Đảm bảo an toàn tín dụng với các dự án PPP
Đó là ý kiến được trao đổi tại Hội thảo phổ biến kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ “Các giải pháp đảm bảo an toàn tín dụng đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư tại các ngân hàng thương mại Việt Nam” do Viện Chiến lược ngân hàng phối hợp cùng nhóm nghiên cứu tổ chức sáng 26/10. TS. Nguyễn Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN làm chủ nhiệm đề tài.
Toàn cảnh Hội thảo. |
Sức hút đầu tư giảm dần
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, thời gian vừa qua, nhà đầu tư chủ yếu thực hiện dự án theo hình thức BOT, BT và các ngân hàng cũng thực hiện tài trợ theo hình thức này, trong đó chiếm 90% là dự án BOT giao thông.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều ngân hàng, việc cấp tín dụng cho dự án BOT gặp khá nhiều khó khăn, nguyên nhân có thể kể đến là do tính đặc thù của các dự án này là nguồn vốn lớn, thời gian đầu tư dài trong khi đó nguồn vốn của ngân hàng chủ yếu là vốn ngắn hạn. Bên cạnh đó, một số dự án chậm phê duyệt, quyết toán… cũng là một hạn chế, song song với đó là vấn đề sụt giảm doanh thu so với phương án tài chính đưa ra ban đầu, ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh…
Nhận diện được những khó khăn trên, bản thân NHNN và ngân hàng thương mại đã có nhiều chính sách để tháo gỡ nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng, làm thế nào để vừa phát triển được cơ sở hạ tầng, vừa đảm bảo hoạt động ổn định của hệ thống ngân hàng vẫn là bài toán cần giải quyết.
Đại diện nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Xuân Bắc thông tin, trong giai đoạn 2011 - 2015 là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của phương thức đầu tư PPP để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Từ năm 2016 đến nay ngành giao thông vận tải phải đối mặt với thách thức suy giảm nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, thu hút đầu tư theo phương thức PPP giảm đáng kể, chỉ triển khai được 04 dự án PPP với nguồn vốn huy động đạt 12.656 tỷ đồng/26.829 tỷ đồng tổng vốn đầu tư. Điển hình phải chuyển đổi hình thức đầu tư 5/8 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ phương thức PPP sang đầu tư công do triển khai theo phương thức PPP không thành công.
Có thể thấy, việc sụt giảm thu hút đầu tư nêu trên một phần xuất phát từ tâm lý e ngại của các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng do những khó khăn, vướng mắc tại một số dự án BOT chưa được giải quyết triệt để.
Tính đến 30/6/2022, tổng dư nợ cấp tín dụng của tổ chức tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông là 100.627 tỷ đồng, chiếm 0,88% tổng dư nợ cấp tín dụng đối với nền kinh tế, giảm 1,72% so với cuối năm 2021.
Trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng cam kết và dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại đối với các dự án BOT, BT giao thông có xu hướng giảm dần qua từng năm, trung bình dư nợ tín dụng mỗi năm tăng 8,17%. Tính đến 30/9/2021 có 22 ngân hàng thương mại thực hiện cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông (các dự án này chủ yếu đã hoàn thành, khai thác) với tổng hạn mức cấp tín dụng là 171.675 tỷ đồng; tổng số dư cấp tín dụng là 102.621 tỷ đồng (chiếm 71,37% dư nợ cấp tín dụng đối với lĩnh vực giao thông), chiếm 1,03% tổng dư nợ cấp tín dụng đối với nền kinh tế, giảm 5,61% so với cuối năm 2020, thấp hơn nhiều tốc độ tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế.
Các TCTD chủ yếu cho vay để triển khai, thực hiện và khai thác, vận hành các dự án BOT, BT giao thông với thời hạn dài là khoảng 10-20 năm.. Nợ xấu có xu hướng tăng qua các năm.
Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu, tài sản đảm bảo khi cho vay đối với các dự án BOT, BT giao thông chủ yếu là bảo đảm bằng quyền thu phí dự án (chiếm khoảng 90% tổng giá trị tài sản đảm bảo cho các dự án BOT, BT giao thông), còn lại là tài sản đảm bảo bằng bất động sản, giấy tờ có giá và một số loại tài sản đảm bảo khác.
TS. Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Ngân hàng vẫn là kênh dẫn vốn quan trọng
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) ước tính, trong giai đoạn 2017-2030 nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam sẽ vào khoảng 480 tỷ USD.Trong những năm tới, chỉ riêng nguồn vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng cần ít nhất 20 tỷ USD/năm.
Theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01/3/2016 về Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, chỉ tính riêng nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển mạng lưới cao tốc Việt Nam trong giai đoạn 2020-2030 là 599.186 tỷ đồng, sau giai đoạn 2030 là 460.474 tỷ đồng.
Hiện nay, có một số dự án đường bộ cao tốc thực hiện theo hình thức BOT đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và đang thu xếp nguồn vốn tín dụng với nhu cầu khoảng 18.400 tỷ đồng. Như vậy, dự kiến nguồn vốn tín dụng ngân hàng vẫn là kênh quan trọng chiếm phần lớn trong nguồn vốn của nhà đầu tư các dự án, góp phần bảo đảm triển khai thành công các dự án PPP trong thời gian tới.
Vì vậy, cần có nhiều chính sách và giải pháp nhằm đảm bảo an toàn tín dụng đối với các dự án PPP. Thực tế, NHNN cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo đối với dự án PPP giao thông như Chỉ thị số 05/CT-NHNN ngày 15/7/2015, về tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông; Chỉ thị số 01/CT-NHNN của NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2016, 2017, 2018… NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro; trong đó có lĩnh vực BOT, BT giao thông.
Trên cơ sở các chỉ đạo của NHNN, việc cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông đã được các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ; tốc độ tăng trưởng dư nợ cấp tín dụng đối với dự án BOT, BT giao thông đến nay đã giảm mạnh (năm 2017 tăng 13,76%, năm 2018 tăng 5,32%, năm 2019 tăng 3,19% và năm 2020 giảm 1,76%).
Bên cạnh các giải pháp về phía ngành Ngân hàng, để đảm bảo an toàn trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, từ năm 2019 tới nay NHNN cũng đã có nhiều văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải và nhiều văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ về tình hình cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, đề xuất, kiến nghị sớm xử lý khó khăn, vướng mắc.
Theo TS. Nguyễn Xuân Bắc, mặc dù cho đến nay chưa có cơ chế xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc của các dự án BOT giao thông cũ nhưng đã có sự thay đổi căn bản về nhận thức, quan điểm trong việc huy động vốn cho đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng theo hình thức PPP.
Hiện nay các ngân hàng cũng rất thận trọng trong cho vay đối với các dự án BOT giao thông, đặc biệt là thận trọng trong việc xem xét chủ trương tài trợ đối với các dự án trong thời gian tới do các vấn đề về sụt giảm doanh thu, bất cập trong thu phí của các dự án chưa được xử lý dứt điểm.
Thời gian tới, nhóm nghiên cứu đề xuất cần hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với việc đầu tư theo hình thức PPP; nâng cao năng lực quản trị rủi ro tín dụng của các NHTM đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP…
TS. Nguyễn Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN báo cáo kết quả của đề tài. |
Về phía NHNN, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, ổn định tỷ giá, điều hành chính sách tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực PPP giao thông.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện hành lang pháp lý về việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực PPP như quy định về hệ số tài sản có rủi ro, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, về nhóm khách hàng liên quan, về hợp vốn,...
Tăng cường thanh tra, giám sát, theo dõi chặt chẽ tình hình cấp tín dụng chi tiết đối với từng dự án PPP, từ đó có chỉ đạo phù hợp với NHTM. Bản thân các doanh nghiệp dự án cũng cần nâng cao năng lực tài chính thông qua tăng tỷ lệ vốn tự có tham gia vào dự án, đa dạng hóa các kênh huy động vốn, quản lý và sử dụng vốn hiệu quả; Nâng cao năng lực đề xuất, thực hiện và vận hành dự án; Chủ động nằm bắt kịp thời các thông tin quy định về PPP, báo cáo các cấp có thẩm quyền cũng như tổ chức cho vay về các vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án từ đó đề xuất giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn.
Về phía các ngân hàng, việc ban hành các cam kết cấp tín dụng cần phải xem xét kỹ lưỡng, tránh tình trạng cam kết nhưng không có trách nhiệm trong việc xem xét, thẩm định các dự án, ảnh hưởng đến uy tín của ngành ngân hàng trong việc tài trợ các dự án.
Thực hiện giám sát từng khoản vay một cách thường xuyên nhằm phát hiện dấu hiệu cảnh báo sớm để có hành động khắc phục kịp thời; tăng cường kiểm soát rủi ro, kiểm soát nguồn thu của dự án. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng cán bộ tín dụng, cũng như nâng cao khả năng phân tích và thẩm định tín dụng nhằm hạn chế tối đa rủi ro trong cho vay.