Kiên định chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt
Điều hành chắc tay
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thời gian qua, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, trong đó nhiều yếu tố bất lợi đến kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam trong cả trước mắt và lâu dài; đặc biệt áp lực lạm phát tăng cao. Trước bối cảnh khó khăn đó, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè đối tác quốc tế, Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thị trường vốn, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, thúc đẩy tăng trưởng. Trong quý III, nếu không có thay đổi lớn thì dự kiến tăng trưởng GDP sẽ đạt hơn 7%. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về tình hình và triển vọng phát triển của Việt Nam. Mới nhất, hãng đánh giá tín dụng Moody's vừa nâng xếp hạng của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2, với triển vọng ổn định. Nikkei đánh giá chỉ số phục hồi Covid-19 của Việt Nam xếp thứ 2 thế giới, tăng 12 bậc. WB, IMF nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam.
Chính sách tiền tệ hỗ trợ tích cực cho phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng |
Tại hội nghị, các chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) chủ động, linh hoạt của NHNN, qua đó đã đóng góp tích cực trong kết quả tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát trong 8 tháng đầu năm. GS. Hoàng Văn Cường - Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân nhìn nhận, kết quả tăng trưởng trong 8 tháng vừa qua, hết sức ngoạn mục. Điều này không phải ngẫu nhiên mà đây là một kết quả của việc chúng ta kiên định trong ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện nhiều biện pháp điều hành linh hoạt, gần như “nghệ thuật” điều hành. Trong đó NHNN điều hành CSTT rất “chắc tay”.
TS. Trần Hoàng Ngân - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, trong thời điểm hiện nay, điều hành CSTT gặp nhiều khó khăn và thách thức không chỉ ở Việt Nam mà NHTW trên thế giới đều “đau đầu” trong việc làm sao giải quyết hài hòa giữa kiểm soát lạm phát nhưng lại chống được suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, NHNN điều hành CSTT khá thành công.
“Điều hành CSTT hướng tới 3 mục tiêu. Thứ nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát hiện đang được kiểm soát tốt. Thứ hai là thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm thì kinh tế đang tăng trưởng tốt. Thứ ba là ổn định an ninh tài khoá, hệ thống ngân hàng quốc gia ổn định, hệ thống của chúng ta đang ổn định. Từ kết quả trên cho thấy, 8 tháng qua điều hành CSTT của NHNN đang đi đúng hướng”, TS. Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Ông Francois Phainchaud - Trưởng Văn phòng Đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế tại Việt Nam (IMF) cũng ghi nhận, NHNN có vai trò rất quan trọng, nỗ lực điều hành CSTT chặt chẽ góp phần kiểm soát lạm phát tốt, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá… Ông Andrew Jeffries - Giám đốc ADB tại Việt Nam nhận xét, những nền tảng của nền kinh tế cũng đang được phục hồi nhanh, đặc biệt, chính sách tài khóa và tiền tệ đã phát huy rất hiệu quả, tác động rất tích cực đến tiêu dùng.
Tiếp tục điều hành linh hoạt, thận trọng
Dự báo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, nhưng tăng trưởng kinh tế khả năng sẽ khó khăn hơn trong quý IV/2022 và năm 2023. Theo đó, tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trong khi rủi ro, thách thức tới tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô là rất lớn, nhất là áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất, rủi ro về chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó là sự điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta…
Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia trong nước và quốc tế cho rằng, giữ vững ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô cùng với tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ là nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển. TS. Trương Văn Phước – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhấn mạnh, Việt Nam cần tiếp tục kiên định ổn định tỷ giá.
Ông Francois Phainchaud cũng khuyến nghị, NHNN tiếp tục điều hành CSTT cần hết sức thận trọng và tính toán kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, cần tiếp tục xử lý vấn đề nợ xấu, các rủi ro tiềm tàng; tiếp tục tăng cường quản lý hệ thống ngân hàng với những chính sách cẩn trọng để phát triển thị trường vốn bền vững...
Còn ông Andrea Copppla - Kinh tế trưởng WB tại Việt Nam cho rằng, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần điều hành cân đối giữa chính sách tài khóa và tiền tệ để vừa phục hồi nền kinh tế vừa kiểm soát lạm phát trước áp lực đang ngày càng gia tăng và có những yếu tố bất ổn trong nền kinh tế. Đặc biệt, cần có một chính sách tài khóa hợp lý để có thể xử lý và phát huy hiệu quả hơn nữa những khoản đầu tư công.
Đồng quan điểm, TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bày tỏ lo ngại, nếu đầu tư công “bơm máu” chậm cho nền kinh tế sẽ chuyển gánh nặng lên phía ngân hàng, thị trường tài chính. Vì vậy, phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ là khâu quyết định bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô không gây ra những căng thẳng cho nền kinh tế. “Ba yếu tố đầu tư công, thị trường vốn dài hạn và cho vay ngắn hạn cần được căn chỉnh để không mất cân đối là vấn đề mấu chốt cho ổn định tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới. Căng thẳng về room tín dụng như truyền thông đưa gần đây, không hẳn chỉ là câu chuyện của ngân hàng mà cho thấy việc đầu tư công phải mạnh hơn nữa và thị trường vốn phải vận hành tốt hơn nữa”, TS. Thiên nêu rõ.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam xác định ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội là một mục tiêu ưu tiên vừa mang tính cấp bách, vừa mang tầm chiến lược và cũng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong thời gian còn lại năm 2022 và những năm tiếp theo…
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai 13 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Cụ thể, đối với NHNN điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, nhưng bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, hiệu quả; tăng trưởng tín dụng hợp lý; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khoá để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, hỗ trợ tích cực CSTT. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tăng cường công khai, minh bạch, phát triển ổn định, lành mạnh thị trường chứng khoán, thị trường TPDN để tạo kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, trong đó sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ...