Hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng hiệu quả thi hành án tín dụng ngân hàng
Ngân hàng lại đơn thương độc mã xử lý nợ xấu Ngân hàng gia cố “hàng rào” bảo vệ khách hàng |
Thi hành án tín dụng ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc
Trong thời gian qua, đặc biệt là từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp và hệ lụy của hậu đại dịch COVID-19 đã gây nhiều tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thu nhập của người dân khó khăn, nợ xấu ngành Ngân hàng có xu hướng tăng cao (theo số liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 6/2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã lên mức 4,56%. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho VAMC... thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 6,44%.)
Quang cảnh Toạ đàm |
Trong bối cảnh đó, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, hoạt động của các Cơ quan Thi hành án dân sự có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc thu hồi nợ của các TCTD. Mặc dù công tác phối hợp giữa Cơ quan thi hành án dân sự và các TCTD đã có chuyển biến tích cực, tuy nhiên việc thi hành án tín dụng ngân hàng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến khả năng thi hành bản án bị hạn chế, hiệu quả thu hồi nợ của TCTD chưa đáp ứng yêu cầu bởi nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân nguyên nhân chủ yếu là quy định pháp luật thi hành án và pháp luật liên quan chưa đồng bộ, chưa thống nhất, chưa rõ ràng, cụ thể.
Xuất phát từ thực tiễn, ông Hùng cho biết, Tổng cục Thi hành án - Bộ Tư pháp đã đề xuất trình Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định 62/2015/NĐ-CP về quy định chi tiết, hướng dẫn một số điều của Luật Thi hành án dân sự, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong quá trình thi hành án các bản án nói chung cũng như các bản án về tín dụng nói riêng; đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho công tác thi hành án dân sự.
Thông tin tại Toạ đàm, ông Nguyễn Thành Long – Chủ nhiệm CLB Pháp chế cho hay, mặc dù Tổng cục thi hành án dân sự và các cơ quan có liên quan đã tích cực, quyết liệt, thực hiện nhiều biện pháp giúp đẩy mạnh công tác thi hành án dân sự các cấp, góp phần giúp các ngân hàng thu hồi sớm các khoản nợ tồn đọng, khai thông dòng vốn tín dụng, song thực tế tại các ngân hàng vẫn còn tồn tại nhiều vụ việc thi hành án bị trì hoãn trong thời gian dài, số lượng án tồn đọng còn nhiều, ảnh hưởng đến kết quả thu hồi nợ xấu của các ngân hàng. Qua tổng hợp số liệu của 15 ngân hàng hội viên, đến nay có 399 vụ việc thi hành án có khó khăn, vướng mắc, trong đó tập trung vào các địa bàn lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nghệ An... Trong 2 năm qua, Hiệp hội ngân hàng đã có nhiều văn bản kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét tháo gỡ. Theo đó, một số kiến nghị đã được Bộ Tư pháp và các Bộ ngành tiếp thu sửa đổi tại các văn bản Luật và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thời gian qua và tại các dự thảo văn bản đang được lấy ý kiến như dự thảo sửa đổi Nghị định 62/NĐ-CP... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập của pháp luật, nhất là pháp luật THA chưa được xem xét tháo gỡ, làm quá trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng kéo dài, nhiều vụ việc tồn đọng nhiều năm chưa được xử lý.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, hoạt động của các Cơ quan Thi hành án dân sự có vai trò vô cùng quan trọng đối với việc thu hồi nợ của các TCTD |
Chia sẻ thêm lý do thi hành án tín dụng ngân hàng còn chậm, bà Tạ Thị Hồng Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ 11 VKSNDTC cho biết, án liên quan đến tín dụng ngân hàng là án lớn, luôn chiếm tỉ lệ cao, rất quyết tâm để thi hành, nhưng do tài sản thế chấp, do bản án tuyên không rõ, dẫn đến khó thi hành, khó cưỡng chế, chưa có căn cứ để ra qđ chưa có đk vì vẫn còn ts, nêu xếp chưa có điều kiện thì lại bị xác định là vi phạm và bị vks kiến nghị, kháng nghị; không xếp thì ảnh hưởng chỉ tiêu… Đây là những ý do khách quan dẫn đến việc khó thi hành của CQ THADS đối với các vụ việc tín dụng Ngân hàng.
Ngoài ra cũng có một số lỗi cho chủ quan của cơ quan THA như việc xác định bản án khó thi hành. Thực tế, quá trình kiểm sát đã phát hiện nhiều trường hợp vụ việc, Bản án tuyên không rõ nhưng Cơ quan THADS không có văn bản hỏi Toà án hoặc có nhưng cách cách hỏi Tòa không rõ ý dẫn dến Toà án trả lời chung chung nên vẫn không thể thi hành án. Ngược lại, có trường hợp, theo nội dung Bản án tuyên vẫn rõ, có thể thi hành nhưng CQ THADS khi nghiên cứu đã hiểu không đúng nên cho rằng khó thi hành. Ví dụ như vụ Quảng Ninh có lỗi cả của Tòa và THA đãn đến vụ việc kéo dài. Trong một số vụ việc, xuất phát từ việc thẩm định tài sản của Ngân hàng hoặc việc xét xử chưa đảm bảo của Toà án dẫn đến tài sản bảo đảm bị sai lệch nhưng cơ quan THADS không thực hiện quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm Bản án, Quyết định mà vẫn cố tổ chức thi hành dẫn đến việc sau khi thẩm định giá, bán đấu giá không giao được tài sản cho người trúng đấu giá hoặc giao được nhưng tài sản không còn đảm bảo công năng như một tài sản thông thường. Ví dụ như vụ việ 73 Lý Nam Đế, Ngân hàng đã đồng ý cho người vay thế chấp một phần Toà nhà trên đất, khi xét xử Toà án cũng tuyên theo hợp đồng thế chấp dẫn 6 đến, khi THA, cơ quan THA cũng không làm rõ mà cố thi hành, chỉ bán một nửa Toà nhà không đảm bảo công năng, gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân và Nhà nước. Như vậy, về phía cơ quan THA, là chủ thể trung tâm trong công tác THA, cần phải chủ động phối hợp với VKS, chủ động xin ý kiến của Ban chỉ đạo THA và cơ quan THADS cấp trên để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Trong trường hợp chưa đủ căn cứ xử lý thì kiên quyết yêu cầu các cơ quan liên quan làm rõ trước khi kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá để đảm bảo quyền lợi cho ngân hàng, nhà nước và các cá nhân khác.
Hoàn thiện thể chế, tăng hiệu quả thi hành án, thu hồi tài sản đảm bảo
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc nêu trên và nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự nói chung và THADS liên quan đến các TCTD nói riêng ông Long khẳng định cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Luật Thi hành án năm 2008 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014, tuy nhiên đến nay từ những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn, ông Nguyễn Thành Long đề nghị Tổng Cục THA xem xét sớm đề xuất sửa đổi Luật THADS và Nghị định 62, đặc biệt là các quy định về thời gian thực hiện thủ tục cưỡng chế THA, thời hạn tối đa cơ quan THA phải giao tài 7 sản cho người mua trúng đấu giá, thủ tục đấu giá rút gọn, tạm ngưng THA, ủy thác xử lý TSBĐ, xử lý các tài sản đặc thù như cổ phần, cổ phiếu, phần vốn góp... Đối với các trường hợp một TSBĐ cho nhiều khoản vay hoặc một khoản vay được bảo đảm bằng nhiều tài sản thì Cơ quan THA phải xử lý tất cả tài sản thế chấp để thu hồi các khoản vay của khách hàng mà không yêu cầu Ngân hàng xác định lại tỷ lệ, phạm vi bảo đảm của tài sản thế chấp.
Đối với các trường hợp khiếu nại về thi hành án, cần quy định cụ thể những trường hợp nào người có thẩm quyền khiếu nại sẽ ra quyết định tạm ngừng thi hành án, tạm dừng việc thực hiện quyết định, hành vi về thi hành án, nhằm tránh việc người phải thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình lợi dụng việc khiếu nại liên tục nhưng không có căn cứ để trì hoãn việc thi hành nghĩa vụ theo bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án.
Để việc thi hành án, thu hồi tài sản đảm bảo được hiệu quả hơn, đại diện CLB Pháp chế ngân hàng đã đề xuất sửa đổi một số quy định đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 62/2015/NĐ-CP và một số khó khăn, vướng mắc khác tại Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP) đề nghị hướng dẫn, quy định cụ thể; Nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn cụ thể quy định Luật THADS 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).
Ngoài giải pháp trên, cơ quan THA thực hiện đúng theo Bản án, Quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án theo các nội dung được Quy định tại Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ; Có ý kiến với Cơ quan quản lý đất đai, Bộ TN&MT và các ban ngành có liên quan để hướng dẫn thống nhất trường hợp xử lý tài sản là QSD đất mà diện tích sau khi đo đạc thực tế có sự sai lệch so với giấy chứng nhận đã được cấp thì vẫn được xử lý để thanh toán cho người được THA; Đề nghị cần tăng quyền cho Thừa phát lại được thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan THA, việc này sẽ giảm bớt áp lực về lượng hồ sơ tồn đọng của Cơ quan THA...
Góp ý cụ thể hơn, đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP), bà Nguyễn Thị Phương – Phó Chủ nhiệm CLB Pháp chế cho biết, tại Khoản 2 Điều 1 dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 5 của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 của Nghị định số 33/2020/NĐ-CP quy định khi đương sự có yêu cầu, Chấp hành viên có trách nhiệm chứng kiến và ký tên vào văn bản thỏa thuận trong trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 của Điều này. Việc chứng kiến thỏa thuận phải được thực hiện tại trụ sở cơ quan thi hành án dân sự hoặc ngoài trụ sở đối với các trường hợp đương sự yêu cầu chứng kiến thỏa thuận tại nơi cư trú của người phải thi hành án, nơi có tài sản thi hành án. Văn bản thỏa thuận phải có chữ ký của người làm chứng hoặc đại diện chính quyền cấp xã hoặc tổ dân phố nơi chứng kiến thỏa thuận.
Theo bà Phương, việc yêu cầu văn bản thỏa thuận phải có chữ ký của người làm chứng hoặc đại diện chính quyền cấp xã hoặc tổ dân phố nơi chứng kiến thỏa thuận là không cần thiết trong nhiều trường hợp và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện việc hòa giải. Ví dụ trường hợp đương sự gặp vấn đề về sức khỏe (nhưng không ảnh 2 hưởng đến khả năng nhận thức, năng lực hành vi) thì việc thỏa thuận tại nơi cư trú của đương sự chỉ khác với thỏa thuận tại CQTHA là địa điểm thực hiện thỏa thuận, mà thỏa thuận tại CQTHA lại không cần người làm chứng hay địa diện chính quyền địa phương. Nội dung “tại nơi cư trú của người phải thi hành án, nơi có tài sản thi hành án” chỉ phù hợp với người phải THA là cá nhân, không phù hợp với tổ chức. Ngoài ra, đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định về việc thỏa thuận có thể tại nơi cư trú, trụ sở của người được THA để bảo đảm quyền công bằng cho các bên, cụ thể sửa thành: “… tại nơi đương sự cư trú, có trụ sở hoặc nơi có tài sản thi hành án.”
Một số khó khăn, vướng mắc khác tại Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP) được các TCTD đề nghị hướng dẫn, quy định cụ thể. Đơn cử, về việc không xác định được tài sản thế chấp ở đâu Đề nghị ban soạn thảo bổ sung, sửa đổi tại Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐCP các quy định về cơ chế phối hợp hoặc cho phép CQTHA có thẩm quyền kê biên tài sản tại địa phương khác đối với một số tài sản đặc thù như Tàu, Ô tô, …khi các tài sản này di chuyển liên tục qua lại trên các địa bàn khác nhau. Do chưa có quy định pháp luật hướng dẫn nên thực tế công tác kê biên tài sản/THA/gặp rất nhiều trong việc xác minh, kê biên tài sản đối với một số tài sản đặc thù như Tàu, Ô tô… khi các tài sản này di chuyển liên tục qua lại trên các địa bàn khác nhau.
Hay như về trình tự, thủ tục xác định giá trị tài sản trước khi tiến hành kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp để thi hành án Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2020/NĐ-CP) chưa có quy định hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện việc xác định giá trị tài sản, cụ thể như: Cách thức xác định giá trị tài sản? Việc xác định giá có cần phải ký hợp đồng với công ty thẩm định giá hay do CHV tự xác định? Việc xác định giá trị tài sản sẽ được dựa trên các yếu tố nào? Đề nghị hướng dẫn cụ thể tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung này.
Trước những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động THADS liên quan đến án tín dụng, ngân hàng, bà Hoa đề xuất, kiến nghị Bộ Tư pháp, NHNN tiếp tục quan tâm hơn, kịp thời chỉ đạo các nội dung còn vướng mắc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn theo phản ánh của các đơn vị theo thẩm quyền (về cơ chế, về quy định pháp luật…), đa dạng hóa các phương pháp phối hợp để nâng cao hiệu quả của công tác THADS liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng. Cơ quan THA tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban chỉ đạo THADS tỉnh, tranh thủ sự ủng hộ, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành trong công tác THADS; chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và Ban Chỉ đạo THADS trong việc chỉ đạo phối hợp thi hành án.