Doanh nghiệp đang chú trọng vào thực hành phát triển bền vững như thế nào?
Mới đây nhóm tác giả Eu-Lin Fang, Peter Gassmann, Kevin O’Connell, và Nadja Picard của PwC đã có bài viết CSRD sẽ tái thiết tiến trình kiến tạo giá trị nhận định chi tiết về tác động mang tính đột phá của CSRD (Chỉ thị Báo cáo Phát triển bền vững (PTBV) của Doanh nghiệp) do EU ban hành.
Khi trả lời câu hỏi “Doanh nghiệp sẽ tạo ra giá trị trong một thế giới đang chú trọng vào thực hành PTBV như thế nào?”, phần lớn các CEO thường đề cập đến mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) cũng như lộ trình khử cacbon, nỗ lực thiết kế các sản phẩm và dịch vụ xanh, hay các dự án về kinh tế tuần hoàn.
Chỉ một số CEO sẽ đề cập đến việc có những bước đi chiến lược quyết liệt nhằm điều chỉnh lại danh mục kinh doanh, các loại sản phẩm hoặc dịch vụ và năng lực doanh nghiệp cho phù hợp với những cơ hội sẽ được tạo ra trong tiến trình PTBV; hay cân nhắc thực hiện các chiến lược mạnh mẽ để tránh những rủi ro nghiêm trọng xuất phát từ các vấn đề môi trường và xã hội như biến đổi khí hậu và bất bình đẳng kinh tế.
Chúng tôi tin rằng sự chuyển đổi quan trọng nhất từ việc triển khai CSRD sẽ là sự thay đổi trong cách doanh nghiệp liên hệ chiến lược kinh doanh của họ với hành trình thực hành PTBV.
Hiện một số doanh nghiệp đã tích hợp các chủ đề PTBV vào các chiến lược kinh doanh cốt lõi, tuy nhiên việc này vẫn chưa trở thành một thực hành phổ biến. Cụ thể hơn, Ban Điều hành vẫn có thể xây dựng chiến lược công ty chủ yếu dựa trên các yếu tố cơ bản phổ biến như nhu cầu của khách hàng, môi trường cạnh tranh, xu hướng kinh tế, tiến bộ công nghệ, v.v. Song song đó là việc tích hợp cơ bản các chủ đề PTBV như biến đổi khí hậu và nhân quyền chỉ để đáp ứng yêu cầu tuân thủ pháp luật và quy định. Do đó, mức độ nỗ lực gắn kết thực hành PTBV với việc kiến tạo giá trị của các doanh nghiệp có thể hoàn toàn khác nhau.
CSRD sẽ thay đổi điều này bằng cách tăng cường tính minh bạch trong báo cáo. Theo Chỉ thị này, doanh nghiệp phải trình bày cách họ đánh giá các cơ hội và rủi ro về kinh doanh liên quan đến các vấn đề PTBV (bao gồm cả tác động của công ty lên môi trường và xã hội), cũng như tác động của các vấn đề này lên kết quả tài chính.
Doanh nghiệp phải giải thích liệu chiến lược tổng thể của doanh nghiệp có giải quyết được các yếu tố PTBV và tác động tài chính có liên quan hay không và bằng cách nào, cũng như là những kế hoạch nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động PTBV. Tất cả những nội dung này cần được trình bày trong cùng một báo cáo. Các nhà đầu tư và các bên liên quan khác sẽ sử dụng báo cáo này để thực hiện đối chuẩn. Với yêu cầu báo cáo ngày càng chặt chẽ, chính doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ việc điều chỉnh lại các chiến lược, kế hoạch và quy trình kinh doanh phù hợp hơn với hành trình thực hành PTBV của mình.
Hơn nữa, CSRD yêu cầu doanh nghiệp báo cáo cách chiến lược và kế hoạch của doanh nghiệp giải quyết từng chủ đề PTBV mà doanh nghiệp coi là trọng yếu (theo định nghĩa mở rộng về tính trọng yếu mà chúng tôi sẽ giải thích bên dưới).
