Doanh nghiệp thực phẩm Việt ứng dụng công nghệ số, chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản
Đó là nhận định của ông Hisashi Oruga - chuyên gia thị trường Nhật Bản với hơn 40 năm kinh nghiệm tại hội thảo: “Thâm nhập & chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản - công cụ & giải pháp dành cho doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam” trong khuôn khổ Triển lãm Vietfood & Beverage – Propack 2022 do Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội – Trường đại học Kinh tế Quốc dân, Công ty cổ phần Seaconsult, Công ty cổ phần Công nghệ AZ-One Việt Nam – đơn vị chủ quản của Cộng đồng Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam Easy Export – cùng Công ty Vell Trade Consulting từ Nhật Bản phối hợp tổ chức mới đây.
Chương trình không chỉ tổng kết lại những tiềm năng của thị trường Nhật Bản đối với doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam mà quan trọng hơn còn đưa ra những công cụ chuyển đổi số hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu hiệu quả, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh cho hơn 100 doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm & đồ uống.
PGS.TS. Đỗ Hương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và sáng tạo xã hội – Trường đại học Kinh tế Quốc cho biết, Việt Nam là nước xuất khẩu đa dạng chủng loại mặt hàng thực phẩm từ hàng thô đến sơ chế và tinh chế. Nhiều mặt hàng thực phẩm của Việt Nam được xếp vào hàng chủ lực, đóng góp tỷ trọng cao trong cơ cấu xuất khẩu và xếp vị trí số 1, 2 thế giới trong nhiều năm qua như gạo, hồ tiêu… Trong số các thị trường xuất khẩu chủ đạo với hàng thực phẩm của Việt Nam, Nhật Bản là thị trường đứng thứ 5 sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, khối ASEAN.
Đáng kể là còn rất nhiều tiềm năng với hàng thực phẩm Việt Nam nhờ những lợi thế mang lại từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam và Nhật Bản là thành viên, đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản. Tuy nhiên, Nhật Bản cũng là một thị trường có những yêu cầu và đòi hỏi cao với nhiều rào cản kỹ thuật khắt khe, bên cạnh rào cản về ngôn ngữ. Do đó các doanh nghiệp Việt cần phải có hiểu biết rất sâu sắc, nắm được thị hiếu tiêu dùng, từ đó đưa ra các công cụ tiếp cận hiệu quả nhất.
Là chuyên gia thị trường Nhật Bản với hơn 40 năm kinh nghiệm, ông Hisashi Oruga đưa ra nhiều tổng kết quan trọng, thiết thực nhờ ở vai trò của một người tiêu dùng cũng như một nhà môi giới sản phẩm quốc tế thâm nhập vào thị trường Nhật Bản, giúp doanh nghiệp tham gia chương trình mở rộng nhận thức về văn hóa thực phẩm của Nhật Bản, xu hướng tiêu dùng sản phẩm thực phẩm của người Nhật trong những năm gần đây và dự báo về xu hướng trong những năm tới.
Ông Oruga nhấn mạnh thực phẩm Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng thâm nhập và đóng góp cho nền ẩm thực Nhật Bản nếu tìm được hướng đi đúng đắn. Đơn cử như trà tía tô của Công ty Tùng Lâm, bánh quế sầu riêng gạo lứt Gaba của Công ty Ruộng Tươi, chè Vằng của Công ty dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam, trà hoa vàng mật sâm của Vinanutrifood, Mango Unienzyme của Công ty thực phẩm Cam Ranh… Ông Oruga mong rằng, các doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam sẽ cần sự nỗ lực lớn để thâm nhập sâu hơn vào thị trường Nhật Bản và đề nghị doanh nghiệp xuất khẩu tập trung chú ý để nhanh chóng nắm bắt những cơ hội bứt phá trong thời gian tới.
Dẫn ra nhiều đặc điểm đáng lưu ý khi muốn thâm nhập thị trường Nhật Bản như hệ thống phân phối hàng hoá nhiều tầng bậc. Phần lớn hệ thống bán lẻ không nhập trực tiếp mà thông qua nhà cung ứng, người giới thiệu. Người Nhật đề ra yêu cầu sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng bảo quản an toàn cao và sẵn sàng trả giá cao. Một khi đã được yêu mến thì cũng rất trung thành với sản phẩm, thương hiệu đó. Đặc biệt, Nhật Bản là quốc gia tích cực ứng dụng công nghệ, xuất và nhập khẩu thông qua các trào lưu văn hoá có tiềm năng cao.
Ông Nguyễn Ngọc Linh – người sáng lập Easy Export khuyến nghị doanh nghiệp nên tập trung nghiên cứu, điều chỉnh sản phẩm phù hợp văn hoá và cuộc sống Nhật Bản; sản phẩm mang đậm bản sắc Việt Nam. Thêm nữa, thiết kế bao bì nhãn mác đẹp, có phong cách và sử dụng ngôn ngữ tiếng Nhật; chuẩn bị đầy đủ nhất có thể hồ sơ chứng minh uy tín năng lực sản xuất và chất lượng. Song, doanh nghiệp phải trung thực và đảm bảo sự ổn định về khả năng đáp ứng, chất lượng sản phẩm.
Mặt khác, để tiếp cận thị trường Nhật Bản thành công, doanh nghiệp cần tìm kiếm người giới thiệu uy tín và thấu hiểu văn hoá, pháp luật Nhật Bản, đồng thời khai thác các FTA giữa hai nước để giảm thuế và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm việc tại Tập đoàn Alibaba.com và đã hỗ trợ hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu thành công, ông Nguyễn Ngọc Linh tin tưởng công nghệ thực tế ảo ứng dụng trong xuất khẩu sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam thiết lập năng lực marketing xuất khẩu mới, đem lại thế mạnh cạnh tranh mới so với doanh nghiệp của các quốc gia khác, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm.