Nhiều nhà băng trả cổ tức bằng tiền mặt
Trước đó, từ năm 2020, hình thức chi trả cổ tức bằng tiền mặt bị hạn chế do các ngân hàng dành nguồn lực để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đồng thời xử lý các khoản nợ xấu.
Mới đây, tại ĐHĐCĐ thường niên của Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB) đã thông qua phương án trả cổ tức cho cổ đông, với mức chi tối đa 15% cổ tức tiền mặt và 20% cổ phiếu thưởng. Chủ tịch HĐQT VIB Đặng Khắc Vỹ chia sẻ, trước đại dịch Covid-19 ngân hàng thường xuyên chia cổ tức theo 2 dạng là bằng cổ phiếu và tiền mặt. Tuy nhiên, trong 3 năm vừa qua (giai đoạn 2020-2022), việc chia cổ tức bằng tiền mặt phải tạm dừng do NHNN yêu cầu các nhà băng để dành nguồn lực nhằm tăng khả năng chống đỡ rủi ro, thực hiện việc hỗ trợ khách hàng chống chọi và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19.
Một nhà băng khác là Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB) đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 với kế hoạch trả cổ tức với tổng tỷ lệ 25%, trong đó 15% cổ phiếu và 10% tiền mặt (quy mô cổ tức tiền mặt khoảng 3.377 tỷ đồng).
Ảnh minh họa |
Cũng trong tháng 3 vừa qua, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – HoSE: TPB) chốt danh sách cổ đông để thực hiện trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 25%, tương ứng 2.500 đồng/cổ phiếu. Ngày thanh toán cổ tức là 3/4/2023. Nguồn vốn chi trả lấy từ lợi nhuận chưa phân phối, sau khi trích lập các quỹ theo báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán (hơn 5.486 tỷ đồng). Với khoảng 1,58 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, TPBank ước tính chi 3.955 tỷ đồng để trả cổ tức. Đến thời điểm này, TPBank được cho là ngân hàng có tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt nhiều nhất.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – HoSE: VPB) trong tờ trình gửi ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 không đưa ra kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu, mà dự kiến chỉ chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10%, thực hiện vào khoảng quý II - quý III/2023.
Ngoài chia cổ tức bằng tiền mặt, nhiều ngân hàng dự kiến trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Trong đó, trường hợp đáng chú ý nhất là Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - HoSE: EIB). Với hơn 1,229 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Eximbank dự kiến phát hành tối đa gần 245,9 triệu cổ phiếu để trả cổ tức. Nguồn vốn phát hành từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ trong giai đoạn 2017-2021. Sau đợt phát hành kể trên, vốn điều lệ Eximbank sẽ tăng thêm gần 2.459 tỷ đồng, lên mức 14.814 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên Eximbank trả cổ tức cho cổ đông kể từ năm 2014. Lần chia cổ tức gần nhất của ngân hàng này là bằng tiền mặt tỷ lệ 4% trong năm 2013 (thực hiện năm 2014).
Động thái chia cổ tức bằng tiền mặt của các nhà băng diễn ra cho thấy các ngân hàng đang thực thi Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023. Theo đó, nội dung đáng chú ý là NHNN chỉ khuyến khích các nhà băng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường. Điều này đồng nghĩa, các nhà băng trong năm nay có thể chia cổ tức bằng tiền mặt.
Mặt khác, có thể thấy việc loạt nhà băng trình kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt phần nào khẳng định tiềm lực của họ đã được củng cố mạnh mẽ, do trong 3 năm vừa qua liên tục “gia cố” bộ đệm vốn. Dù vậy, trong bối cảnh chất lượng tài sản giữa các nhà băng có sự phân hóa, không phải ngân hàng nào cũng có thể sẵn sàng chia cổ tức bằng tiền.
Theo chia sẻ từ giới chuyên gia chứng khoán, việc trả cổ tức bằng tiền mặt cũng sẽ khiến cổ đông chịu thuế 2 lần. Cụ thể, lần thứ nhất là thuế thu nhập doanh nghiệp (hiện tại đang ở mức 20-22%). Tuy nhiên, tùy vào các lĩnh vực ngành nghề khác nhau mà có những đặc thù ưu đãi về mức thuế riêng biệt. Trong khi đó, lần thứ 2 là phần cổ tức bằng tiền mặt này phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở mức là 5%. Giả sử công ty trả cổ tức là 2.000 đồng thì trên thực tế sau khi trừ các khoản thuế phí, nhà đầu tư chỉ còn nhận lại được mức cổ tức thực tế là 1.900 đồng.
Nhà đầu tư trong giai đoạn trước thường ưa chuộng cổ tức bằng cổ phiếu do các mã cổ phiếu ngân hàng đạt tỷ suất tăng trưởng cao. Tuy nhiên, với việc thị trường chứng khoán biến động sụt giảm trong năm 2023, việc nhiều nhà băng lên kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt sẽ đem lại lợi ích cho các cổ đông. Vì vậy có thể nói động thái này cũng được nhà đầu tư đón nhận tích cực như một tín hiệu vui trong bối cảnh chung còn ảm đạm của thị trường chứng khoán.