Ví dụ: nếu Ban Điều hành tại một công ty may mặc xác định việc sử dụng nước là một chủ đề trọng yếu, họ phải gắn liền chiến lược và mục tiêu của doanh nghiệp với các tác động, cơ hội và rủi ro liên quan đến chủ đề này. Doanh nghiệp cũng cần công bố các chỉ số hiệu suất liên quan, ví dụ như việc sử dụng nước trong toàn bộ chuỗi giá trị - từ hoạt động trồng bông đến sản xuất vải - và mức tiêu thụ nước ở những khu vực khan hiếm nước. Nếu doanh nghiệp không cẩn trọng trong việc đánh giá các chủ đề PTBV và lập kế hoạch ứng phó, các bên liên quan có thể đi đến kết luận từ những thông tin được công bố rằng doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với những hậu quả tài chính không mong muốn.
Lấy một ví dụ khác: nếu doanh nghiệp hoạt động trong một lĩnh vực với nhu cầu có khả năng suy giảm do các áp lực liên quan đến PTBV, chẳng hạn như ngành khai thác than, thì doanh nghiệp sẽ cần phải báo cáo việc này — bao gồm cả những khả năng tổn thất về doanh thu trong nhiều tình huống khác nhau.
Doanh nghiệp cũng cần phải đưa ra một bản kế hoạch chuyển đổi để trình bày cách thức ứng phó với những biến động thị trường này. (Ví dụ: một số công ty điện lực đã chuyển hướng từ các sản phẩm có phát thải carbon cao sang các sản phẩm phù hợp hơn với thị trường đầy tiềm năng về năng lượng tái tạo và phát thải ít carbon.) Hoặc nếu tình trạng biến đổi khí hậu có thể tăng nguy cơ ngập lụt tại các mỏ khai thác than và khu vực văn phòng lân cận, các lãnh đạo doanh nghiệp cần trình bày các kế hoạch và lộ trình đầu tư để thể hiện được việc doanh nghiệp sẽ thiết lập năng lực ứng phó như thế nào.
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, Ban Điều hành tại các doanh nghiệp hàng đầu thường đưa các nội dung về thực hành PTBV vào quá trình hoạch định chiến lược cấp cao với sự phối hợp giữa nhiều bộ phận. Việc này cần được giám sát chặt chẽ bởi Giám đốc Điều hành (CEO) cùng sự tham vấn của Hội đồng Quản trị.
Một số doanh nghiệp chọn cách thành lập các nhóm chuyên gia đa ngành về tài chính, PTBV, quan hệ nhà đầu tư và chiến lược, sau đó xin đề xuất từ nhóm này về những phương thức toàn diện nhằm giải quyết các thách thức và cơ hội phát sinh từ các vấn đề PTBV. Ví dụ, doanh nghiệp có khả năng hưởng lợi nhờ tích hợp vào chiến lược kinh doanh các khoản thuế và ưu đãi thuế xanh, có số lượng hiện đã lên đến hàng nghìn loại. Kinh nghiệm cũng cho thấy các Giám đốc tài chính (CFO) có vị trí đặc biệt phù hợp để đóng góp trong quá trình này bằng cách chỉ đạo việc sử dụng các yếu tố PTBV trong hoạch định chiến lược và tài chính, cũng như đối thoại tích cực và hiệu quả với các nhà đầu tư.
Việc tích hợp kiến thức về PTBV vào quá trình hoạch định chiến lược cấp cao đòi hỏi sự kết hợp giữa nhiều bộ phận, sự giám sát chặt chẽ của Giám đốc Điều hành (CEO) cùng với sự tham vấn từ Hội đồng Quản trị. |
Liên quan đến việc thiết lập chiến lược, CSRD đưa ra thêm một yêu cầu quan trọng về việc các lãnh đạo doanh nghiệp phải hiểu và quản lý các tác động đáng kể của doanh nghiệp lên môi trường và xã hội.
Kết quả khảo sát của chúng tôi cho thấy có 60% ý kiến đồng ý rằng các doanh nghiệp phải báo cáo về tác động của mình lên môi trường và xã hội. Hiện các doanh nghiệp hàng đầu đã có hướng quản lý một số tác động của mình ra môi trường bên ngoài với mục đích đạt được mục tiêu của doanh nghiệp, hay đơn giản chỉ là để bảo vệ giấy phép kinh doanh. Bằng chứng là khoảng 5.000 doanh nghiệp đã cam kết đặt ra các mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học để giảm lượng phát thải carbon.
