Kiều hối vẫn duy trì “phong độ”
Kỳ vọng mùa kiều hối cuối năm | |
Chủ động tạo lập nguồn kiều hối ổn định, bền vững |
Việt Nam luôn được đánh giá là nước có nguồn kiều hối tương đối ổn định. Với hàng triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, tiềm lực tài chính của Việt kiều ngày một tăng, lượng kiều hối về Việt Nam đang cho thấy những dấu hiệu tích cực, không chỉ ở số lượng mà cả về chất lượng.
Ảnh minh họa |
Minh chứng là Báo cáo về Di trú và Phát triển do World Bank (WB) và KNOMAD thực hiện đưa ra dự báo, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn cầu trong hai năm vừa qua, đi kèm với lạm phát leo thang tại nhiều quốc gia, dòng kiều hối về Việt Nam vẫn khá ổn định so với các năm trước. Cụ thể, tổng lượng kiều hối về Việt Nam có thể tăng trưởng 4,4% trong năm 2022 và từ 3,6-4,5% trong năm tiếp theo, sau khi ghi nhận mức tăng 5% trong năm 2021. WB và KNOMAD cho biết, Việt Nam đứng thứ 8 thế giới và đứng thứ ba trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về lượng kiều hối trong năm 2021.
Đã có nhiều ý kiến lo ngại về lượng kiều hối trong năm 2022 sẽ giảm mạnh do tình hình lạm phát tăng cao trên thế giới, giá dầu, giá lương thực tăng cao ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, khiến lượng tiền gửi về gia đình giảm sút. Tuy nhiên thực tế, những con số ghi nhận cho tới thời điểm này vẫn cho thấy tín hiệu tích cực từ nguồn lực quý giá này.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, lượng kiều hối đổ về thành phố năm nay dự báo đạt khoảng 6,8 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng của kiều hối về TP. Hồ Chí Minh năm nay tuy thấp hơn năm ngoái, nhưng vẫn là mức tốt.
“Trong điều kiện hiện nay khi lạm phát và suy giảm kinh tế tại một số khu vực và quốc gia trên thế giới và các diễn biến phức tạp về địa chính trị tại một số khu vực, việc kiều hối tiếp tục tăng trưởng dương qua từng quý hỗ trợ tích cực phục hồi và tăng trưởng kinh tế-xã hội thành phố. Đồng thời góp phần quan trọng trong việc phát huy hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ngoại tệ, cũng như bảo đảm quan hệ cung cầu ngoại tệ”, ông Nguyễn Đức Lệnh chia sẻ.
Ông Nguyễn Bá Thành - Phó tổng giám đốc Công ty Kiều hối Sacombank (SBR) cho biết, năm 2022, lượng giao dịch kiều hối tăng ít nhất 10% so với năm trước. Dự kiến cả năm 2022, hơn 2 tỷ USD kiều hối sẽ đổ về qua kênh Sacombank và SBR. “Khi nguồn USD từ việc giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), huy động vốn quốc tế hoặc vay mượn vốn nước ngoài khó tăng đột biến vào cuối năm, kiều hối chính là nguồn bổ sung rất tốt vào nguồn cung ngoại tệ, góp phần ổn định tỷ giá hối đoái trong nước”, ông Thành nhìn nhận.
Các chuyên gia dự báo, lạm phát tại các nền kinh tế lớn trên thế giới đang giảm nhiệt, kinh tế bắt đầu phục hồi sẽ giúp cho kiều bào có thêm thu nhập, vì thế lượng tiền gửi về nước trong thời gian tới dự kiến sẽ tăng. Lượng tiền này dù được đưa vào kênh tiết kiệm ngân hàng hay đầu tư vào nền kinh tế, tiêu dùng hằng ngày cũng sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế thời gian tới.
Có được kết quả tích cực trên, bên cạnh sự ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, các ngân hàng đã có nhiều giải pháp tiếp tục thu hút các nguồn vốn ngoại tệ và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố.
Để thu nguồn lực quý giá này, thời gian qua, các nhà băng đang triển khai nhiều chương trình với chính sách ưu đãi hấp dẫn thu hút kiều hối. Đơn cử như tại Vietbank, từ nay đến ngày 31/12/2022, ngân hàng này sẽ triển khai chương trình ưu đãi “Kiều hối trao tay - Nhận ngay quà chất”. Theo đó, với mỗi giao dịch kiều hối, khách hàng sẽ nhận được một trong các quà tặng như: nón bảo hiểm, áo mưa, bình nhựa Lock&Lock.
Nhằm tri ân và thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ kiều hối, Agribank cho biết phối hợp cùng Western Union (WU) triển khai chương trình khuyến mại “Mùa kiều hối Agribank, Nhận tiền nhanh – Nhiều quà tặng” với hơn 19.000 giải thưởng và tổng giá trị lên đến 1,9 tỷ đồng. Theo đó, từ nay đến hết ngày 31/01/2023, tất cả khách hàng sau khi hoàn tất nhận hoặc chuyển tiền Western Union tại quầy giao dịch của Agribank trên phạm vi toàn quốc (không bao gồm các giao dịch nhận tiền vào tài khoản qua E-Moblie Banking - ABMT) sẽ nhận được phần quà bằng tiền mặt giá trị tương đương 100.000 đồng.
Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh chương trình ưu đãi đến từ phía các nhà băng, Chính phủ cũng cần có chính sách phù hợp để thu hút nguồn lực này. PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư tốt vô cùng quan trọng, đi kèm với đó là chính sách cởi mởi, hấp dẫn dành cho Việt kiều. Song song là duy trì tính ổn định của kinh tế vĩ mô trong nước.
Còn theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, để phát huy vai trò nguồn kiều hối, cần “nắn” kiều hối chảy vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, các kênh đầu tư tốt cũng như phát triển các thị trường như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán… chuyên nghiệp, hiệu quả hơn để thu hút đầu tư.