Hiệu quả vốn vay tam nông ở Ninh Sơn
Làm giàu từ nông nghiệp công nghệ cao
Ninh Sơn - huyện miền núi nằm ở phía tây bắc của Ninh Thuận, đây là cửa ngõ giao lưu của Ninh Thuận với khu vực Tây Nguyên. Bởi vậy, huyện có vị trí đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, địa phương còn có nhiều cảnh quan thiên nhiên, nhiều điểm du lịch hấp dẫn như các cánh rừng nguyên sinh, đèo Ngoạn Mục, thác Sakai, suối Thương, thác Tiên…
Theo đại diện UBND huyện Ninh Sơn, địa phương là huyện miền núi với 11 nghìn ha đất được sử dụng cho nông nghiệp, trong đó có khoảng 102 ha làm nông nghiệp công nghệ cao. Những năm trước đây, do diện tích nông nghiệp công nghệ cao của địa phương còn ít nên toàn huyện chủ yếu làm nông thuần, đời sống của nhiều hộ dân còn gặp khó khăn.
Thời gian gần đây, cùng với cả Ninh Thuận, huyện Ninh Sơn có chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tuy hiệu quả mang lại cao hơn so với cách làm nông nghiệp truyền thống, song do vốn đầu tư ban đầu khá lớn, nên nhiều hộ nông dân gặp không ít khó khăn khi bắt tay vào làm nông nghiệp công nghệ cao.
Agribank Ninh Sơn luôn chú trọng đầu tư vốn vào lĩnh vực tam nông... |
Thấu hiểu những khó khăn của bà con, là TCTD chủ lực trên địa bàn, Agribank Ninh Sơn đã và đang có nhiều nỗ lực tiếp vốn cho bà con làm nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; mang lại lợi nhuận kinh tế, góp phần giúp nhiều nhà nông vươn lên trở thành những tỷ phú ngay trên mảnh đất quê hương.
Ông Hoàng Quang Siêu, Giám đốc Agribank Ninh Sơn - một người con của quê hương gió lào Quảng Trị, bén duyên và gắn bó với Ninh Sơn từ ngày mới rời ghế nhà trường, đến nay cũng đã ngót nghét mấy chục năm. Trao đổi với phóng viên thoibaonganhang.vn, ông Siêu cho biết, trong số các sản phẩm từ nông nghiệp áp dụng công nghệ cao ở Ninh Sơn, cây dưa lưới đang nổi lên là sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao. Để làm dưa lưới thành công thì không thể trồng theo kiểu truyền thống như dưa hấu hay các loại dưa khác, mà phải đầu tư công nghệ cao.
Để tìm hiểu thực tế nguồn vốn cho tam nông, theo chân cán bộ tín dụng Agribank Ninh Sơn chúng tôi đến trang trại của ông Phạm Quốc Công ở xã Lương Sơn. Ông Công cho biết, vốn đầu tư ban đầu để trồng dưa lưới công nghệ cao không hề nhỏ. Chỉ riêng chi phí làm nhà màng đã mất tới khoảng 350 triệu đồng trên 1.000 m2. Nếu đầu tư hết, gồm cả hệ thống tưới nước, bón phân tự động và các vật liệu khác phải lên tới 450 triệu đồng…
Mô hình trang trại trồng dưa lưới của ông Phạm Quốc Công ở xã Lương Sơn, huyện Ninh Sơn |
Vốn lớn như vậy, nếu không có sự tiếp sức của ngân hàng, bà con chúng tôi chỉ biết… bó tay. Được biết, lúc cao điểm dư nợ của ông Công tại Agribank Ninh Sơn lên đến hơn 3 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đầu tư làm dưa lưới. Hiện, trung bình mỗi năm doanh thu của trang trại đạt gần 4 tỷ đồng, đồng thời tạo việc làm cho 14 lao động ở địa phương với thu nhập 6,5 triệu đồng/tháng.