Với nhận định thiết lập quy trình ra quyết định có tính đến các yếu tố thúc đẩy hiệu suất quan trọng. Theo đó, một khi Ban Điều hành đã tích hợp các yếu tố PTBV vào chiến lược tổng thể của doanh nghiệp — bao gồm cả tác động từ ngoài vào trong và từ trong ra ngoài — ở bước tiếp theo, họ sẽ muốn đưa các ưu tiên mới phát sinh vào quá trình ra quyết định về đầu tư vốn, thiết kế danh mục đầu tư, định vị thị trường và các vấn đề chiến lược khác.
Việc đưa ra quyết định kinh doanh dựa trên các ưu tiên phi tài chính không phải là một phương thức mới. Có nhiều nhà lãnh đạo trong các ngành khác nhau đã chú trọng vào các chỉ số hiệu suất không được đo lường bằng tiền tệ — chẳng hạn như tỷ lệ giữ chân nhân viên hoặc tỷ lệ chuyển đổi khách hàng — vì họ biết rằng việc cải thiện hiệu quả hoạt động ở các chỉ số này có thể dẫn đến các kết quả tài chính tốt hơn.
Tương tự, CSRD cũng nhấn mạnh cách tiếp cận này. Chỉ thị yêu cầu Ban Điều hành phải giải thích liệu doanh nghiệp của họ có quản lý hiệu quả PTBV hay không và bằng cách nào, cũng như lý do tại sao doanh nghiệp chọn thực hiện các hành động cụ thể có liên quan. Để làm được điều này, Ban Điều hành sẽ cần những phương pháp đáng tin cậy để phân bổ nguồn lực giữa các dự án, khoản đầu tư hoặc đơn vị kinh doanh có sự kết hợp khác nhau giữa các yếu tố tài chính và PTBV. Tuy nhiên, những yếu tố này thường được đo lường riêng biệt — và các yếu tố PTBV có thể không liên quan trực tiếp đến các mục tiêu tài chính, ví dụ như tăng trưởng doanh thu.
Để đưa ra các quyết định kinh doanh có tính đến các yếu tố PTBV, các Ban Điều hành và Hội đồng Quản trị phải có sẵn dữ liệu chi tiết về PTBV với mức độ tin cậy như đối với dữ liệu tài chính. Tuy nhiên, tính minh bạch của các dữ liệu về PTBV đang nhận được nhiều sự chú ý. Trong khảo sát nhà đầu tư của PwC, 87% ý kiến cho rằng báo cáo của các doanh nghiệp có chứa nội dung “tẩy xanh”.
Chúng ta có cơ sở để tin rằng dữ liệu và báo cáo PTBV sẽ được cải thiện. Từ trước khi CSRD được ban hành, ngày càng nhiều quốc gia đã ban hành hoặc mở rộng phạm vi các yêu cầu về báo cáo PTBV, bao gồm cả yêu cầu về thực hiện đảm bảo bởi bên thứ ba độc lập. Và việc ban hành CSRD đã nâng cao mức yêu cầu về tính minh bạch trong việc công bố thông tin PTBV.
Các doanh nghiệp có trong danh sách phải tuân theo Chỉ thị này cần có một bên thứ ba độc lập đưa ra đảm bảo về các thông tin trong báo cáo PTBV, trước hết ở mức độ đảm bảo có giới hạn và ở mức cao nhất là đảm bảo hợp lý, tương tự với mức độ đảm bảo cho một báo cáo tài chính. Việc này sẽ giúp cải thiện độ tin cậy của báo cáo, từ đó giúp Ban Điều hành, Hội đồng Quản trị và các nhà đầu tư có những cuộc trao đổi hiệu quả hơn và đưa ra các quyết định một cách tự tin hơn.
Nhiều CFO sẽ phải bảo đảm rằng các hệ thống và biện pháp kiểm soát dữ liệu PTBV đạt tiêu chuẩn như với dữ liệu tài chính, đồng thời cải tiến các quy trình về quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro. |