Hàng tồn kho đang bào mòn lợi nhuận của nhiều công ty
Khảo sát cho thấy, chỉ có 36% DN tham gia cho biết họ kỳ vọng lượng hàng tồn kho sẽ trở lại bình thường trong nửa cuối năm nay. Một tỷ lệ tương đương kỳ vọng tình trạng dư thừa sẽ kéo dài đến năm 2024. Tuy nhiên, sự không chắc chắn về quản lý hàng tồn kho là rất lớn, với gần một phần tư (23%) các nhà quản lý chuỗi cung ứng cho biết họ không chắc khi nào sẽ giải quyết được tình trạng dư thừa hàng hóa.
Ảnh minh họa |
“Chúng tôi không mong đợi có sự sụt giảm đáng kể về mức tồn kho trong mạng lưới của mình vào năm 2023. Một số khách hàng sản xuất của chúng tôi đang gặp phải những thách thức về hàng tồn kho bị “đầy ắp” do đặt hàng quá nhiều trong các quý trước. Đa số đã chọn giữ hàng tồn kho và phản đối việc thanh lý”, Paul Harris, Phó Chủ tịch phụ trách hoạt động của WarehouseQuote cho biết.
Tổng cộng có 90 nhà quản lý logistics, đại diện cho Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ, ITS Logistics, WarehouseQuote và Hội đồng Chuyên gia Quản lý Chuỗi Cung ứng (CSCMP) đã tham gia cuộc khảo sát này để cung cấp thông tin về hàng tồn kho hiện tại của họ và những áp lực chi phí, giá cả mà họ đang phải đối mặt.
Dữ liệu thu được cho thấy, có khoảng 20% hàng tồn kho dư thừa không phải là các hàng hóa theo tính chất mùa vụ và hơn một nửa số người tham gia khảo sát cho biết sẽ tiếp tục giữ các mặt hàng trong kho. Nhưng cũng có tới 27% cho biết họ đang phải bán hàng hóa ra trên thị trường thứ cấp vì hàng tồn kho ảnh hưởng đến lợi nhuận do chi phí lưu trữ tăng cao. Paul Harris cho biết, nhiều khách hàng có hàng hóa dễ hỏng đang cố gắng bán ra trên thị trường thứ cấp để tránh sản phẩm bị hỏng. “Tuy nhiên, nếu thị trường thứ cấp không phải là một lựa chọn, họ buộc phải tiêu hủy sản phẩm”, ông nói.
Trong khi đó, Mark Baxa, Giám đốc điều hành của CSCMP cho biết: “Chi phí vận chuyển hàng tồn kho tiếp tục tăng do áp lực lạm phát và giao hàng chậm trễ. Điều này có nghĩa là cứ mỗi ngày trôi qua, lại có ba điều xảy ra: Rủi ro bán hàng ngày càng tăng; áp lực giảm sút lợi nhuận; và hàng hóa xuống cấp và/hoặc lỗi thời”.
Gần một nửa số người được khảo sát cho biết, áp lực lớn nhất mà họ đang phải trả là chi phí kho hàng. Như theo ITS Logistics, nhiều khách hàng trong các ngành đã phải sử dụng các container đường biển, container đường sắt và xe kéo để lưu trữ hàng hóa vì các trung tâm phân phối đã lấp đầy. Theo Paul Brashier, Phó Chủ tịch phụ trách vận tải tại ITS Logistics, những khoản chi phí gia tăng này sẽ được phản ánh trong kết quả tài chính của các công ty trong quý II hoặc quý III tới.
Đáng chú ý theo truyền thống, các chi phí lưu kho và chi phí lao động liên quan sẽ dần dà được “chuyển” tới tay người tiêu dùng, thể hiện ở giá hàng hóa sẽ tăng. Ở khảo sát này, có tới gần một nửa (44%) số người tham gia cho biết họ đang chuyển ít nhất một nửa chi phí gia tăng vào giá bán sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Stephen Lamar, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ cho biết: “Rõ ràng là những thách thức về chuỗi cung ứng và tất cả các chi phí liên quan của chúng sẽ tiếp tục gây ra áp lực lạm phát. Những lo ngại về hàng tồn kho đang diễn ra và tính chất mong manh của hệ thống logistics hiện nay còn gây ra những áp lực và sự không chắc chắn khác”.
Một ví dụ là triển vọng đơn đặt hàng sản xuất. Mức tồn kho cao, trong khi triển vọng kinh tế yếu đi kéo theo nhu cầu của người tiêu dùng quy giảm đang là những yếu tố ảnh hưởng lớn đến đơn đặt hàng sản xuất. Khảo sát cho thấy, có 40% các nhà quản lý logistics cho biết họ sẽ không cắt giảm đơn hàng trong 3 tháng tới, nhưng cũng có 18% cho biết họ thực tế đang cắt giảm 30% đơn hàng rồi.