Ngân hàng lại đơn thương độc mã xử lý nợ xấu
Xử lý nợ xấu còn gặp nhiều trắc trở Xử lý nợ xấu: Ngân hàng chủ động, nhưng cần sự phối hợp |
Khoảng trống pháp lý xử lý nợ xấu
Tổng nợ xấu nội bảng, nợ tại VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống các TCTD tính đến cuối tháng 6/2024 chiếm 6,44% tổng dư nợ.
TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, các TCTD đã tích cực triển khai nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu, nỗ lực sử dụng nguồn lực để xử lý rủi ro... Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD tiếp tục có xu hướng gia tăng. Số liệu của 29 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý II/2024 cho thấy, tính tới cuối tháng 6/2024, có tới 24/29 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng so với cuối năm 2023.
Theo chia sẻ của ông Đỗ Giang Nam - Thành viên HĐTV VAMC, nợ xấu tăng nhưng công tác thu hồi nợ, xử lý nợ của các ngân hàng đang gặp nhiều trở ngại. Do thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh thanh lý tài sản để thu hồi nợ, nhưng do thanh khoản yếu nên nhiều bất động sản có giá trị lớn phải giảm giá mạnh mà vẫn “ế ẩm”.
Ngoài yếu tố thị trường, việc xử lý nợ xấu chậm hơn còn do cơ chế. Việc một số quy định quan trọng trong Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội quy định về thí điểm xử lý nợ xấu không được luật hóa tại Luật Các TCTD 2024 đã hạn chế quyền của các chủ thể xử lý nợ. Cụ thể, Luật Các TCTD 2024 bổ sung quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm nhưng không có quy định về quyền thu giữ tài sản của ngân hàng. Bộ luật Dân sự và các văn bản hướng dẫn cũng chỉ quy định nghĩa vụ bàn giao tài sản bảo đảm của bên giữ tài sản, mà không trao quyền chủ động thu giữ tài sản cho bên nhận bảo đảm.
“Nghị quyết 42 hết hiệu lực đã tạo khoảng trống pháp lý, thiếu cơ chế cho phép TCTD thu giữ tài sản bảo đảm. Địa phương và cơ quan công an cũng không có cơ sở pháp lý hỗ trợ quyết liệt việc xử lý tài sản bảo đảm như trước đây. Không ít khách hàng doanh nghiệp, cá nhân không hợp tác với các TCTD trong việc bàn giao tài sản và xử lý nợ. Như vậy, nếu khách hàng không bàn giao tài sản thì ngân hàng phải chuyển sang xử lý nợ xấu theo cơ chế tố tụng. Việc dắt nhau ra tòa xử lý là vô cùng khó khăn, kéo dài thời gian và tăng chi phí. Ngân hàng lại đang tiếp tục đơn thương độc mã xử lý nợ xấu như giai đoạn trước đây”, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhìn nhận.
Theo nhận định của ông Hùng, với tình trạng hiện nay, việc nhiều khách hàng vay chây ỳ không trả nợ sẽ ảnh hưởng đến những người có nhu cầu vay vốn trong thời gian tới. Bởi ngân hàng sẽ làm chặt chẽ hơn trong các quy trình thủ tục. Chưa nói đến vốn đọng tạo áp lực lãi suất cho vay tăng cao vì khoản vốn cho vay không thu hồi được phải trích lập dự phòng rủi ro làm tăng chi phí vốn.
Rất cần gỡ vướng pháp lý cho công tác thu hồi nợ |
Gỡ vướng pháp lý cho công tác thu hồi nợ
Bà Phạm Thuý Hạnh - Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng, các vướng mắc về mặt pháp lý là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiệu quả của công tác xử lý nợ xấu chưa cao. Quy định của pháp luật đối với việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn bất cập làm hạn chế tiến độ, hiệu quả của việc xử lý nợ xấu trong ngành Ngân hàng; TCTD và VAMC không được chủ động toàn quyền xử lý tài sản bảo đảm khi khách hàng vay không trả được nợ.
Nợ xấu gia tăng, thu hồi nợ gặp khó khăn, một vấn đề lo ngại nữa là tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng giảm. Hiện tại, toàn hệ thống chỉ còn 6 ngân hàng có quỹ dự phòng rủi ro đủ sức bao phủ trên 100% nợ xấu, bao gồm nhóm Big 4 và MB, Techcombank, trong khi đang có hơn chục ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu chỉ dưới 50%. Chỉ báo này được xem là “bộ đệm rủi ro” cho các ngân hàng đang mỏng dần. Điều này, theo đánh giá của ông Quản Trọng Thành, Giám đốc khối phân tích CTCK Maybank, hệ thống ngân hàng dễ gặp rủi ro hơn trong cuối năm nay so với vị thế trước đây.
Trước mắt, trong khi chờ đợi sửa đổi, bổ sung cơ chế, lãnh đạo một ngân hàng cho biết, ngân hàng thành lập trung tâm xử lý ở trụ sở chính, phân tích chi tiết từng khoản nợ thu hồi xử lý từ Trung ương đến địa phương. Sau này, kỳ vọng hành lang pháp lý được hoàn chỉnh hơn, tích hợp dữ liệu dân cư chấm điểm tín dụng, người vay sẽ có trách nhiệm hơn khi vay phải trả nợ. “Hiện vẫn chưa có cái nhìn công bằng đối với ngân hàng. Tại sao nợ thuế thì cấm xuất cảnh, còn nợ ngân hàng hàng chục nghìn tỷ vẫn đàng hoàng đi không có động tĩnh”, vị này chia sẻ.
Chủ tịch HĐTV Agribank thì đề nghị các bộ, ngành, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ các TCTD trong quá trình xử lý nợ xấu, thu giữ tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu. Trong đó, công tác tố tụng giải quyết vụ án tại tòa án các cấp và thi hành án cần được giải quyết rút gọn, đẩy nhanh tiến độ.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm cũng thừa nhận, khung pháp lý cũng như thực tiễn về xử lý tài sản bảo đảm vẫn còn tồn tại một số vướng mắc nhất định. Do vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để đảm bảo hơn nữa quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm. Qua đó, khuyến khích và tăng cường hơn nữa hoạt động cấp vốn để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.