Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng lần thứ năm
Thành tựu kinh tế nổi bật năm 2024
Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vùng Đồng bằng sông Hồng phải tăng trưởng 2 con số để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh và thịnh vượng của đất nước như định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
"Nếu vùng Đồng bằng sông Hồng không tăng trưởng 2 con số thì vùng nào tăng trưởng được?", Thủ tướng đặt vấn đề và yêu cầu các đại biểu tập trung bàn các giải pháp để tăng trưởng 2 con số với tinh thần "Đảng chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi".
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, đã có quy hoạch rồi thì phải làm đúng quy hoạch, đặc biệt là khai thác các không gian mới như không gian vũ trụ, không gian ngầm… để phục vụ phát triển đất nước.
Trình bày báo cáo tóm tắt về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 của vùng, hoạt động của Hội đồng vùng và định hướng cho năm 2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2024, Đồng bằng sông Hồng tiếp tục khẳng định vai trò động lực của nền kinh tế cả nước với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,9%, vượt mức bình quân cả nước (7,09%) và xếp thứ hai trong sáu vùng kinh tế. Bốn địa phương gồm Hải Phòng, Hà Nam, Hải Dương và Nam Định đạt mức tăng trưởng ấn tượng trên 10%, thuộc Top 10 cả nước.
Về thu ngân sách, Đồng bằng sông Hồng đứng đầu cả nước năm thứ hai liên tiếp với tổng thu ngân sách nhà nước đạt 815,65 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,1% tổng thu cả nước. Hà Nội và Hải Phòng dẫn đầu với những con số ấn tượng, trong đó Hà Nội lần đầu vượt mốc 500 nghìn tỷ đồng.
Xuất khẩu của vùng đạt trên 132 tỷ USD, chiếm gần 32,5% giá trị xuất khẩu cả nước, tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu. Đặc biệt, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ghi nhận bước nhảy vọt với tổng vốn đăng ký đạt 20 tỷ USD, chiếm 52,6% cả nước. Quảng Ninh lần đầu tiên vươn lên vị trí thứ hai toàn quốc với vốn FDI đạt 2,29 tỷ USD, chỉ sau Bắc Ninh với tổng vốn đăng ký gần 5,12 tỷ USD.
Nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ
Năm 2024, Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng đã triển khai nhiều hoạt động quan trọng. Chủ tịch Hội đồng đã giao 18 nhiệm vụ, trong đó 6 nhiệm vụ đã hoàn thành; 11 nhiệm vụ chưa thể hoàn thành theo thời gian quy định do vẫn gặp khó khăn do tính chất phức tạp và dự kiến báo cáo cấp có thẩm quyền cho tiếp tục triển khai trong năm 2025; 1 nhiệm vụ, đề án đến nay chưa triển khai (Xây dựng mô hình bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu vực đa dạng sinh học cao, dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Hồng do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì).
Bên cạnh đó, việc thực hiện các dự án trọng điểm còn chậm do hạn chế về nguồn lực. Cùng với đó, chưa có nhiều mô hình liên kết giữa các địa phương trong vùng để hỗ trợ các doanh nghiệp hình thành cụm liên kết ngành (như liên kết chuỗi sản xuất nông nghiệp, liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và FDI,...). Kết cấu hạ tầng giao thông kết nối mặc dù có nhiều cải thiện nhưng chưa đồng bộ, hạ tầng ven biển còn yếu.
Tuy nhiên qua 12 tháng triển khai một số dự án quan trọng, liên kết vùng đã có chuyển biến rõ rệt đặc biệt, cụ thể như: Đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 dự án trong năm 2024 (Dự án cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng và thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, vượt tiến độ 5 tháng; Dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định); Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội chính thức vận hành thương mại 8,5 km đoạn đi trên cao từ tháng 11/2024; khởi công máy khoan hầm số 2 từ tháng 1/2025; Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đến nay đã giải phóng mặt bằng và bàn giao đạt 97,6% trên toàn tuyến…
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhiệm vụ của năm 2025 là rất nặng nề, vừa phải tăng tốc, bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2025 và toàn khóa, vừa đẩy mạnh đột phá về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tại Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, vừa thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng nên cần có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của các ngành, các cấp, các địa phương trong đó có Hội đồng vùng Đồng bằng sông Hồng.
Để hoàn thành các nhiệm vụ nêu trên, dự kiến hoạt động của Hội đồng vùng trong năm 2025 sẽ tập trung vào ba nhóm nhiệm vụ lớn. Trước hết, tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến các nghị quyết của Đảng và Chính phủ, các chương trình, kế hoạch hành động của bộ, địa phương để đạt hiệu quả cao nhất. Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh đối với các địa phương chưa hoàn thành để làm cơ sở thực hiện. Thứ ba, các bộ, địa phương tiếp tục triển khai các nhiệm vụ đã giao trong năm 2024 và đề xuất các nhiệm vụ cần thiết cho hoạt động của Hội đồng năm 2025.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải hành động quyết liệt nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số vào năm 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng, chỉ đạo các bộ, địa phương liên quan khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại kế hoạch hoạt động năm 2024 theo đúng tiến độ. Đối với các nhiệm vụ, đề án đề xuất không thực hiện, đề nghị báo cáo theo đúng thẩm quyền.
Các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện quyết liệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số trong năm 2025. Các địa phương phải xác định mục tiêu đột phá cho giai đoạn tới; chủ động, linh hoạt hóa giải khó khăn, thách thức, khai thác tối đa thời cơ, cơ hội cho phát triển. Các địa phương đầu tàu trong vùng như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các địa phương khác vùng phải tăng trưởng hai con số, dẫn dắt tăng trưởng của cả nước.
Tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt đầu tư xã hội, thúc đẩy hợp tác công tư; kịp thời rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án, nhất là các dự án, công trình quan trọng quốc gia, các Chương trình mục tiêu quốc gia để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông chiến lược, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh…
Với vị trí là trung tâm lớn về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo lớn nhất của cả nước, vùng cần xác định đây là động lực tăng trưởng trong năm 2025 và những năm tiếp theo, đề nghị các địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, tập trung tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức xã hội về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và nhân dân trong thực hiện cuộc cách mạng về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Với TP. Hà Nội cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện Luật Thủ đô để xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đúng theo kế hoạch; tập trung các giải pháp tăng tốc, bứt phá, khẳng định vai trò trung tâm, động lực dẫn dắt vùng Đồng bằng sông Hồng, sẵn sàng tiến vào Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên giàu mạnh, thịnh vượng của đất nước.
Công tác quy hoạch được xác định là nền tảng quan trọng để định hướng phát triển lâu dài. Bộ trưởng đề nghị các địa phương nhanh chóng xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, nhằm làm cơ sở triển khai các chương trình, dự án trong giai đoạn 2026-2030.