Đổi mới quản trị Quỹ tín dụng nhân dân
Tham dự có PGS.TS. Chu Khánh Lân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng; Đại diện một số đơn vị liên quan thuộc NHNN; Đại diện Ngân hàng Hợp tác xã, Bảo hiểm tiền gửi, Hiệp hội QTDND, một số Quỹ TDND và một số trường, học viện, trung tâm nghiên cứu.
Toàn cảnh hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Chu Khánh Lân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho rằng, hợp tác xã (HTX) là mô hình tổ chức mang tính chất xã hội và nhân văn. Mô hình kinh tế hợp tác là mô hình đối nhân trong liên kết sản xuất, nơi tập hợp những người sản xuất không có nhiều lợi thế về tư liệu sản xuất cũng như tay nghề. Mặc dù kinh tế HTX đã có những bước phát triển, số hượng HTX tăng lên trong vài năm qua nhưng số lượng thành viên lại giảm xuống. Ở các QTDND cũng trong bối cảnh như vậy: Giai đoạn đầu năm 2013-2015 khi mới thực hiện luật HTX, có khoảng 7,7 triệu thành viên, nhưng từ giai đoạn 2020 đến nay giảm còn 5,5-5,7 triệu thành viên. Quy mô các HTX còn nhỏ so với một số thành phần kinh tế khác. Mức độ liên kết trong nội bộ HTX, giữa các HTX với nhau, trong liên hiệp các HTX… còn lỏng lẻo.
PGS.TS. Chu Khánh Lân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (bên phải) phát biểu khai mạc |
Theo PGS.TS. Chu Khánh Lân, từ khi tái cơ cấu các QTDND đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng hoạt động được nâng lên, an toàn, hiệu quả hơn, kỷ cương, kỷ luật trong lĩnh vực tiền tệ được nâng cao. Đóng góp của QTDND là phát huy vai trò tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm cho các thành viên trong địa bàn nâng cao đời sống, đặc biệt hạn chế tín dụng đen. Tuy nhiên một bộ phận QTDND còn yếu kém, hoạt động chưa đúng với tôn chỉ, nguy cơ mất an toàn. Do đó việc đề tài nghiên cứu là đũng vớ chủ trương cũng như thực tiễn đặt ra.
Báo cáo kết quả nghiên cứu, đại diện nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Thị Ngọc Anh cho biết, hệ thống QTDND ở Việt Nam đã khẳng định được vị thế và vai trò của mô hình kinh tế HTX kiểu mới trong lĩnh vực tiền tệ ngân hàng. Tuy nhiên, trước sự phát triển của QTDND về quy mô hoạt động, sự cạnh tranh giữa các loại hình TCTD, các QTDND đã bộc lộ một số yếu kém, bất cập và tiềm ẩn rủi ro, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.
Nguyên nhân chủ yếu do yếu kém trong quản trị QTDND, chưa đáp ứng hoặc chưa đạt tới các quy tắc quản trị của một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Do đó yêu cầu đặt ra về hoạt động quản trị, điều hành, kiểm soát cần phải được nâng cao về chất lượng, tính chuyên nghiệp nhằm tạo ra một hệ thống QTDND năng động và ổn định. Qua đó hỗ trợ sự phát triển khu vực tài chính một cách lành mạnh, bền vững, góp phần tăng trưởng kinh tế ở địa phương và rộng hơn là cấp quốc gia.
TS. Nguyễn Thị Ngọc Anh, đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo kết quả đề tài |
Theo nhóm nghiên cứu, qua đánh giá toàn diện thực trạng cũng như các hoạt động quản trị QTDND, nhóm đã đề xuất các giải pháp đổi mới quản trị QTDND như: nhóm giải pháp cải thiện quản trị nội bộ QTDND; nhóm giải pháp tạo hành lang pháp lý để quản trị QTDND hoạt động an toàn hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế; nhóm giải pháp trong xây dựng chính sách, chiến lược và các quy định nội bộ của QTDND; nhóm giải pháp hỗ trợ cho đổi mới quản trị QTDND.
Theo PGS.TS. Chu Khánh Lân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, nhìn từ chủ trương và định hướng của Đảng, Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của ngành ngân hàng, thì chủ đề mà nhóm nghiên cứu lựa chọn rất có ý nghĩa cả về mặt lý luận cũng nhu thực tiễn. Từ những vấn đề mà nhóm nghiên cứu thực hiện đã gợi mở các khả năng đưa kết quả nghiên cứu của đề tài vào ứng dụng thực tế.