Lãng phí “hữu hình” lớn, lãng phí “vô hình” còn lớn hơn
Không để “lãng phí trách nhiệm”
Chia sẻ và đánh giá rất cao những nỗ lực của Đoàn giám sát để có được kết quả Báo cáo song theo đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương), nếu xem thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đơn thuần là việc đối chiếu, soi rọi các định mức, tiêu chuẩn có phù hợp với quy định hay không thì có thể chưa đủ, bởi có những lãng phí “vô hình” mà chưa được đề cập và khó đo đếm được, như lãng phí cơ hội tăng trưởng.
Vấn đề lãng phí cơ hội cũng là một nội dung được Báo cáo của Đoàn giám sát đề cập khi cho rằng: "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất cơ hội phát triển".
Tâm đắc “trong sự ngậm ngùi” về đánh giá này, đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho rằng, Báo cáo đã nêu lên và phân tích khá toàn diện các vấn đề liên quan, kèm theo đó là những con số, những đúc kết mà “bất cứ ai trong chúng ta đọc tới cũng khó có thể làm ngơ”.
Đồng thời, đại biểu Trần Hữu Hậu cũng nhận định, đấy mới chỉ là “bề nổi của tảng băng”, mới chỉ là một phần của những lãng phí "hữu hình" mà chúng ta có thể nhìn thấy, chỉ ra và đo đếm được.
“Chỉ bấy nhiêu thôi chúng ta đã thấy rất lớn, rất nghiêm trọng rồi. Theo tôi, đằng sau những lãng phí "hữu hình" ấy là những lãng phí "vô hình" với sức tàn phá lớn hơn nhiều. Nó không chỉ làm mất đi cơ hội phát triển mà còn làm nghèo đất nước, làm lãng phí nguồn lực quý giá của quốc gia, làm suy yếu bộ máy công quyền và cùng với tham nhũng, hai giặc nội xâm này có thể đe dọa sự tồn vong của chế độ chúng ta”, vị đại biểu thẳng thắn nhìn nhận.
Đại biểu Trần Hữu Hậu |
Và một trong những lãng phí “vô hình” mà đại biểu Trần Hữu Hậu đề cập tới là “lãng phí trách nhiệm”, với dẫn chứng qua những vấn đề cụ thể, từ câu chuyện không thể đấu thầu được thuốc, vật tư y tế trong nhiều bệnh viện hiện nay; đến việc hiện có không ít cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước không làm hoặc không dám làm những việc cần và đáng ra phải làm mà điều này đang gây ra những lãng phí về thời gian, công sức, tiền bạc, cơ hội kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp.
“Ở một góc độ nào đó, những người trong cuộc bị đánh giá là thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu ý thức đấu tranh, thiếu năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đánh giá như vậy không hoàn toàn sai, nhưng tôi cho rằng phần đông trong số họ là những người có lương tâm và trách nhiệm, chỉ có điều tinh thần trách nhiệm của họ do nhiều nguyên nhân không được phát huy, bị lãng phí và từ đó gây nên những lãng phí khôn lường, không đo đếm được cho xã hội, cho đất nước”, đại biểu Trần Hữu Hậu đặt vấn đề.
“Một quy luật của sự phát triển, đó là khi tiêu cực, yếu kém, trì trệ trở thành phổ biến thì lỗi không chỉ thuộc về những người trực tiếp làm ra tiêu cực, yếu kém, trì trệ mà lỗi trước hết thuộc về tổ chức bộ máy và phương thức vận hành của bộ máy ấy”, vị đại biểu này chỉ ra và do đó nhấn mạnh: “Để xóa đi những tiêu cực, trì trệ, yếu kém thì không chỉ dừng ở sự xử lý những người trực tiếp gây ra nó mà vấn đề căn bản là phải cải tổ bộ máy và phương thức vận hành của bộ máy ấy”.
Theo đại biểu, thất thoát, lãng phí trách nhiệm đang trở nên phổ biến trong các cấp, các ngành, ở một bộ phận không nhỏ các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức. “Sự thất thoát, lãng phí này đã và đang gây ra những hậu quả khôn lường trong hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước trong thực thi công vụ, làm thất thoát, lãng phí lòng tin của Nhân dân. Kính đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm thấu đáo quy luật này, loại lãng phí này để có giải pháp căn cơ, hành động quyết liệt, biện pháp cụ thể để chúng ta không bị lãng phí trách nhiệm, lãng phí niềm tin, những tài sản, tài nguyên vô giá của sự phát triển đất nước”, đại biểu kiến nghị.
Tránh "đầu voi, đuôi chuột" trong thực thi chính sách
Đại biểu Trần Quang Minh (Quảng Bình) cho rằng, giám sát tối cao thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vừa qua là một cuộc rà soát tương đối tổng thể, quy mô đối với lĩnh vực công. Đây là một cuộc giám sát khó về mặt lượng hóa, sự lãng phí, giá trị của việc thực hành tiết kiệm. Theo đại biểu, những con số như có đến 3.085 dự án sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí; 74.378,7 hecta đất sử dụng sai mục đích, bỏ hoang hóa, vi phạm pháp luật… thực sự đáng suy ngẫm và cần phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc.
Đại biểu Trần Quang Minh |
Thời gian qua, hầu hết các chủ trương, chính sách ban đầu đưa ra cơ bản là hợp lý, đúng hướng, tuy nhiên khi thực hiện còn mang yếu tố chủ quan và nhiều lý do khác dẫn đến kém hiệu quả, thậm chí để lại hậu quả lâu dài, nhất là lãng phí về tài sản, đầu tư, nguồn lực và niềm tin trong Nhân dân.
Theo đại biểu Trần Quang Minh, điều đó cho thấy tình trạng "đầu voi, đuôi chuột" trong thực thi chính sách, thường dẫn đến sự lãng phí và gây ra sự khó khăn, khó xử cho rất nhiều người đáng ra phải là đối tượng được hưởng lợi từ chính sách.
Chính vì thế, cần khắc phục tình trạng thiếu đồng bộ giữa chính sách và nguồn lực thực hiện, tính quyết liệt trong thực hiện cũng như có sự nghiên cứu đầy đủ, đánh giá tác động của chính sách từ khi ban hành và trong quá trình triển khai.
Đề xuất cụ thể, đại biểu cho rằng cần áp dụng rộng rãi các công cụ khảo sát theo nhóm đối tượng để đánh giá nhu cầu và quy trình, thủ tục có khả thi hay không, thời gian cần thiết để hấp thụ chính sách là bao nhiêu để đưa ra chính sách và lộ trình triển khai phù hợp. Bởi nếu thời hạn triển khai chính sách khiêm tốn, quy mô nguồn lực, chính sách chưa đủ bao phủ, trong khi số lượng đối tượng được hỗ trợ quá nhiều thì lợi ích dễ bị dàn trải, hiệu quả không rõ rệt.
“Nếu chính sách không khả thi thì cần dũng cảm không bắt đầu, còn nếu bắt đầu phải triển khai cho tới nơi, tới chốn, đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai thực hiện chính sách, có như thế mới hạn chế được sự lãng phí”, đại biểu Trần Quang Minh kiến nghị.