Điểm mới trong dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới
Ảnh minh họa |
Đơn giản hóa thủ tục hồ sơ bồi thường
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chi trả cho đối tượng được bồi thường bảo hiểm, dự thảo Nghị định quy định, trong trường hợp các vụ tai nạn không xảy ra tử vong thì doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) được chủ động thiết lập hồ sơ mà không phải thu thập tài liệu từ phía cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp vụ tai nạn gây tử vong, hồ sơ bồi thường phải bổ sung bản sao các tài liệu liên quan của cơ quan có thẩm quyền, chủ yếu là thu thập từ cơ quan công an.
Liên quan tới bồi thường bảo hiểm, dự thảo Nghị định quy định trong thời gian 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo từ vụ tai nạn, DNBH có trách nhiệm tạm ứng ngay cho người tham gia bảo hiểm theo hướng: đối với trường hợp đã xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại thì tạm ứng 70% mức trách nhiệm bảo hiểm đối với trường hợp tử vong, 50% mức bồi thường bảo hiểm đối với trường hợp tổn thương bộ phận được điều trị cấp cứu; đối với vụ tai nạn chưa xác định được thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường thì tạm ứng mức tương ứng là 30% và 10%.
Tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia bảo hiểm, dự thảo Nghị định cho phép DNBH được chủ động thiết kế Giấy chứng nhận bảo hiểm đảm bảo đầy đủ các thông tin theo quy định tại Nghị định (trong đó có số đường dây nóng), được phép cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử (hiện nay theo quy định DNBH cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm bản cứng theo mẫu quy định của Bộ Tài chính).
Đồng thời, mở rộng thời hạn bảo hiểm theo hướng tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm đối với xe máy và tối thiểu là 1 năm và tối đa tương ứng với thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ô tô (hiện nay theo quy định, thời hạn bảo hiểm là 1 năm).
Việc mở rộng thời hạn bảo hiểm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia và cho DNBH.“Đối với người tham gia bảo hiểm, sẽ giúp tiết kiệm chi phí, thời gian tiến hành thủ tục đi mua bảo hiểm. Đối với doanh nghiệp bảo hiểm, khi thời hạn bảo hiểm nâng lên mức tối đa 3 năm, sẽ tạo thuận lợi trong vấn đề khai thác, giảm chi phí cũng như trong việc nhập dữ liệu, công tác quản lý, hoạch toán quyết toán của DNBH” - Ông Nguyễn Quang Huyền, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết.
Tăng cường giám sát hậu kiểm, phòng chống gian lận bảo hiểm
Dự thảo cũng quy định trách nhiệm của DNBH, bên mua bảo hiểm, các cơ quan liên quan trong công tác phòng chống, gian lận bảo hiểm. Theo đó, DNBH phải ban hành các quy trình quy chế cũng như phòng chống trục lợi bảo hiểm. Bộ Tài chính định kỳ hằng năm sẽ tiến hành kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong đó có nội dung về bảo hiểm TNDS của chủ xe cơ giới.
Mở rộng đối tượng và nâng mức chi hỗ trợ nhân đạo
Mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định hiện hành là 100 triệu đồng/người/vụ, dự kiến sẽ được nâng lên 150 triệu đồng/người/vụ. Trong khi đó mức phí bảo hiểm cơ bản là không thay đổi.
Dự thảo cũng quy định mở rộng phạm vi đối tượng cũng như nâng mức chi hỗ trợ nhân đạo. Theo quy định hiện hành, mức chi hỗ trợ nhân đạo là 20 triệu đồng/người/vụ đối với trường hợp tử vong, thì dự thảo Nghị định quy định mức chi hỗ trợ nhân đạo là 45 triệu đồng/người/vụ. Ngoài ra dự thảo Nghị định còn bổ sung thêm chi hỗ trợ cho các trường hợp điều trị cấp cứu, trong đó mức chi dự kiến 15 triệu đồng/người/vụ.
Tăng cường công tác tuyên truyền
Dự thảo Nghị định nêu rõ, Bộ Tài chính, Bộ Công an cùng với các Bộ, cơ quan, địa phương, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và DNBH có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới giúp người dân hiểu đúng, hiểu rõ về trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, phân biệt rõ giữa loại hình bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới với các loại hình bảo hiểm tự nguyện khác.
“Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh kế hoạch phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội như Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan khác tăng cường tích cực trong việc tuyên truyền để tất cả người dân đều hiểu rõ quyền và nghĩa vụ khi tham gia vào bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới.” - Ông Nguyễn Quang Huyền nhấn mạnh.
Giám sát, thanh tra, kiểm tra định kỳ
Công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra cũng được quy định rõ tại dự thảo Nghị định. Theo đó, định kỳ hàng năm, Bộ Tài chính sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra các DNBH trong đó có nội dung về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Qua công tác thanh tra, kiểm tra sẽ chấn chỉnh, xử lý vi phạm kịp thời (nếu có), đồng thời ghi nhận các kiến nghị, phản ánh để tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách.
Ông Nguyễn Quang Huyền thông tin thêm: “Việc giám sát bảo hiểm sẽ được giám sát thông qua hai hình thức, thứ nhất là giám sát tại chỗ, thứ hai là giám sát từ xa.”
Đối với giám sát tại chỗ, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra tại chỗ để đánh giá việc chấp hành các quy tắc, điều khoản, biểu phí khi các doanh nghiệp tiến hành triển khai bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới, xem xét hồ sơ bồi thường, thời hạn bồi thường có đáp ứng quy định của pháp luật không, việc chi trả bồi thường cho người dân có kịp thời, nhanh chóng, đầy đủ không, mức trách nhiệm đã đảm bảo đáp ứng quy định của pháp luật hay chưa.
Đối với giám sát từ xa sẽ thông qua các báo cáo thông tin, trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua đó Bộ Tài chính sẽ tiến hành các giám sát việc thực hiện chấp hành chế độ chính sách đối với bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới.