Hết cảnh xếp hàng rút tiền mặt
Mới đây, NHNN đã có văn bản số 8751/NHNN-TT gửi hệ thống TCTD trên cả nước nhằm yêu cầu đảm bảo thực hiện tốt công tác thanh toán dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Theo đó, NHNN đề nghị hệ thống TCTD chủ động triển khai kế hoạch cụ thể về hoạt động ATM dịp cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán năm 2022; có biện pháp phù hợp đối với ATM tại các địa bàn thường xảy ra hiện tượng quá tải do nhu cầu giao dịch của khách hàng tăng đột biến. Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu các TCTD, những đơn vị trung gian thanh toán phối hợp tốt với các bộ, ngành và các đơn vị có liên quan đảm bảo thu chi ngân sách kịp thời, thông suốt trong dịp cuối năm; đồng thời triển khai tốt các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, kịp thời xử lý những sự cố phát sinh trong quá trình giao dịch thanh toán tiền mặt và thanh toán trực tuyến.
Giao dịch rút tiền mặt qua ATM đã giảm từ 26% xuống còn 12% vào cuối năm 2021 |
Ghi nhận tại các địa phương khu vực phía Nam cho thấy, ngay sau khi nhận được sự chỉ đạo của NHNN về các nội dung trên, hoạt động chuẩn bị cho các kế hoạch đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán và giao dịch ngân hàng dịp cuối năm đã được các chi nhánh NHNN và hệ thống NHTM tập trung tích cực đẩy mạnh.
Ông Phạm Quốc Bảo - Phó giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai cho biết, các TCTD trên địa bàn đã nhận được yêu cầu đảm bảo tuân thủ các quy định về giao nhận, bảo quản và vận chuyển tiền mặt; kiểm tra, rà soát hệ thống ATM, nhất là ở các khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất để đảm bảo an toàn về kỹ thuật, tiếp quỹ kịp thời trong những thời điểm người lao động có nhu cầu rút tiền mặt cao dịp Tết.
Tại TP.HCM - nơi có nhiều khu công nghiệp và khu chế xuất, đặc biệt lại là địa bàn giáp danh với các vùng công nghiệp Bình Dương, Đồng Nai, các TCTD cũng đã lên kế hoạch chuẩn bị tăng cường kiểm tra, kiểm soát các điểm đặt máy ATM và đảm bảo thông suốt giao dịch trong những ngày cao điểm cuối năm.
Tuy nhiên nhiều chuyên gia dự báo, áp lực đảm bảo tiền mặt dịp cuối năm nay có thể không quá lớn như mọi năm. Bởi trong năm qua, do dịch bệnh Covid-19, một lượng lớn lao động về quê hiện chưa trở lại các vùng công nghiệp trọng điểm. Hơn nữa, dịch bệnh như một cú hích phát triển thanh toán trực tuyến của người dân thay cho thói quen thanh toán bằng tiền mặt. Doanh nghiệp và các tổ chức cung ứng hàng hóa dịch vụ tại nhiều địa phương, kể cả các khu vực nông thôn hiện cũng đã bắt đầu sử dụng nhiều hình thức thanh toán bằng ví điện tử, quét mã QR thông qua các ứng dụng ngân hàng điện tử.
Ông Trần Quốc Hà - Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Cần Thơ thông tin, việc phối hợp thanh toán trực tuyến các dịch vụ công đã được các sở, ban ngành quan tâm, chỉ đạo nhiều hơn, cụ thể hơn và người dân, doanh nghiệp cũng có xu hướng thích thanh toán online hơn. Vì thế, có thể nói việc triển khai đảm bảo an ninh, an toàn thanh toán những tháng cuối năm là khá thuận lợi.
Đồng quan điểm, ông Trần Văn Phước - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Kiên Giang cho rằng, điểm đáng ghi nhận trong hoạt động thanh toán hiện nay là sự phối hợp của các sở, ban, ngành đối với việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đã ngày càng chặt chẽ và cụ thể. Tại Kiên Giang, đến hiện tại có tới 97% giao dịch nộp thuế đã được thực hiện qua hình thức điện tử. Tỷ lệ thanh toán trực tuyến đối với các dịch vụ công như: y tế, giáo dục, hóa đơn điện nước ở nhiều nơi đều tăng đột biến.
Theo Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2021 ghi nhận sự tăng trưởng đột biến trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt. Tổng số lượng và giá trị giao dịch xử lý hệ thống liên ngân hàng qua NAPAS tăng tương ứng 94% và 131%. Số lượng khách hàng tham gia giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt cũng tăng 80% so với năm 2020. Đáng chú ý là tỷ trọng các giao dịch rút tiền mặt qua ATM trên tổng giao dịch xử lý qua hệ thống của NAPAS đã giảm từ mức 26% của năm 2020 xuống còn 12% vào cuối năm 2021.
Cũng theo NAPAS, đến thời điểm hiện nay các dịch vụ ngân hàng số đã phát triển khá mạnh ở hầu hết các địa phương. Nhiều kênh thanh toán quy mô rộng đã được đưa vào hoạt động, chẳng hạn như kênh kết nối hạ tầng thanh toán trực tuyến tại Cổng dịch vụ công Quốc gia với 63 bộ ngành địa phương và 40 NHTM.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương hiện nay cũng đã chính thức áp dụng thương hiệu VietQR trong thanh toán bằng QR code; Các nhà mạng viễn thông hiện cũng đã triển khai Mobile Money rộng khắp... nên người dân có nhiều kênh để thanh toán hơn. Do đó, áp lực do chi trả và thanh toán bằng tiền mặt những ngày giáp Tết năm nay sẽ giảm đáng kể. Người dân sẽ không phải lo xếp hàng trước các cây ATM.
Trong khi đó, việc đáp ứng các tiêu chí về kỹ thuật, hạ tầng, bảo mật dữ liệu và sự kết nối liên thông các nền tảng công nghệ số sẽ giúp hoạt động thanh toán của doanh nghiệp, người dân trở nên an toàn, nhanh chóng và tiện lợi hơn, giảm thiểu đáng kể những sự cố, sai phạm gây mất an ninh, an toàn trong giao dịch tiền bạc trước, trong và sau Tết Nguyên đán.