội thảo |
Đảm bảo sự đồng bộ và thống nhất
Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, Nghị định 101 đã qua 6 năm triển khai, có tác động sâu rộng, là nền tảng pháp lý cho các hoạt động thanh toán và trung gian thanh toán, tạo điều kiện cho các loại hình mới như thanh toán điện tử, thanh toán di động… Tuy nhiên sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế… đang đặt ra yêu cầu cần phải sửa đổi bổ sung một số quy định của Nghị định 101.
Đại diện Ban soạn thảo nhấn mạnh, quan điểm xây dựng Nghị định thể hiện nhất quán là thúc đẩy TTKDTM, hạn chế tối đa các hoạt động sử dụng tiền mặt để giảm chi phí, tạo sự minh bạch trong nền kinh tế, tạo điều kiện ứng dụng công nghệ hiện đại, hạn chế các rủi ro trong giao dịch, khuyến khích đổi mới sáng tạo đối với các doanh nghiệp mới tham gia vào lĩnh vực thanh toán… Dự thảo Nghị định mới có 7 chương, 44 điều, thể hiện các chính sách mới về đồng bộ pháp lý về tiền điện tử, quản lý các hoạt động thanh toán xuyên biên giới, cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản, hoạt động đại lý thanh toán, hoàn thiện quy định về dịch vụ trung gian thanh toán, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực trung gian thanh toán.
Thảo luận về các quy định đề xuất tại Dự thảo, bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, Chính phủ nhấn mạnh đến mục tiêu phát triển TTKDTM, và NHNN đã có nhiều nỗ lực để hiện thực hoá chủ trương này, thể hiện trong các điểm mới của Dự thảo. Tuy nhiên, Dự thảo đưa ra nhiều quy định có thể coi là điều kiện kinh doanh mới như đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán không qua tài khoản hay đại lý thanh toán.
“Đây là các ngành nghề kinh doanh chưa nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư, do đó Ban soạn thảo cần có sự cân nhắc khi xây dựng quy định cho đồng bộ. Bên cạnh đó, nhiều điều kiện kinh doanh trong Dự thảo quy định còn chưa cụ thể, rõ ràng và không dễ tiên liệu, sẽ dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp trong việc áp dụng”, đại diện CIEM nêu ý kiến.
Cũng cho rằng Dự thảo Nghị định có nhiều quy định ảnh hưởng lớn đến hoạt động thanh toán, nên theo Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, cần nghiên cứu tiến tới xây dựng Luật Thanh toán. Hiện nay, NHNN mới chỉ có kế hoạch xây dựng Dự án Luật Các hệ thống thanh toán trong giai đoạn 2021-2025, theo Quyết định số 34 của Thống đốc về việc ban hành “Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Đặc biệt theo Luật sư Đức, “hiện có hai Nghị định về thanh toán là Nghị định về thanh toán bằng tiền mặt và Nghị định về TTKDTM. Cần xây dựng một văn bản chung về thanh toán, vì hai Nghị định này giống nhau về đối tượng áp dụng của Nghị định này gồm ba nhóm chính là NHNN, TCTD và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thanh toán”.
Xem xét về room ngoại, tiền điện tử, tiền di động
Một nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu tại hội thảo là quy định về hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán, theo đề xuất tại Dự thảo không quá 49%. Ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cho rằng, để phát triển TTKDTM, cần thiết phải có vốn đầu tư nước ngoài vì đây là lĩnh vực có nhiều rủi ro, trong khi nguồn vốn trong nước chưa sẵn sàng.
Chia sẻ quan điểm này, ông Nishikawa - thành viên HĐQT CTCP Dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt (Ví điện tử Payoo), đại diện cho nhà đầu tư NTT (Nhật Bản) cho hay, các nhà đầu tư nước ngoài có sự đóng góp lớn không chỉ vì về vốn đầu tư mà cả công nghệ, tri thức để phát triển, do đó NHNN cần cân nhắc về quy định hạn chế vốn đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh đó, vấn đề tiền điện tử, tiền di động cũng nhận được nhiều sự quan tâm. Phía Techcombank nêu ý kiến: Theo quy định tại Dự thảo, tiền di động là “tiền điện tử do tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành và định danh khách hàng thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động”. Với định nghĩa này, tiền di động có thể được hiểu là một loại/hình thức tiền tệ. Mặt khác, tiền điện tử được định nghĩa trong cùng Dự thảo “giá trị tiền tệ lưu trữ trên các phương tiện điện tử được trả trước bởi khách hàng cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện giao dịch thanh toán và được đảm bảo giá trị tương ứng tại ngân hàng, bao gồm thẻ trả trước, ví điện tử, tiền di động”.
Như vậy, theo định nghĩa này thì tiền di động lại không phải là một loại/hình thức tiền tệ mà chỉ là một đại lượng thể hiện/thước đo giá trị của tiền tệ lưu trữ trên các phương tiện điện tử. Bởi vậy, Techcombank đề xuất Ban soạn thảo xem xét làm rõ một số vấn đề: tiền di động có phải là một loại tiền tệ hay không? các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán kinh doanh dịch vụ viễn thông phát hành tiền di động theo cơ chế và cách thức nào?
Cách thức vận hành của tiền di động. Ban soạn thảo cần sửa đổi lại dự thảo theo hướng quy định rõ tiền điện tử được sử dụng trong thanh toán hợp pháp ở Việt Nam phải là tiền được số hoá từ tiền VND và việc phát hành phải thông qua kết nối với tài khoản ngân hàng (để đảm bảo nguyên tắc không dùng tiền mặt và đáp ứng các quy định về phòng chống rửa tiền…).
Dù Dự thảo đã ghi nhận các quy định về tiền điện tử, tuy nhiên phía Techcombank cũng cho rằng cần bổ sung thêm quy định để bảo đảm xác định đúng và phân biệt rõ giữa tiền điện tử (loại tiền hợp pháp) và tiền ảo/tiền mã hoá (chưa được công nhận hợp pháp). Theo đó, Techcombank đề xuất Dự thảo cũng nên được ghi nhận rõ về bản chất, phạm vi hoạt động của tiền điện tử trước khi phổ biến hình thức thanh toán này. Ngoài ra, Ban soạn thảo cũng nên cân nhắc bổ sung các quy định nhằm tăng cường các hình thức bảo mật, bảo đảm an toàn cho người dùng tiền điện tử.
Bà Trương Cẩm Thanh - đại diện ZaloPay và ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch CTCP Dịch vụ Di động trực tuyến (đơn vị cung cấp Ví điện tử MoMo) cũng đề nghị, Dự thảo cần có các quy định thống nhất về điều kiện kinh doanh cho các loại hình tiền điện tử khác nhau, đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Thay mặt cơ quan soạn thảo, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán hoan nghênh các ý kiến đóng góp và khẳng định Ban soạn thảo trong quá trình xây dựng Dự thảo sẽ tiếp thu trên tinh thần cởi mở, hợp tác. Riêng đối với vấn đề hạn chế đầu tư nước ngoài, quan điểm của NHNN cho rằng đây là tỷ lệ hợp lý, và phù hợp với các cam kết quốc tế, đảm bảo quyền lợi của các bên, đồng thời thể hiện chủ quyền và quyền quản lý của Việt Nam trong lĩnh vực thanh toán. Tuy nhiên, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu nội dung các hiệp định song phương và đa phương để có quy định hợp lý nhất trong vấn đề này.