Gần sát trang trại của ông Công, là trang trại của gia đình anh Đinh Công Vàng, cũng ở xã Lương Sơn. Được biết, trước đây vợ chồng anh chuyên buôn bán các mặt hàng nông sản. Sau này, với món vay đầu tiên 350 triệu đồng từ Agribank, gia đình anh mới bắt đầu chuyển sang mô hình trồng dưa lưới, thu nhập cũng vì thế cũng khá hơn. Đến nay, gia đình anh sở hữu hơn 7 sào dưa lưới theo mô hình công nghệ cao với vốn đầu tư ban đầu 450 triệu/sào.
Nhờ ứng dụng công nghệ tự động vào hệ thống tưới tiêu, phân bón, trang trại dưa lưới của gia đình anh Vàng đã giảm bớt được số lượng nhân công, tăng năng suất lao động, tiết kiệm được không ít chi phí trong quá trình sản xuất. Anh Vàng chia sẻ, Agribank đã hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp và luôn tạo điều kiện cho gia đình được vay tối đa để đầu tư vào sản xuất. Đến nay, kinh tế gia đình đã khá giả hơn, đồng thời còn giải quyết việc làm ổn định cho 16 lao động địa phương…
Ưu tiên vốn cho tam nông
Đồng hành với bà con nông dân, Agribank Ninh Sơn luôn chú trọng đầu tư vốn vào lĩnh vực kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thực hiện tốt các chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị định số 41/2010/NĐ-CP, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ... Tỷ trọng đầu tư cho “tam nông” luôn chiếm trên 85% trong tổng dư nợ của đơn vị.
Với sự tiếp sức của ngân hàng, anh Đinh Công Vàng (giữa) ở xã Lương Sơn đang sở hữu hơn 7 sào dưa lưới theo mô hình công nghệ cao. |
Ông Hoàng Quang Siêu cho biết thêm, đồng hành cùng mục tiêu xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương, Agribank Ninh Sơn luôn nỗ lực hỗ trợ vốn cho người dân với thủ tục nhanh gọn, đúng quy định. Trong đó, nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao của chi nhánh hiện nay chủ yếu tập trung vào các mô hình trồng cây chủ lực như dưa lưới, nho, táo… theo đúng định hướng của địa phương, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới.
Trên thực tế, nguồn vốn của Agribank Ninh Sơn đã góp phần tích cực cùng với địa phương làm chuyển biến bộ mặt nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tỷ trọng nhóm ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ tăng nhanh, ngành nông nghiệp cũng từng bước chuyển hướng sang tập trung đầu tư vào nhóm cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao… Với những góp sức từ ngành Ngân hàng, từ một nền kinh tế chủ yếu nông nghiệp mang tính tự túc, tự cấp, đến nay Ninh Sơn đã chuyển sang nền nông nghiệp mang yếu tố sản xuất hàng hóa. Từng bước xây dựng và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, khai thác tiềm năng du lịch…
Mô hình trồng hoa lan từ vốn vay Agribank ở huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận. |
Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2024, trên địa bàn huyện đã triển khai nhân rộng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng đã mang lại hiệu quả tích cực như, mô hình trồng nho công nghệ cao, chanh không hạt, dưa lưới, hoa lan, chăn nuôi dê, bò, cừu; đồng thời, hình thành vùng cây ăn trái đặc sản có giá trị kinh tế cao không chỉ của Ninh Thuận mà còn của cả khu vực Duyên hải miền Trung… Có thể khẳng định, kinh tế Ninh Sơn trên đà tăng trưởng ổn định, chất lượng đời sống người dân ngày càng được nâng cao, một làn gió mới mới trù phú, thanh bình thực sự đã và đang hiện hữu địa phương được mệnh danh là “phố núi” ở Ninh Thuận.
Cũng theo ông Hoàng Quang Siêu, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục bám sát định hướng phát triển của địa phương để tiếp tục đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn để người dân có điều kiện sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt. Đồng thời, tập trung huy động vốn của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn. Tiếp tục đẩy mạnh cho vay qua tổ liên kết nhằm tăng trưởng tín dụng gắn với mục tiêu phát triển kinh tế tại địa phương và mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương để có sự giúp đỡ của các cấp, các ngành trong việc quản lý nợ, nắm bắt được thông tin khách hàng, hạn chế những rủi ro trong đầu tư tín dụng.