Kiều hối - nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế
Việt Nam lọt tốp 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới | |
Kiều hối vẫn duy trì “phong độ” |
Một trong những thông tin vui trong những ngày đầu năm 2023 đó là Việt Nam tiếp tục lọt top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới.
Tại Báo cáo về Di trú và Phát triển do WB và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) thực hiện đánh giá Việt Nam xứng đáng vươn tới vị thế “con hổ mới châu Á” khi tiếp tục là một trong 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới. Cụ thể, theo số liệu của WB và KNOMAD, tổng lượng kiều hối về Việt Nam tăng trưởng gần 5% trong năm 2022 và từ 3,6-4,5% trong năm tiếp theo, sau khi ghi nhận mức tăng 5% trong năm 2021.
Mức tăng này tương đương khoảng 1 tỷ USD và đạt gần 19 tỷ USD. Như vậy, với con số ấn tượng này, Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia nhận tiền kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thuộc top 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối. Có thể thấy, trái với lo ngại nguồn kiều hối bị ảnh hưởng đại dịch COVID-19 đi kèm với lạm phát leo thang tại nhiều quốc gia tác động tới nền kinh tế toàn cầu, dòng kiều hối về Việt Nam vẫn khá ổn định so với các năm trước.
Kiều hối là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội |
Trong tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam hàng năm, Mỹ là quốc gia có số lượng người Việt Nam nhập cư và sinh sống nhiều nhất, tiếp đó là Anh, Australia, Canada. Còn về xuất khẩu lao động, lượng kiều hối chủ yếu đến từ các thị trường xuất khẩu lao động chính như Nhật Bản, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, nguồn kiều hối vẫn tăng trưởng tích cực là bởi Việt Nam có môi trường đầu tư ngày càng tốt, nhiều chính sách hấp dẫn dành cho Việt kiều. Người dân ngày càng cảm nhận rõ sự thay đổi tích cực của môi trường kinh doanh trong nước, cộng với sự ổn định của kinh tế vĩ mô là những yếu tố khuyến khích kiều bào chuyển tiền về cho người thân đầu tư trong nước. Ngoài ra, thời gian qua các ngân hàng triển khai nhiều chính sách hấp dẫn để hút nguồn lực vàng này.
Bà Nguyễn Hải Vân - Giám đốc Giải pháp phi tín dụng MSB cho biết, thời gian qua ngân hàng có nhiều chính sách khuyến mại hấp dẫn hút nguồn tiền này. Cụ thể, khi khách hàng nhận tiền kiều hối và thực hiện gửi tiết kiệm tại quầy sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi cao hơn so với khách hàng thông thường lên đến 0,5%. Nếu như khách hàng nhận tiền qua kênh truyền thống là Swift sẽ được miễn phí ghi có đồng thời khách hàng cũng sẽ được ưu đãi tỷ giá hơn so với khách hàng giao dịch bình thường nếu như khách hàng có nhu cầu bán lại ngoại tệ.
Đặc biệt, mỗi dịp Tết đến, lượng kiều hối luôn tăng trưởng cao cả chuyển về qua hệ thống chuyển tiền (ngân hàng, công ty kiều hối) và mang trực tiếp khi kiều bào, người lao động về quê ăn Tết, các ngân hàng và một số công ty hoạt động trong lĩnh vực kiều hối đẩy mạnh phát triển các sản phẩm dịch vụ ngày càng đa dạng, cùng với đó là chi phí chuyển tiền cũng ở mức hợp lý hơn để hút kiều hối. Chẳng hạn, riêng công ty kiều hối Sacombank thống kê trong thời điểm gần tết, lượng kiều hối chuyển về (cả doanh số và số món) tăng mạnh so với cùng kỳ tết âm lịch năm 2022, tăng trên 50%. Đây là con số ấn tượng.
Các ngân hàng tích cực triển khai nhiều chính sách hấp dẫn để "hút" nguồn lực kiểu hối |
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nguồn kiều hối đạt mức kỷ lục trong năm 2022 có tác động rất tích cực đối với sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Bởi kiều hối giúp Việt Nam ổn định và cân đối cán cân tài khoản vãng lai… Qua đó có điều kiện để thực hiện các chính sách về ngoại hối, tỷ giá hối đoái và nhất là tăng dự trữ ngoại hối sẽ góp phần củng cố tiềm lực tài chính nói chung và tiềm lực tài chính đối ngoại nói riêng của Việt Nam trong năm 2022, làm cơ sở hoạch định chính sách ngoại hối cho các năm tiếp theo.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho rằng, kiều hối là nguồn lực vàng đối với phát triển kinh tế xã hội đất nước cũng như góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đồng thời hỗ trợ và phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ của NHTW.
“Nguồn kiều hối là nguồn thu ngoại tệ quan trọng góp phần trong việc bảo đảm cung - cầu ngoại tệ, nhất là trong việc phát huy hiệu quả chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất của NHTW. Đặc biệt trong bối cảnh áp lực tỷ giá, lãi suất tăng là không nhỏ”, ông Lệnh nhận định và cho biết thêm, ngoài lượng kiều hối chuyển về qua hệ thống ngân hàng, lượng kiều hối, ngoại tệ kiều bào mang trực tiếp cũng gia tăng. Đây là một nguồn thu đáng kể vào dịp cuối năm, tác động rất tốt đến sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội và cuộc sống người dân.
Năm nào cứ đến dịp Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Văn Quý (Long Biên, Hà Nội) lại nhận được số tiền khá lớn từ con trai làm việc tại Đức gửi về. Năm nay cũng không ngoại lệ, thậm chí số tiền gửi về còn cao hơn so với năm trước. Do đó ông quyết định gửi tiết kiệm 1/2 số tiền này vì lãi suất đang ở mức tốt, số còn lại ông đã góp vốn vào cửa hàng kinh doanh của cô con gái… “Tôi hy vọng với khoản tiền này vừa hỗ trợ được con gái có vốn kinh doanh, vừa giúp cho gia đình tôi có thêm thu nhập”, ông Quý chia sẻ.
Có thể thấy kiều hối là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội. Nhiều dự báo nguồn kiều hối chuyển về Việt Nam trong năm 2023 tiếp tục ổn định trong xu hướng tăng. Bên cạnh môi trường kinh doanh, kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam có nhiều lợi thế hút kiều hối như hàng triệu kiều bào đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài, nhất là có nguồn lao động xuất khẩu dồi dào.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2022 là 142.779 người. Đây là con số tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Dự kiến mục tiêu xuất khẩu lao động trong năm 2023 là đưa khoảng 110 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Do đó, có thể kỳ vọng lạc quan trong các năm tới kiều hối tiếp tục tăng trưởng.
Ở góc độ các ngân hàng, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều còn giúp cho các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ. Khi dòng kiều hối được chuyển qua kênh ngân hàng nhiều hơn, các ngân hàng sẽ có cơ hội tăng thu hút tiền gửi từ chuyển đổi ngoại tệ sang VND, thêm nguồn vốn đầu tư cho nền kinh tế. Hơn nữa, kiều hối chuyển qua kênh chính thức còn giúp tổ chức tín dụng tiếp cận các hộ gia đình, cung cấp dịch vụ tài chính, tạo cơ hội cho họ quản lý tài chính cá nhân, hạn chế rủi ro tài chính.