Hỗ trợ là cần thiết, an toàn là tối quan trọng
Giảm lãi suất điều hành: Tạo sức bật cho nền kinh tế | |
Tái cấp vốn 16.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ người lao động | |
Tăng tốc phục hồi nền kinh tế |
Nỗ lực đồng hành hỗ trợ nền kinh tế vượt khó
Ngay khi dịch Covid-19 xảy ra, ngành Ngân hàng đã sớm triển khai các giải pháp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân như cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm các khoản lãi vay (giảm lãi suất các khoản dư nợ cũ, điều chỉnh giảm trần lãi suất cho vay với khách hàng mới); giảm phí thanh toán…
Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với DN mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, tính đến ngày 8/5, toàn hệ thống ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 215 nghìn khách hàng với dư nợ 130 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho 260 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 (ngày Thủ tướng Chính phủ tuyên bố có dịch) đến nay đạt 630 nghìn tỷ đồng cho 182 nghìn khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch; miễn, giảm phí thanh toán khoảng trên 1.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng doanh nghiệp chiếm khoảng gần 80% tổng số đã được TCTD hỗ trợ.
Các ngân hàng cần kiên quyết không hạ chuẩn tín dụng |
Không chỉ vậy, thời gian qua NHNN cũng điều chỉnh giảm phí thanh toán điện tử liên ngân hàng để từ đó các TCTD giảm phí với người dân; đồng thời chỉ đạo Napas giảm phí hai lần, với ước tính số phí giảm năm 2020 lên đến trên 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt, hiện các ngân hàng cũng đang chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn cho các DN vay vốn nhằm thúc đẩy hoạt động kinh tế trở lại. Bởi theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội trên toàn quốc sẽ giúp các hoạt động kinh tế và sản xuất kinh doanh dần trở lại trạng thái bình thường… kéo theo cầu tín dụng tăng trở lại.
“Theo kịch bản cơ sở, chúng tôi hy vọng dịch Covid-19 sẽ dần được kiểm soát trong quý II/2020, do đó tín dụng có thể sẽ tăng trở lại trong quý III và quý IV/2020, cả năm sẽ đạt 11%. Với kỳ vọng tăng trưởng GDP 5%, tỷ lệ tín dụng/GDP dự báo sẽ tăng từ 110% trong năm 2019 lên 116% trong năm 2020”, Công ty Chứng khoán VnDirect nhận định.
Thực tế, tín dụng đã có dấu hiệu tăng tốt trở lại trong 2 tuần cuối tháng 4 vừa qua (tăng 0,52% theo số liệu cập nhật đến ngày 28/4/2020), qua đó giúp tín dụng 4 tháng đầu năm tăng 1,32% so với cuối năm 2019. Giả định TTTD thực tế 2020 đạt mức 11% như dự báo trên, sẽ còn dư địa 9,7% TTTD cho 8 tháng còn lại của năm nay - dù khá cao nhưng hoàn toàn hợp lý trong bối cảnh nếu dịch bệnh được kiểm soát và kinh tế phục hồi sau dịch khiến nhu cầu tín dụng tăng trở lại.
Hiện các ngân hàng cũng đã sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng cho nhu cầu này. Bằng chứng là thanh khoản của hệ thống đang rất dồi dào. Báo cáo vĩ mô của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, thanh khoản hệ thống ngân hàng được dự báo sẽ ở trạng thái dồi dào trong tháng 5 do tín dụng sẽ vẫn tăng trưởng yếu trong khi dự kiến sẽ có một lượng vốn lớn quay trở lại hệ thống trong tháng này qua kênh tín phiếu (phát hành hồi tháng 2, kỳ hạn 91 ngày). Lượng vốn đáo hạn này ước tính đạt trên 120 nghìn tỷ đồng. Theo đó, lãi suất liên ngân hàng sẽ duy trì ở mặt bằng thấp và tỷ lệ trúng thầu trái phiếu chính phủ có thể sẽ có sự cải thiện trong tháng 5.
Hóa giải rủi ro nợ xấu tăng
Ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam cho rằng, chắc chắn trong bối cảnh nới lỏng giãn cách, các DN dần hoạt động trở lại thì nhu cầu tín dụng sẽ tăng lên. Tuy nhiên, tín dụng sẽ tăng ở mức nào cần phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của DN chứ không nên ép phải tăng bởi như vậy khiến nguy cơ nợ xấu gia tăng mạnh trong tương lai.
Cùng quan điểm này, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Vietnam khẳng định, các động thái như giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi… với quy mô khoảng 300 nghìn tỷ đồng cho thấy nỗ lực của ngành Ngân hàng nhằm chia sẻ với DN. Tuy nhiên, điều này cũng khiến ngành Ngân hàng gánh chịu nhiều rủi ro hơn trong ngắn và trung hạn, nổi lên là nguy cơ gia tăng nợ xấu. Trong khi việc cho phép giữ nguyên nhóm nợ chỉ có ý nghĩa trì hoãn, không làm tăng đột biến nợ xấu ngay lúc này. Nếu các DN được giữ nhóm nợ nhanh chóng phục hồi và hoàn trả nợ được đúng hạn thì tỷ lệ nợ xấu sẽ không tăng trong tương lai. Nhưng nếu các DN tiếp tục gặp khó khăn không trả được nợ thì nợ xấu tăng mạnh là điều khó tránh khỏi.
Tuy nhiên theo TS. Bình, một lần cho phép hoãn giãn không chuyển nhóm nợ là điều có thể chấp nhận được trước diễn biến bất ngờ xuất hiện của đại dịch Covid-19, nhưng không nên tiếp tục lần nữa, bởi sẽ gây ra những hệ luỵ rất lớn cho an toàn của hệ thống, cho từng ngân hàng và về lâu dài sẽ khiến chi phí vay vốn tăng lên. Đặc biệt, “các ngân hàng cần kiên quyết không hạ chuẩn khi cho vay, bởi nới lỏng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn tín dụng, tới hoạt động của ngành Ngân hàng và dễ dẫn tới nguy cơ gia tăng nợ xấu trong dài hạn”, chuyên gia này nhận định và đề xuất: “Tín dụng cần hướng đến những DN có khả năng phục hồi, những DN sử dụng nguồn vốn tín dụng một cách tốt nhất. Gia tăng nợ xấu lớn sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự vững mạnh của hệ thống ngân hàng, vốn là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển kinh tế bền vững trong trung và dài hạn. Vì thế, đây là lúc cần xác định những điểm giới hạn các nỗ lực hỗ trợ của ngành Ngân hàng đối với nền kinh tế”.
Trong giai đoạn hiện nay, theo ông Nguyễn Minh Cường, vấn đề cần lưu tâm hơn là cần cân đối giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, tránh gây áp lực quá lớn cho hệ thống ngân hàng để trước mắt là hạn chế tăng nợ xấu và quan trọng hơn là đảm bảo an toàn của hệ thống. Giải pháp tốt nhất lúc này là tập trung và tăng cường hơn nữa các hỗ trợ từ phía chính sách tài khóa (không nên quá quan ngại về các yếu tố như nợ công, thâm hụt ngân sách trong thời điểm này), bởi nôm na hãy coi thời điểm hiện nay là giai đoạn cần cấp cứu. “Còn trong giai đoạn tiếp theo khi nền kinh tế dần bình phục và nhu cầu tín dụng tăng lên thì lúc đó vốn từ ngân hàng bơm ra sẽ hiệu quả hơn, tránh trường hợp đúng giai đoạn cần phục hồi mà hệ thống ngân hàng lại “hết đạn”, khó khăn bởi nợ xấu cao thì nền kinh tế còn khó vực dậy hơn”, chuyên gia này nói.